Năm 2021, một năm với rất nhiều thử thách đối với đất nước nói chung cũng như Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nói riêng. Tuy nhiên, vượt qua những thách thức trước mắt bằng sự bền bỉ, nhiệt huyết, mái nhà chung UEB vẫn đạt những thành tựu nổi bật, hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra trên các lĩnh vực, khẳng định vị thế của Nhà trường.
Cùng điểm lại Top 21 thành tựu, sự kiện tiêu biểu nhất năm 2021 của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
1. Đóng góp chính vào BXH 501-550 thế giới QS 2021 của ĐHQGHN trong lĩnh vực Kinh doanh và Nghiên cứu Quản lýTrường Đại học Kinh tế được ĐHQGHN ghi nhận là đơn vị chủ lực, tiên phong, dẫn đầu đóng góp chính trong kết quả xếp hạng 501-550 thế giới trong lĩnh vực Kinh doanh và Nghiên cứu quản lý của Bảng xếp hạng danh tiếng QS Ranking. Theo đó, ĐHQGHN là đơn vị đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được xếp hạng trong lĩnh vực này.
2. Vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủNăm 2021, Trường Đại học Kinh tế vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về Thành tích xuất sắc đột xuất trong lĩnh vực Quản trị kinh doanh, nghiên cứu quản lý và phát triển khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
3. Hai năm liên tiếp đạt vị trí số 1 VNU Năm học 2019-2020 và 2020-2021, Trường Đại học Kinh tế hai lần liên tục xếp vị trí số 1 theo bảng tiêu chí kết quả đánh giá tổng thể các lĩnh vực hoạt động. Các thành tích được ghi nhận của Trường Đại học Kinh tế đã khẳng định sự đúng đắn trong chiến lược phát triển bền vững của Nhà trường, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xếp hạng ngang tầm với các đại học tiên tiến trong khu vực Châu Á.
4. Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN được Thủ tướng Chính phủ phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốcNăm 2021, đồng chí Nguyễn Trúc Lê - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc theo Quyết định số 1360/QĐ-TTg ngày 27/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là danh hiệu được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc nhất trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, được lựa chọn trong số những cá nhân có hai lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương và có sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng thực tiễn đạt hiệu quả cao và có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc.
5. Đơn vị đầu tiên của ĐHQGHN thành lập Hội đồng Trường nhiệm kỳ 2021-2026 .
Năm 2021, Trường Đại học Kinh tế là đơn vị đầu tiên của ĐHQGHN đã thành lập Hội đồng Trường nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 15 thành viên nhằm hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy, hướng đến tự chủ đại học, phát triển đột phá và bền vững.
6. Đơn vị đầu tiên được ĐHQGHN phê duyệt Định mức kinh tế kỹ thuật
Trường Đại học Kinh tế là đơn vị đầu tiên của ĐHQGHN được phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng đối với tất cả các chương trình đào tạo đại học từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026 hướng tới tự chủ đại học, hiện thực hóa nhanh chiến lược quốc tế hóa giáo dục của nhà trường.
7. Tổ chức thành công nhiều Diễn đàn, Hội thảo khoa học tầm cỡ quốc tế
Tổ chức thành công nhiều Diễn đàn, Hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia, góp phần nâng cao uy tín về nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN nói chung và Trường Đại học Kinh tế nói riêng. Trong đó tiêu biểu như Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt - Anh 2021 do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trung tâm Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (ICRAF-CIFOR Global), Hội Hữu nghị Việt Nam - Anh tổ chức thành công tốt đẹp.
Hội thảo quốc tế với chủ đề “Thương mại và đầu tư quốc tế hướng tới chuyển đổi số và chuyển đổi xanh” (CIECI 2021) được tổ chức bởi trường Đại học Kinh tế phối hợp cùng Trường Đại học Adelaide, Úc, Trường Đại học Quốc gia Chengchi, Đài Loan và Viện Friedreich Nauman Foundation tại Việt Nam. Hội thảo đã thu hút sự tham dự của 400 khách mời đến từ các cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Hội thảo Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2021: Ra đời trong bối cảnh đặc biệt khi tình hình suy thoái toàn cầu dưới tác động của đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Báo cáo đã đi sâu phân tích nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động của nền kinh tế thế giới, định vị lại Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.
8. Công bố ra mắt chương trình Quản trị kinh doanh dành cho Tài năng thể thao - thực hiện trách nhiệm quốc gia trong phát triển kinh tế thể thao của Việt Nam
Chương trình đào tạo đại học ngành QTKD dành cho các tài năng thể thao là một chương trình nhằm mục tiêu thực hiện trách nhiệm quốc gia, chuẩn bị hành trang cho các vận động viên chuyên nghiệp phát triển sự nghiệp trong tương lai. Trong năm 2021, Chương trình đã thu hút được sự quan tâm và đăng ký theo học của đông đảo các VĐV chuyên nghiệp, trong đó nổi bật là các VĐV hàng đầu Việt Nam như cầu thủ Quang Hải, VĐV điền kinh Quách Thị Lan, VĐV karate Nguyễn Thanh Duy và Nguyễn Thị Mai Anh,...
9. Vận hành Quỹ hỗ trợ tài chính "Đồng hành kiến tạo tương lai" tổng trị giá 50 tỷ đồng
Cơ hội làm chủ nguồn tài chính học tập của sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với Quỹ hỗ trợ “Đồng hành kiến tạo tương lai”. Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã cùng nhau hợp tác xây dựng Quỹ hỗ trợ “Đồng hành kiến tạo tương lai” - đặc biệt dành riêng cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và gia đình, rộng mở cơ hội được học tập của sinh viên, trong bối cảnh dịch COVID-19 đã làm suy giảm nguồn thu nhập của nhiều gia đình.
Theo đó, sinh viên Trường Đại học Kinh tế được thụ hưởng Quỹ hỗ trợ bao gồm Gói tài trợ vay vốn cho sinh viên đóng học phí tổng trị giá 50 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi thấp nhất so với các sản phẩm cùng loại. Ngoài ra, sinh viên Trường Đại học Kinh tế còn có cơ hội nhận Học bổng hỗ trợ lãi vay với tổng trị giá 80 triệu đồng/năm.
10. Trường Đại học Kinh tế ra mắt Bộ nhận diện thương hiệu mới
Bộ nhận diện thương hiệu mới của Trường Đại học Kinh tế đã góp phần định vị, lan tỏa và phát triển thương hiệu UEB trong nước và quốc tế. Trong đó, sản phẩm đặc biệt lần đầu ra mắt là bộ đồng phục dành cho Cán bộ, Giảng viên, người lao động thể hiện hình ảnh chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế theo đúng mục tiêu quốc tế hóa của Trường Đại học Kinh tế.
11. Thành lập Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh trực thuộc Trường Đại học Kinh tế
Trường Đại học Kinh tế đã thành lập Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh (tiền thân là chuyên san Kinh tế và Kinh doanh thuộc Tạp chí Khoa học, ĐHQGHN) theo Quyết định số 233/GP-BTTTT, góp phần khẳng định vị thế khoa học của Nhà trường. Tạp chí là cầu nối để các thành tựu trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có thể đến gần hơn với xã hội; là diễn đàn trao đổi, công bố, giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực kinh tế và kinh doanh của các tác giả trong và ngoài Trường; hướng tới được chỉ mục trong hệ thống trích dẫn ACI, và các cơ sở dữ liệu uy tín khác như ISI/Scopus, Web of Science. Tạp chí được Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Kinh tế công nhận điểm công trình là 0,75 và đã trở thành thành viên chính thức của VJOL và được cấp mã định danh quốc tế ISSN, e-ISSN.
12. Chương trình Đào tạo có tính quốc tế hóa cao, liên ngành, xuyên ngành, liên đơn vị, xuyên đơn vị
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát triển mạnh các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, đặc biệt với các trường có ranking cao của Mỹ, Australia, châu Âu, ... hiện thực hóa mục tiêu quốc tế hóa giáo dục, mang tới chất lượng đào tạo đẳng cấp cho sinh viên Việt Nam như chương trình liên kết với ĐH St.Francis, Hoa Kỳ, chương trình liên kết với ĐH Troy, Hoa Kỳ
13. Mô hình đào tạo tiên phong, đặc sắc, phát huy tối đa thế mạnh các nguồn lực của cộng đồng One VNU để phát triển mạnh các CTĐT liên ngành, liên đơn vị.
Chương trình trao đổi sinh viên trong nước công nhận tín chỉ với các trường đại học hàng đầu về khối ngành kinh tế tại Việt Nam như Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế; Trường Đại học Kinh tế, Luật – ĐHQG TP HCM; Trường Đại học Kinh tế TP HCM. Đây là cơ hội cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế được trải nghiệm môi trường học tập đa dạng, đa văn hoá; rèn luyện các kỹ năng mềm, … gia tăng khả năng hội nhập, thích ứng với các biến động của môi trường và xã hội sau khi tốt nghiệp.
14. UEB tiếp tục khẳng định vị thế Top đầu các trường khối ngành Kinh tế trong đợt tuyển sinh năm 2021
Trường ĐH Kinh tế khẳng định vị trí Top đầu trong các trường khối ngành kinh tế của Việt Nam với điểm trúng tuyển Đại học năm 2021 thuộc top đầu khối các trường kinh tế. Trường Đại học Kinh tế, UEB - VNU là thương hiệu uy tín, chất lượng cao, ngày càng thu hút sự quan tâm của người học, người dạy và xã hội.
15. Không gian sáng tạo, kết nối cho sinh viên, giảng viên, nhà khoa học
Khánh thành Không gian Sáng tạo và Nghệ thuật tại tầng 5 nhà E4, trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN. Đây là một Khu chức năng được thiết kế đặc biệt mang đậm nét văn hóa sáng tạo của Trường Đại học Kinh tế, với mong muốn mang tới một không gian thưởng thức nghệ thuật âm nhạc và hội họa, là nơi giới thiệu các ấn phẩm khoa học, giao lưu học thuật dành cho tất cả cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên của Nhà trường.
16. Phát triển các mô hình hoạt động chuyển giao tri thức, đồng bộ hệ sinh thái khởi nghiệp gắn kết nhà khoa học, phòng thí nghiệm…
Cuộc thi Business Challenges mùa 5 đã xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trở thành cầu nối giữa hoạt động đào tạo của trường Đại học Kinh tế với các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức, chắp cánh cho khát vọng khởi nghiệp trẻ trên toàn quốc, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp tuyển dụng được những sinh viên trẻ, năng động, có năng lực và khát vọng. Các dự án từ cuộc thi đã được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đầu tư với giá trị lớn. Đặc biệt, dự án đạt Giải Nhất của sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Nền tảng quản lý bán hàng sàn thương mại điện tử Salework) đã được mời vào vòng ghi hình trực tiếp của chương trình Shark Tank Việt Nam và tiếp tục giành vị trí quán quân tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo VNU 2021.
17. Tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin để phát triển “Đại học số”
Năm 2021, Trường Đại học Kinh tế hướng tới “cách mạng Đại học số”, phát triển ,ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo lập và phát triển tiềm lực khoa học công nghệ để chuyển giao tri thức. Các sản phẩm nổi bật như các Phần mềm: thu học phí, quản lý khảo sát đánh giá, nhập điểm, thi online, quản lý sinh viên, Phần mềm một cửa, Quản lý nhân sự, E-learning. Đặc biệt, Trường Đại học Kinh tế là đơn vị đầu tiên trong ĐHQGHN triển khai Phần mềm thi online với tính năng nhận diện khuôn mặt, đảm bảo tính công bằng, minh bạch đã nhận được sự ủng hộ của người học.
Ngoài ra, Trường Đại học Kinh tế - ĐQGHN cũng tham gia Dự án Thư viện điện tử dùng chung khối các trường kinh tế - Thư viện Điện tử dùng chung, thuộc Dự án “Xây dựng Thư viện điện tử dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên của các Trường thành viên tham gia Thư viện Điện tử dùng chung sẽ được truy cập các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên sâu, đầy đủ, toàn diện và cập nhật, bao gồm sách và tạp chí điện tử có bản quyền, dễ dàng tìm kiếm phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy học tập.
18. Nâng cấp cơ sở vật chất: Phòng học thông minh, thư viện, ký túc xá…
Cùng các đối tác chiến lược đầu tư sửa chữa, nâng cấp phòng ở cho sinh viên của Trường (tại KTX Đại học Ngoại ngữ) với chất lượng vượt trội, mang đến cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế nhiều tiện ích trong quá trình học tập với tổng giá trị khoảng 1 tỷ đồng cho 6 phòng ở khép kín.
19. Mở rộng diễn đàn giao lưu văn hóa và tri thức quốc tế trong lĩnh vực Kinh tế - Kinh doanh
Trường Đại học Kinh tế thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên quốc tế, ngay cả trong điều kiện tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Trong đó, các chương trình seminar quốc tế, các chương trình giao lưu học giả quốc tế, các khóa học ngắn hạn trên nền tảng trực tuyến đã thu hút hàng trăm sinh viên, giảng viên đến từ Úc, Nhật, Hàn, Đài Loan, Đan Mạch, Pháp,.... tham gia.
20. UEB không ngừng thu hút, hội tụ nhân tài
Công tác thu hút nguồn nhân lực, phát triển đội ngũ đảm bảo chất lượng và quy mô đào tạo trong những năm qua luôn đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của Nhà trường. Năm 2021, Trường Đại học Kinh tế đã tăng quy mô giảng viên 125% so với năm trước; hầu hết các giảng viên của trường đều tốt nghiệp tại các đại học hàng đầu tại các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Pháp, Úc, Nhật Bản…, có năng lực tốt về ngoại ngữ và công bố quốc tế. Nhiều giảng viên trẻ có bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín hàng đầu thế giới.
21. UEB kết nối cộng đồng sinh viên, học viên, cựu sinh viên, cán bộ giảng viên và các đối tác
Trong năm 2021, Nhà trường liên tục tăng cường hoạt động gắn kết cán bộ giảng viên. Lần đầu tiên tổ chức UEB - Marathon, The road to success. Giải chạy kết nối cộng đồng sinh viên, cựu sinh viên, đối tác, cán bộ, giảng viên hướng tới 15 năm thành lập trường thu hút hàng ngàn người tham gia.
Với những thành tựu và sự kiện đạt được trong năm 2021 sẽ là nguồn cảm hứng, tiền đề vững chắc để năm 2022 Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng môi trường giáo dục quốc tế, môi trường làm việc sáng tạo, nuôi dưỡng say mê, mở rộng cánh cửa kết nối toàn cầu của người học trong tương lai.