Cuốn sách này được sử dụng cho học phần “Mô hình nhà nước phúc lợi” thuộc chương trình đào tạo cử nhân ngành Kinh tế, đồng thời có thể làm tài liệu tham khảo cho các học phần, chuyên đề có liên quan của các chương trình đào tạo sau đại học chuyên ngành Kinh tế Chính trị, Quản lý Kinh tế của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tác giả: Phạm Thị Hồng Điệp (chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội
Khổ sách: 16x24cm
Bìa sách: Bìa mềm
Thời gian xuất bản: Năm 2020
Số trang: 264 trang
Nội dung sách:
Nhà nước phúc lợi là vấn đề đã được quan tâm nghiên cứu trong kinh tế chính trị từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay trên các khía cạnh như đặc điểm hệ thống phúc lợi xã hội (bảo hiểm nghề nghiệp, thất nghiệp, y tế, giáo dục, lương hưu…) và vai trò của nhà nước phúc lợi đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Về thực tiễn, mô hình nhà nước phúc lợi gắn liền với sự phát triển của một số nước Tây - Bắc Âu, Bắc Mỹ, Đông Á trong một vài thập kỷ qua đã đem lại sự đầy đủ, thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế bền vững cho các nước này.
Lý thuyết về nhà nước phúc lợi đã ghi nhận nhiều cách phân loại mô hình nhà nước phúc lợi khác nhau. Việc phân loại các mô hình nhà nước phúc lợi thường được các nhà nghiên cứu tiến hành bằng cách xem xét các kiểu kết hợp giữa ba khu vực của xã hội (thị trường, nhà nước và gia đình), trong việc đáp ứng ba chức năng chính (bảo hiểm, tái phân phối và cung ứng các dịch vụ xã hội).
Trên cơ sở khảo cứu tài liệu, kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước, cuốn chuyên khảo này góp phần làm rõ những đặc điểm của các mô hình nhà nước phúc lợi tiêu biểu trên thế giới, phân tích quá trình hình thành và phát triển nhà nước phúc lợi ở những quốc gia điển hình của mô hình đó, đồng thời gợi mở một số ý tưởng từ kinh nghiệm các nước đi trước cho quá trình xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội ở Việt Nam. Với cách tiếp cận kinh tế chính trị và kinh tế thể chế, các mô hình nhà nước phúc lợi được phân tích trên nền tảng kinh tế thị trường, trong tương quan giữa nhà nước, thị trường và nền dân chủ tư sản. Đặc biệt, cách thức xem xét mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường trong lịch sử phát triển kinh tế chính trị cũng chính là cách thức đặt vấn đề mang tính nền tảng của các nghiên cứu về nhà nước phúc lợi đương đại.
Cấu trúc của sách:
Chương 1: Những vấn đề chung về nhà nước phúc lợi
Chương 2: Mô hình nhà nước phúc lợi Ănglo-Saxon
Chương 3: Mô hình nhà nước phúc lợi Châu Âu lục địa
Chương 4: Mô hình nhà nước phúc lợi Bắc Âu
Chương 5: Mô hình nhà nước phúc lợi Đông Á
Chương 6: Xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội ở Việt Nam
Sách phát hành tại: Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Phòng 101 - Nhà E4, số 144 đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Thông tin có tại: Website: http://ueb.edu.vn
Fanpage ĐHKT: https://www.facebook.com/UEBresearch