Muôn vàn câu hỏi bỏ ngỏ mà hầu hết các CITErs đang loay hoay kiếm tìm đáp án. Để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho các sinh viên, nhóm Giảng viên Khoa Tài chính Ngân hàng đã tổ chức chuỗi Seminar vô cùng thú vị để các bạn “học tập qua trải nghiệm” (learning by doing), nâng cánh những ước mơ chinh phục “mảnh đất” học thuật UEB.
Chuỗi seminar xoay quanh các nội dung nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên Liên kết quốc tế (UEB - CITE), nhằm bổ sung thêm các kiến thức, kỹ năng căn bản về các mô hình định lượng thường dùng trong nghiên cứu thực nghiệm, từ đó, sinh viên có thể lựa chọn phương pháp nghiên cứu định lượng và phân tích mô hình nghiên cứu phù hợp, hỗ trợ tốt nhất cho các em trong việc làm báo cáo nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế.
Dần khai phá Nghiên cứu khoa học với nội dung thiết thực, hấp dẫn
Để có một lộ trình giúp đỡ các sinh viên nắm được các kiến thức, kỹ năng, nhóm giảng viên chủ trì khóa học bổ trợ đã xây dựng 10 chủ đề khác nhau, bồi dưỡng thêm kiến thức chuyên môn và các kỹ năng quan trọng trong nghiên cứu khoa học.
Topic 1 giới thiệu chung về các loại dữ liệu thường dùng trong nghiên cứu khoa học và giao diện STATA. Topic 2-3 giới thiệu về mô hình hồi quy OLS và các cách kết hợp sự không tuyến tính (non-linearities) trong mô hình hồi quy. Topic 4 áp dụng mô hình hồi quy cho dữ liệu bảng (panel data) và Topic 5 giới thiệu các mô hình hồi quy với biến phụ thuộc đặc biệt (logit, probit, ordered logit, order probit, multinomial logistic). Topic 6-10 giới thiệu các mô hình với dữ liệu chuỗi thời gian (time series). Với những chủ đề hấp dẫn, thiết thực này, series seminar đã thu hút các sinh viên UEB - CITE và sinh viên của Khoa Tài chính - Ngân hàng tham gia.
Lợi ích sinh viên nhận được sau khi tham gia khóa học bổ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học này, TS. Lưu Ngọc Hiệp - Giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng tham gia giảng dạy cho rằng: “Sinh viên hoàn thành khóa học sẽ có một số kinh nghiệm nhất định trong việc xử lý mô hình định lượng, chúng tôi dự định sẽ trang bị cho các bạn kiến thức về một số mô hình định lượng nâng cao, nhằm mục đích gia tăng chất lượng các bài nghiên cứu khoa học. Thêm vào đó, nhóm giảng viên cũng mong muốn sẽ hỗ trợ các bạn sinh viên liên kết quốc tế nhiều hơn trong cách viết và hiệu chỉnh bài báo Nghiên cứu khoa học phục vụ cho công bố quốc tế ISI/SCOPUS.”
“Learning by doing” – Học tập qua trải nghiệm đã giúp CITErs ra sao trên chặng đường nghiên cứu khoa học?
Làm thế nào để tạo cảm hứng cho sinh viên đối với các phương pháp nghiên cứu định lượng, giúp các em vận dụng tốt nhất cho nghiên cứu của mình? Đây có lẽ là vấn đề mà nhóm giảng viên trăn trở nhất khi thiết kế và triển khai chuỗi bài giảng này. Mục đích chính của khóa học là giúp sinh viên làm quen với các phương pháp định lượng thường gặp trong nghiên cứu thực nghiệm, thông qua đó, truyền tải một thông điệp rằng kinh tế lượng không hề đáng sợ mà đó là công cụ cực kỳ hữu ích giúp ta hiểu rõ các vấn đề kinh tế.
Chính vì thế, lựa chọn phương pháp giảng dạy sáng tạo, mới mẻ: “Learning by doing – Học tập qua trải nghiệm” không chỉ giúp sinh viên tiếp thu nhanh kiến thức, linh hoạt trong vận dụng thực tiễn mà còn góp phần thổi bùng lên ngọn lửa đam mê với nghiên cứu khoa học trong mỗi sinh viên.
“Tôi quyết định không đi theo cách tiếp cận truyền thống trong các giáo trình thống kê/kinh tế lượng, mà đã giảm tải số lượng phương trình toán học nhiều nhất có thể và cố gắng vận dụng các ví dụ kinh tế/tài chính trong thực tiễn. Cụ thể, mỗi phương pháp nghiên cứu được tiếp cận dưới các khía cạnh thiết thực hơn: phương pháp đó là gì, sử dụng khi nào, điều kiện tiên quyết khi sử dụng và ý nghĩa của các kết quả. Bên cạnh đó, tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về các bước thực hiện và những lưu ý khi vận dụng từng phương pháp.” – chia sẻ của TS. Lê Hồng Thái, Giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng tham gia giảng dạy.
Ngoài ra, đây là khóa học mang tính chất thực hành cao, buổi học nào cũng gắn liền với việc giải quyết/xử lý 1 mô hình kinh tế thông qua các bước thực hiện trong phần mềm định lượng STATA, giúp các sinh viên ghi nhớ và có thể vận dụng trực tiếp hiệu quả nhất.
“Tôi quan niệm phương pháp học tốt nhất là ‘learning by doing’, khi các bạn sinh viên thấy được sự hữu ích và ứng dụng của các phương pháp nghiên cứu định lượng này, các bạn sẽ có động lực để tự mày mò, tìm hiểu thêm các phương pháp khác mà mình chưa có điều kiện trao đổi trong chuỗi bài giảng này” - TS. Lê Hồng Thái cho hay.
“Khi tham gia chuỗi seminar này, mục tiêu quan trọng nhất mà mình muốn hướng tới chính là trau dồi thêm về kiến thức của lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Khi tự đọc các tài liệu về NCKH, mình cảm thấy bản thân chưa thể hiểu được về những phương pháp và cách lý giải của tác giả, tại sao tác giả lại làm như vậy? Tại sao họ lại dùng những từ ngữ như thế?... - một loạt các câu hỏi vốn chưa tìm ra đáp án, nhưng sau khi được nghe thầy Thái, thầy Hiệp giảng về các phương pháp kinh tế lượng chính và cốt lõi thì mình đã “vỡ” ra được nhiều ý hơn, từ đó có thể nhận ra rằng tác giả đang dùng phương pháp gì, mô hình gì, lấy dẫn chứng như thế nào và dẫn chứng của tác giả có ý nghĩa ra sao để chứng minh cho Nghiên cứu của họ.” - Nguyễn Ngọc Trâm, Sinh viên K18A UEB - Troy bày tỏ.
Cô bạn cũng cảm thán: “Phương pháp giảng dạy của thầy Thái thật sự rất “xịn sò”, về slide, thầy chia nhỏ thành các ý và kèm theo là nhiều ví dụ rất sinh động, dễ hiểu cho sinh viên. Đặc biệt, mình thích về những ví dụ của thầy, rất dễ hình dung, gần gũi và dễ hiểu, gắn liền với thực tiễn. Qua đó, các sinh viên hiểu bài hơn và ghi nhớ kiến thức được tốt hơn. Bên cạnh đó, hoạt động bàn luận và trả lời câu hỏi khiến lớp học sôi động, có nhiều ý tưởng và câu hỏi hay làm cho không khí thêm phần vui tươi và sôi nổi”.
Không chỉ riêng Ngọc Trâm, Tuấn Dũng - Sinh viên K18B UEB - Troy cũng chia sẻ cảm nhận: “Mới đầu tham gia khoá bổ trợ kiến thức và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên thì mình cũng có hơi lo lắng, vì dù sao các kiến thức đó cũng khá là “khó nhai” đối với sinh viên chúng mình. Nhưng trong quá trình tham gia, các thầy cô vô cùng nhiệt tình, luôn quan tâm và giảng dạy từ những kiến thức nhỏ, không ngừng tạo ra không khí sôi nổi, vui vẻ khiến mỗi sinh viên không còn cảm thấy áp lực nặng nề từ kiến thức, mà có thể “tiêu hoá” chúng một cách dễ dàng hơn.”
Có thể thấy, thái độ nghiêm túc, tinh thần ham học hỏi của các sinh viên tham gia khóa học rất cao, có những hôm thầy trò quên thời gian tan lớp để cùng nhau chia sẻ và bàn luận sâu hơn về những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Bật mí nho nhỏ là sau Tết có bạn chia sẻ với nhóm giảng viên rằng: “Em đã tranh thủ thời gian nghỉ Tết để “cày” lại recording một số buổi học.” Chứng kiến sinh viên của mình hứng thú tự học như vậy, nhóm giảng viên cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Nâng những “đôi cánh” CITErs bay cao, bay xa trên bầu trời khoa học
Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN – nơi đã nuôi dưỡng và thắp lên tình yêu nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tiễn, công việc cho nhiều thế hệ, giờ đây vẫn đang được tiếp nối và phát huy để nâng những sinh viên tự tin vươn cao, chinh phục tri thức khoa học.
“Mình muốn trau dồi, học tập thêm nhiều kiến thức về nghiên cứu khoa học và biến những kiến thức ấy thành bài nghiên cứu hoàn chỉnh mà nhóm nghiên cứu của mình đang miệt mài lao động. Sau đó, mục tiêu cao hơn của mình chính là mong muốn được tham gia trình bày về kết quả nghiên cứu trên các diễn đàn như Hội nghị Nghiên cứu Khoa học Sinh viên của Trường, các diễn đàn khoa học dành cho sinh viên trong nước và cả quốc tế” - Ngọc Trâm - cô sinh viên đam mê Nghiên cứu khoa học khát khao bày tỏ.
Mang theo tâm huyết, đam mê và trách nhiệm, các giảng viên của UEB không ngừng nỗ lực, cố gắng để đem đến ngày một nhiều hơn các chương trình seminar, workshop, các khóa học bổ trợ và bồi dưỡng thêm cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng trên chặng hành trình đầy khó khăn, thử thách của việc học đi đôi với hành, của việc đưa kiến thức vào thực tiễn. Chuỗi seminar mới đi được non nửa chặng đường nhưng với sự đồng hành, hỗ trợ của các thầy cô cùng với tinh thần cầu thị, ham học và quyết tâm cao độ của các sinh viên, hứa hẹn sẽ đem lại những thành quả ngọt ngào, xứng đáng trong tương lai.