Trang tin tức sự kiện

Hướng dẫn thực hiện luận văn thạc sĩ từ khóa QH-2015-E.CH



ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ





Số: 218 / ĐHKT-SĐH

                   V/v hướng dẫn thực hiện luận văn

thạc sĩ từ khóa QH-2015-E.CH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc





Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2017

 

Căn cứ Quy chế đào tạo sau đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành theo Quyết định số 4668/QĐ-ĐHQGHN, ngày 10 tháng 12 năm 2014 và Quy định một số nội dung về tổ chức đào tạo thạc sĩ tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN ban hành kèm theo Quyết định số 2725/QĐ-ĐHKT ngày 31/12/2015, Trường Đại học Kinh tế hướng dẫn các Khoa/Viện phụ trách chuyên ngành triển khai Kế hoạch thực hiện luận văn thạc sĩ từ khóa QH-2015-E.CH.

Các nội dung hướng dẫn gồm:

- Hướng dẫn thực hiện Đề cương sơ bộ.

- Hướng dẫn thực hiện Kết quả nghiên cứu sơ bộ.

- Hướng dẫn thực hiện Luận văn.

1. Hướng dẫn thực hiện đề cương sơ bộ

Cấu trúc và nội dung chính của đề cương sơ bộ bao gồm:

1.1. Phần mở đầu/Lời mở đầu

Trong phần này, học viên cần làm rõ các nội dung chính như: tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, cấu trúc/bố cục của đề tài nghiên cứu, cụ thể như sau:

1.1.1. Tính cấp thiết của đề tài

Tính cấp thiết của đề tài cần trả lời được câu hỏi “Tại sao chủ đề này lại cần thiết được nghiên cứu?”.

Trong phần này, học viên cần làm rõ: khái quát tính chất, vị trí, tầm quan trọng của vấn đề nghiên cứu trong đề tài, cũng như những tồn tại, hạn chế của việc giải quyết vấn đề này trong thực tiễn.

1.1.2. Câu hỏi nghiên cứu

Học viên đặt ra câu hỏi nghiên cứu dựa trên vấn đề nghiên cứu cần giải quyết. Câu hỏi nghiên cứu phải hướng tới mục tiêu nghiên cứu.

1.1.3. Mục đích (hoặc mục tiêu) và nhiệm vụ nghiên cứu

Học viên cần làm rõ mục đích/mục tiêu nghiên cứu. Mục đích của nghiên cứu trả lời câu hỏi “nhằm vào việc gì?”, hoặc “để phục vụ cho điều gì?”. Trong khi mục tiêu nghiên cứu trả lời câu hỏi “làm cái gì?”. Không nên có quá nhiều mục đích/mục tiêu nghiên cứu. Mục đích/mục tiêu nghiên cứu là cơ sở để đề ra nhiệm vụ nghiên cứu.

Nhiệm vụ nghiên cứu: thường chia thành ba nhiệm vụ: (i) Hệ thống hoá những vấn đề lý luận (thực tiễn - nếu có) liên quan tới vấn đề nghiên cứu của đề tài; (ii) Đánh giá (phân tích, mô tả) thực trạng vấn đề nghiên cứu; (iii) Đề xuất các giải pháp, khuyến nghị (kiến nghị).

1.1.4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: học viên cần làm rõ vấn đề mà đề tài cần tập trung nghiên cứu giải quyết. Đối tượng nghiên cứu của một đề tài có thể là thực trạng, biện pháp, giải pháp về vấn đề nghiên cứu.

Phạm vi nghiên cứu: học viên cần làm rõ phạm vi về không gian, phạm vi thời gian và phạm vi về nội dung

1.1.5. Phương pháp nghiên cứu: học viên dự kiến phương pháp nghiên cứu và nguồn số liệu được sẽ sử dụng trong quá trình thực hiện luận văn.

1.2. Kết cấu của luận văn: Học viên dự kiến kết cấu các chương của luận văn

Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận về chủ đề nghiên cứu của luận văn

Chương 2. Phương pháp nghiên cứu

Chương 3. …..

Chương 4. …..

(Lưu ý: Kết cấu của các chương cần chi tiết tới tiểu mục đến 3 số (ví dụ: 1.1.1...) )

Kết luận

Tài liệu tham khảo dự kiến

2. Hướng dẫn thực hiện kết quả nghiên cứu sơ bộ

Cấu trúc và nội dung chính của kết quả nghiên cứu sơ bộ bao gồm:

· Phần mở đầu (làm tương tự đối với hướng dẫn thực hiện đề cương sơ bộ)

· Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận, thực tiễn (nếu có) liên quan tới vấn đề nghiên cứu của đề tài

Trong chương này học viên cần làm rõ:

- Tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Cụ thể, cần phân tích và tổng hợp kết quả của các công trình nghiên cứu để chỉ ra những tồn tại, vấn đề mang tính mới mà luận văn cần giải quyết.

(Lưu ý: cần ưu tiên sử dụng các nghiên cứu trong các năm gần đây và công bố trên các tạp chí khoa học uy tín).

- Trình bày cơ sở lý thuyết, lý luận của vấn đề nghiên cứu: đề cập đến những vấn đề lý luận chung, như: khái niệm, vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng, những vấn đề cơ bản của vấn đề nghiên cứu; khái quát hoá các lý thuyết, học thuyết có liên quan đến vấn đề nghiên cứu và sẽ sử dụng trong phân tích và thực hiện nghiên cứu tại luận văn;

- Trình bày cơ sở thực tiễn (nếu có): kinh nghiệm trong nước và quốc tế (hay các cơ quan, tổ chức khác) liên quan tới vấn đề nghiên cứu, xu hướng vận động của nền kinh tế...

· Chương 2. Phương pháp nghiên cứu

Học viên cần làm rõ: các phương pháp thu thập dữ liệu, tài liệu, phương pháp tiếp cận và các phương pháp phân tích dữ liệu, tài liệu được sử dụng cụ thể trong nghiên cứu để thực hiện luận văn.

(Lưu ý: tránh định nghĩa lại các phương pháp; chỉ liệt kê các phương pháp được sử dụng.)

· Chương 3. Đánh giá thực trạng về vấn đề nghiên cứu

Trong chương này học viên cần làm rõ thực trạng của vấn đề nghiên cứu.

Lưu ý : cần bám sát khung lý luận trong chương 1 và phương pháp nghiên cứu trong chương 2

· Các chương nội dung tiếp theo cần có đề cương chi tiết, tiểu mục đến 4 số (ví dụ: 4.2.1.1...)

Phần mở đầu, chương 1, chương 2, chương 3 học viên viết đầy đủ nội dung. Các chương tiếp theo học viên viết đề cương chi tiết. Khuyến khích học viên hoàn thành tất cả các chương của luận văn.

3. Hướng dẫn thực hiện luận văn

Nội dung của Luận văn bao gồm:

Lời cam đoan

Tôi xin cam đoan luận văn này là kết quả nghiên cứu của riêng tôi, chưa được công bố trong bất cứ một công trình nghiên cứu nào của người khác. Việc sử dụng kết quả, trích dẫn tài liệu của người khác đảm bảo theo đúng các quy định. Các nội dung trích dẫn và tham khảo các tài liệu, sách báo, thông tin được đăng tải trên các tác phẩm, tạp chí và trang web theo danh mục tài liệu tham khảo của luận văn.

Tác giả luận văn

(Ký tên)

· Phần mở đầu

· Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận

· Chương 2. Phương pháp nghiên cứu

· Chương 3. Đánh giá thực trạng về vấn đề nghiên cứu

Lưu ý : Nội dung phần mở đầu và chương 1-3, học viên làm tương tự theo hướng dẫn thực hiện kết quả nghiên cứu sơ bộ

· Chương 4. Đề xuất giải pháp, khuyến nghị

Giải pháp được đề xuất phải căn cứ trên kết quả nghiên cứu của luận văn.

Lưu ý : Tên chương 3 và 4 chỉ mang tính tham khảo, học viên có thể thay đổi để bám sát nhất nội dung nghiên cứu của đề tài. Phần đề xuất giải pháp, khuyến nghị nếu quá ngắn có thể lồng ghép trong trong phần bình luận của kết luận.

· Kết luận (và bình luận - nếu có)

Trong phần Kết luận, học viên trình bày ngắn gọn những đóng góp, phát hiện mới của luận văn, chỉ ra những giới hạn mà luận văn chưa giải quyết được và kiến nghị hướng nghiên cứu tiếp theo.

· Tài liệu tham khảo

Tất cả các tài liệu tham khảo trích dẫn trong luận văn phải được liệt kê trong Danh mục tài liệu tham khảo, không sử dụng chú thích ở cuối trang (footnotes).

· Phụ lục (Nếu có)

Phụ lục đính kèm tất cả các số liệu nghiên cứu không trình bày được trong phần nội dung luận văn chính, bao gồm:

+ Đồ thị (dài hơn 1-2 trang).

+ Bảng biểu số liệu (dài hơn 1-2 trang).

+ Thủ tục tính toán (dài hơn 1-2 trang).

+ Lập trình phần mềm (dài hơn 1-2 trang).

+ Kết quả phân tích thống kê.

+ Báo cáo tài chính, số liệu (dài hơn 1-2 trang).

+ Bảng hỏi (hay phiếu khảo sát, phỏng vấn).

Cách thức trình bày luận văn được quy định tại Phụ lục 3.

Quy định này áp dụng từ khóa QH-2015-E.CH. Kính đề nghị lãnh đạo các Khoa phổ biến quy định này đến toàn thể cán bộ hướng dẫn, học viên và các giảng viên tham gia các Hội đồng thuộc Khoa phụ trách.

Nơi nhận:

- Như trên;

- Lưu: VT, ĐT, H10.

KT. HIỆU TRƯỞNG

PHÓ HIỆU TRƯỞNG

(Đã ký)

PGS. TS. Nguyễn Trúc Lê

Chi tiết: Tại đây



Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành