Trang tin tức sự kiện

Bí quyết giành “cú đúp” học bổng thạc sĩ toàn phần tại 2 Châu lục của cựu sinh viên UEB điển trai

Ước mơ đặt chân tới những quốc gia có nền giáo dục nổi danh thế giới để học tập và khám phá luôn là khao khát của rất nhiều bạn trẻ, thế nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để đi du học với một khoản chi phí đắt đỏ. Vậy nên, ngoài nuôi dưỡng niềm đam mê cháy bỏng, Nguyễn Nhân Hưởng – Cựu sinh viên QH-2014-E QTKD, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã “bỏ túi” cho mình những bí quyết cực hay để “săn” học bổng thành công, bắt đầu hành trình vi vu khám phá thế giới.



“Mối duyên” với UEB…

Biết đến Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là một trong những ngôi trường đào tạo về lĩnh vực kinh tế hàng đầu Việt Nam, nơi chắp cánh cho rất nhiều thế hệ sinh viên trẻ tài năng thành đạt, cộng thêm “truyền cảm hứng” từ người chị gái đã từng theo học tại đây, chàng trai Nguyễn Nhân Hưởng đã ao ước sau này mình có thể trở thành tân sinh viên của ngôi trường danh tiếng này.

Thế nhưng, năm đó, giấc mơ ấy chưa thể thành hiện thực, anh chàng trúng tuyển vào một ngôi trường khác. Luôn cảm thấy đó không thực sự là môi trường lý tưởng dành cho mình, Hưởng đã quyết định làm theo những gì trái tim và lý trí mách bảo…

Sau biết bao nỗ lực và cố gắng, cảm xúc vỡ òa khi cánh cửa UEB rộng mở đón chào, đối với anh đây chính là “miền đất hứa” dành cho bản thân. Môi trường học tập năng động, chương trình đào tạo hướng tới chuẩn quốc tế, vì thế, không chỉ được học hỏi những kiến thức phong phú từ bài giảng hấp dẫn, thiết thực của thầy cô, Nhân Hưởng còn được biết tới những “cơ hội vàng” được “vi vu” đến nhiều chân trời mới – Những quốc gia có nền giáo dục phát triển gắn với tên tuổi các trường đại học hàng đầu thế giới.

Hưởng đã bắt đầu lên “dây cót” với một tâm thế hứng khởi, chuẩn bị cho một chặng hành trình mới – đầy kỳ vọng và khát khao…

“Cú đúp” học bổng thạc sĩ toàn phần

“No pressure, no diamonds” - Thomas Carlyle (Áp lực tạo kim cương) - là câu danh ngôn mà Hưởng vô cùng tâm đắc và có lẽ nhờ câu nói như kim chỉ nam ấy, chàng sinh viên năm nào đã vượt qua mọi khó khăn thử thách giành “cú đúp” học bổng thạc sĩ toàn phần tại hai trường đại học danh tiếng: Seoul National University (Đại học Quốc gia Seoul - Hàn Quốc) và Copenhagen Business School (Đan Mạch).

Chia sẻ về bí quyết “săn” học bổng toàn phần, anh tâm sự, để tham gia ứng tuyển bất cứ chương trình học nào tại nước ngoài, bản thân đều phải có kế hoạch và định hướng cụ thể.

Trước tiên, việc trau dồi tích lũy kiến thức, học tốt các môn học trên giảng đường là điều vô cùng quan trọng để đem lại cho bản thân một kết quả tốt nhất. Bởi, các trường đại học lớn trên thế giới rất quan tâm đến năng lực học tập của bạn. Song song với đó, tích lũy và rèn luyện khả năng ngoại ngữ tốt là một điều kiện tất yếu, bởi ngoại ngữ càng trôi chảy, quá trình phỏng vấn cho học bổng sẽ diễn ra thuận lợi hơn.

Bên cạnh việc tích lũy và tiếp thu kiến thức, tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và các hoạt động ngoại khóa sẽ là “điểm cộng” lớn dành cho các ứng viên. Sinh viên càng có nền tảng và kỹ năng tốt, càng năng động, tự tin sẽ càng để lại ấn tượng mạnh cho hội đồng xét tuyển.

“Hãy tìm hiểu thật kỹ các yêu cầu của học bổng tại ngôi trường mà bạn muốn “apply”. Đa phần các trường đại học đánh giá ứng viên bên cạnh kế hoạch học tập chi tiết, chính là định hướng nghiên cứu của bạn – đây cũng là vấn đề khó khăn nhất đối với các sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường, chưa có nhiều kiến thức “thực chiến”, do đó, để có những ý tưởng nghiên cứu hay ho, hấp dẫn là vô cùng khó.

“Nếu có thể, mình khuyên các bạn nên đi thực tập thực tế tại các cơ quan, doanh nghiệp để học hỏi và có cái nhìn đa chiều, khách quan phục vụ cho đề tài của mình… Nhưng nếu bạn chưa có kinh nghiệm thực tiễn nhiều, cũng không sao cả, đừng lo lắng. Hãy kết nối với Thầy cô – những người luôn sẵn sàng giúp đỡ và cho bạn những lời khuyên chân thành, những góp ý hữu ích nhất.” – Chàng cựu sinh viên chia sẻ thầy cô tại UEB đã giúp đỡ rất nhiều để anh có được thành quả như ngày hôm nay.

…Và hành trình “vi vu” 2 Châu lục

Được nhận đồng thời học bổng chính phủ toàn phần của Hàn Quốc và Đan Mạch, Hưởng quyết định lựa chọn đến “trời Âu” – một xứ sở hoàn toàn mới lạ để học tập, nghiên cứu và khám phá cuộc sống.

Cựu sinh viên Nguyễn Nhân Hưởng tại Trường Copenhagen Business School (Đan Mạch)

Tại trường Copenhagen Business School – Đan Mạch, cựu sinh viên tài năng tiếp tục được nhận học bổng toàn phần trao đổi ngắn hạn tại University of Michigan – Ross School of Business – một trong những ngôi trường hàng đầu của Mỹ, cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm và tiếp thu nền văn hóa đặc sắc tại “xứ sở cờ hoa”.

Nhân Hưởng tiếp tục nhận học bổng trao đổi tại University of Michigan – Ross School of Business (Mỹ)

Mặc dù, gặp không ít khó khăn về sự thay đổi môi trường sống, thời tiết, khí hậu, hay “sức nặng” của các chương trình học,… nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực và cố gắng từng ngày, không ngừng học hỏi, không ngừng trau dồi và rèn luyện bản thân, anh chàng đã có những trải nghiệm tuyệt vời tại 2 vùng trời Âu – Mỹ.

“Đi du học, ngoài học tập, nghiên cứu, thì giao lưu, học hỏi với thầy cô, bạn bè quốc tế đã cho mình “mở rộng tầm mắt”, thêm nhiều kiến thức mới, đồng thời, cũng là cơ hội quý giá để mình thực hiện sở thích đi du lịch khám phá thế giới, vi vu tìm hiểu văn hóa và những điều kỳ diệu về cuộc sống và con người… Mỗi quốc gia đặt chân đến đều lưu lại trong mình những trải nghiệm và kỷ niệm tươi đẹp đáng nhớ…”

Tình yêu, niềm tự hào và lòng biết ơn luôn là những gì mà Nguyễn Nhân Hưởng dành cho ngôi trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. “Đến với UEB là một mối duyên tuyệt vời, và nhờ UEB tôi có ngày hôm nay…”

Báo chí cũng đăng tải bài viết:

Bí quyết giành "cú đúp" học bổng toàn phần tại 2 Châu lục của cựu sinh viên điển trai

Nam sinh điển trai xuất sắc giành cú đúp học bổng thạc sĩ tại 2 châu lục nhờ danh ngôn "lạ"


Ngọc Thúy - UEB Media



Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành