Trang tin tức sự kiện

Hà Nội không vội không xong: Phải thay đổi từ đâu?

Hà Nội đang yếu ở khâu nào thì tập trung cải thiện tốt khâu đó. Khi Hà Nội làm tốt vai trò đầu tàu kinh tế, sẽ có tác động lan tỏa...


Đó là nhận định của TS Trần Quang Tuyến, Phó Chủ nhiệm khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Kinh tế (ĐHQGHN), thành viên Hội đồng kinh tế Quỹ Nofosted khi bàn về sự thay đổi trong tư duy phát triển của Hà Nội.

TS Trần Quang Tuyến và các cộng sự có nhiều nghiên cứu về tác động chất lượng quản trị công cấp tỉnh tới hiệu quả doanh nghiệp và mức sống dân cư ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của tác giả và cộng sự đã được xuất bản trên các tập san quốc tế uy tín trong danh mục ISI (SSCI) như các tạp chí: Journal of Business Ethics, Estudios de Economia, Children and Youth Services Review và International Journal of Social Welfare.

PV: Từ nhiều năm nay, câu nói mang nhiều tính chất bông đùa "Hà Nội không vội được đâu" bị coi như một đặc điểm, một điểm nghẽn trong sự phát triển của Hà Nội. Có rất nhiều câu chuyện khiến dư luận quan tâm, ví dụ, không thể tìm ra việc chạy công chức 100 triệu đồng, hay cắt ngọn tòa nhà xây dựng sai phép 8B Lê Trực...

Thưa ông, ông bình luận thế nào về thực trạng trên? Đó có phải là 'đặc sản' của Hà Nội hay là vấn đề chung mà nhiều địa phương đang mắc phải? Biểu hiện nặng nhất và gây ra nhiều hệ lụy nhất của việc 'không vội được đâu' nằm ở khâu nào?

Ha Noi khong voi khong xong: Phai thay doi tu dau?
TS Trần Quang Tuyến, Phó Chủ nhiệm khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Kinh tế (ĐHQGHN).

TS Trần Quang Tuyến: Tôi chỉ nghĩ rằng câu nói "Hà Nội không vội được đâu" bắt nguồn từ câu nói quen thuộc của nhiều người về giao thông của Hà Nội. Bởi Hà Nội hay tắc đường, người xe ùn ứ, đông đúc nên "không vội được đâu".

Còn bắt sang câu chuyện kinh tế của Hà Nội, để xem câu nói "Hà Nội không vội được đâu" có phải để chỉ sự chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục hành chính, hay vấn đề về quản trị công hay không thì chúng ta cần phải có các chỉ số để đánh giá một cách khách quan hơn.

Đương nhiên, không có chỉ số đánh giá nào là hoàn hảo, nhưng những chỉ số như Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hay Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cũng là những tham vấn tin cậy được, bởi chúng đã được thực hiện trong nhiều năm và được các tổ chức, nhà khoa học thừa nhận.

Đối với chỉ số PCI, dẫu nó không phản ánh toàn diện nhưng ít nhất nó cũng cho thấy phần nào bức tranh về việc thực hiện thủ tục hành chính, các quy định... của các địa phương.

Đó là sự đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng điều hành, quản trị kinh tế của địa phương, thể hiện qua 11 chỉ số thành phần, chẳng hạn như Tiếp cận đất đai, Giải quyết thủ tục hành chính, Đào tạo lao động, Cạnh tranh bình đẳng, Chi phí không chính thức, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Tính năng động của chính quyền tỉnh, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự...

Theo bảng xếp hạng PCI năm 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Hà Nội đạt 64,71 điểm, xếp vị trí thứ 13/63, tăng 1 bậc so với PCI năm 2016.

Như vậy, Hà Nội nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành khá và xét trong mặt bằng chung, đó không phải là một kết quả tệ. Tuy nhiên, nếu nhìn Hà Nội như một đầu tàu kinh tế và kỳ vọng Thủ đô phải đi đầu thì kết quả ấy có lẽ chưa được như mong muốn.

Trong khi đó, chỉ số PAPI phản ánh trải nghiệm và cảm nhận của người dân đối với hiệu quả quản trị, hành chính công và cung cấp dịch vụ công ở cấp trung ương và địa phương.

Đây được xem là khảo sát xã hội học lớn nhất Việt Nam tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân.

Kết quả khảo sát xã hội học PAPI 2017 cho thấy, Hà Nội đạt 34,64 điểm, nằm trong nhóm có chỉ số PAPI thấp nhất nước. Các chỉ số đánh giá về công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công đều bị đánh giá ở mức thấp nhất.

PV: Mới đây, tại Hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển Hà Nội 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ý kiến, từ nay Hà Nội không vội không xong. Thưa ông, ông bình luận như thế nào về ý kiến trên? Theo quan điểm cá nhân ông, Hà Nội nên vội ở khâu nào là nhất? Và để thay đổi, Hà Nội có phải đối diện với những khó khăn, vướng mắc thế nào?

TS Trần Quang Tuyến: Có lẽ Thủ tướng muốn nói rằng, Hà Nội là thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước thì kỳ vọng phải cao hơn nữa và phải làm tốt hơn nữa.

Chẳng hạn, chỉ số PCI của Hà Nội năm 2017 đứng thứ 13/63 tỉnh thành không phải là thấp nhưng Hà Nội nên đạt vị trí cao hơn nữa. Tương tự, Hà Nội bị xếp vào nhóm có chỉ số PAPI trong nhóm thấp nhất nước, vậy thì với vị trí, vai trò của mình, Hà Nội nên cải thiện điều này.

Để làm được điều đó, Hà Nội nên xem các chỉ số thành phần nào đang thấp thì tập trung vào những lĩnh vực đó để cải thiện cho tốt hơn. Ví dụ, trong chỉ số PAPI, các chỉ số đánh giá về công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát tham nhũng, thủ tục hành chính công của Hà Nội đều ở mức thấp nhất, vậy Hà Nội nên tập trung cải thiện những chỉ số này.

Dĩ nhiên, khi thay đổi, Hà Nội cũng gặp những khó khăn chung của môi trường, chính sách. Với quy mô đông hơn về số công chức và dân số, với vị thế thủ đô thì Hà Nội vừa có thuận lợi, vừa có khó khăn trong việc thực hiện. Chẳng hạn, nguồn lực của Hà Nội có thể có nhiều hơn, nhưng chính vì số lượng đông đảo nên nhiều khi nó lại là một lực cản lớn.

PV: Trong bối cảnh hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội không thể chỉ yên tâm với vai trò trung tâm chính trị mà phải phát triển sao cho tương xứng với vị thế là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, bên cạnh TP.HCM.

Ngay trong hội nghị nói trên, Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn gần 400.000 tỷ đồng, tương đương 17 tỷ USD. Trong đó, có 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là trên 130 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 5 tỷ USD).

Một “Hà Nội không vội không xong" sẽ có vai trò gì trong việc kêu gọi và sử dụng hiệu quả dòng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài? Ông có lưu ý gì để Hà Nội tránh được trái đắng và thu được nhiều quả ngọt từ việc trải thảm đỏ này?

TS Trần Quang Tuyến: Thực ra, khi quyết định đầu tư thì chất lượng thể chế là một trong những điều mà nhà đầu tư quan tâm. Nhà đầu tư có thể chấp nhận đầu tư vào một nơi thể chế chưa tốt, nhưng bù lại nơi ấy có hạ tầng tốt, thị trường lớn, các cơ hội kinh doanh tốt...

Chẳng hạn, một tỉnh lân cận Hà Nội có thể chế tốt hơn Hà Nội nhưng nhà đầu tư vẫn lựa chọn đầu tư vào Hà Nội vì Hà Nội có nhiều lợi thế mà nơi khác không có được. Tuy nhiên, chính điều ấy lại có thể làm giảm bớt nỗ lực cải thiện thể chế để thu hút đầu tư.

Mặc dù một địa phương hay một quốc gia có thể không cần cải thiện nhiều về chất lượng thể chế nhưng vẫn có thể thu hút nhiều đầu tư vì nơi đó có nhiều lợi thế khác. Tuy nhiên, nếu quốc gia hay địa phương đó cải thiện thể chế tốt hơn thì họ có thể thu hút nhiều đầu tư với hiệu quả và chất lượng tốt hơn.

Tương tự, nếu Hà Nội đã có lợi thế tốt rồi nhưng cải thiện thể chế tốt hơn nữa thì sẽ càng thu hút được đầu tư với số lượng nhiều hơn và chất lượng tốt hơn nữa.

Một khi Hà Nội cải thiện, nâng cao môi trường thể chế và các lợi thế của mình thì nó sẽ tạo sức ép cũng như tác động lan tỏa cho các tỉnh thành khác phải cải cách cùng, các tỉnh thành phải nhìn Hà Nội để phấn đấu.

PV: Song song với đó, một vấn đề khác được Thủ tướng chỉ ra khi đề cập đến động lực tăng trưởng mới của Hà Nội, đó là cần phóng tầm nhìn đến những khu vực tiềm năng, những quận, huyện mới.

Thủ tướng cho rằng cần có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, phù hợp với cơ cấu kinh tế trong tương lai, hài hòa, cân đối lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Tránh tình trạng dồn quỹ đất cho dự án tăng trưởng ngắn hạn, lợi ích ngắn hạn, đến khi thực hiện mục tiêu dài hạn thì không còn đất. Đất đai là cần câu chứ không phải con cá.

Ông đánh giá tầm quan trọng của việc nhìn ra những khu vực tiềm năng, đất đai là cần câu chứ không phải con cá trong việc phát triển kinh tế Hà Nội? Làm sao để đất vàng Hà Nội không trở thành đặc quyền đặc lợi của một nhóm người như thời gian qua ở một số tỉnh, thành và ở cả Hà Nội?

TS Trần Quang Tuyến: Nền kinh tế của Hà Nội trong tương lai tăng trưởng với quy mô và cấu trúc như thế nào, từ quy mô và cấu trúc tăng trưởng ấy đòi hỏi nguồn lực đất đai để quy hoạch cho tương xứng, thay vì một cái nhìn ngắn hạn, đó là điều đương nhiên.

Thủ tướng nói hoàn toàn chính xác, nhưng vấn đề là các nhà quy hoạch, nhà khoa học, nhà quản lý tính toán, dự báo được quy mô nào và phát triển ra sao để từ đó tính quy hoạch đất đai cho tương xứng lại là bài toán cực khó, vì có những biến động và phát triển trong tương lai khó có thể dự đoán một cách chính xác và lường hết được. Vì lẽ đó, rất cần các nhà quản lý, nhà quy hoạch có kiến thức, năng lực, tầm nhìn và một tinh thần khách quan.

Để tránh những vấn đề tiêu cực và bất cập trong quản lý và sử dụng đất, quan trọng là quá trình thực hiện có công khai, minh bạch và nghiêm túc hay không. Các quy định đều đã có, vấn đề là anh thực hiện như thế nào. Nhưng tôi hy vọng, những gì Hà Nội đang làm, sẽ có những thay đổi tích cực.

PV: Câu hỏi cuối cùng, ông đặt kỳ vọng vào đầu tàu kinh tế Hà Nội như thế nào? Vị thế và sức lan tỏa của Hà Nội tới các địa phương và cả nền kinh tế chung như thế nào? Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay, điều này có dễ thực hiện? Ngoài chuyện 'không vội không xong', còn điều quan trọng nào khác mà Hà Nội phải thực hiện?

TS Trần Quang Tuyến: Đương nhiên một đô thị lớn phát triển thì tính lan tỏa của nó rất nhiều. Hà Nội làm tốt thì sẽ ảnh hưởng tới các vùng lân cận Hà Nội, khiến các vùng này có thay đổi tích cực về thể chế, giáo dục, khoa học công nghệ...

Hà Nội có làm được những điều đó hay không, thực hiện dễ hay khó, theo tôi cần đặt ra những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và khả thi trong điều kiện làm được, thay vì những tuyên bố to lớn và chung chung.

Trong quá trình thực hiện, dĩ nhiên sẽ bị vướng về thể chế chung, nhưng như thế không có nghĩa là không làm được, dù có thể kết quả không được hoàn toàn như mong muốn. Như vậy, nếu thực sự có một môi trường thể chế tốt, một người lãnh đạo có tầm nhìn, có quyết tâm và chiến lược... thì mọi thứ vẫn có thể làm được.

 

Báo Đất Việt

Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành