Những “người lái đò” đầu tiên…
Gặp gỡ TS. Vũ Thị Thu - Nguyên Phó trưởng khoa Kinh tế - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (từ 9/1995 đến 6/1999, UEB là đơn vị cấp Khoa trực thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN), một trong những người đặt nền móng của Khoa Kinh tế Chính trị, câu chuyện chứa chan biết bao xúc cảm về những năm tháng gian khó mà hào hùng, vất vả mà đoàn kết, đầm ấm.
Về công tác tại Khoa Kinh tế Chính trị - Trường Đại học Tổng hợp từ năm 1976, cô Vũ Thị Thu là giảng viên hướng dẫn thực tập và giảng dạy từ sinh viên khóa 2 của nhà trường. Khi đó, số lượng giảng viên và sinh viên của nhà trường còn ít, học tập trong những điều kiện khó khăn chung của đất nước, nhưng cả thầy và trò đều mang trong mình quyết tâm và ý chí phấn đấu làm việc và học tập hết mình.
Những ngày đầu gian khó mà đầy ắp sự đùm bọc, thương yêu giữa các thế hệ thầy - trò đã trở thành sợi chỉ hồng về tình đoàn kết, ý chí vươn lên trong học tập và lao động của nhà trường. Sợi chỉ đỏ ấy còn xuyên suốt về những năm sau này, để tới nay khi cô Thu đã nghỉ hưu hơn 20 năm, các thầy cô cựu giáo chức đã “gác ngọn bút” nhưng vẫn nhận được rất nhiều tình cảm trân quý của các thế hệ cựu sinh viên, các cán bộ và giảng viên của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
Chan chứa xúc động, TS. Vũ Thị Thu bày tỏ: “Tôi tin rằng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với đội ngũ giảng viên chất lượng quốc tế, được đào tạo từ các nước tiên tiến trên thế giới, sẽ tiếp thu và truyền dạy những tri thức hiện đại tới các em sinh viên. Cùng với sự lãnh đại tài tình và quyết tâm đưa UEB vươn xa hơn nữa, tôi tin tưởng rằng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sẽ ngày càng phát triển đột phá và bền vững”.
Vừa là một cựu sinh viên, vừa là cựu giáo chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, TS.Vũ Thị Dậu - người giáo viên yêu quý của rất nhiều thế hệ sinh viên UEB xúc động khi nhắc nhớ lại những năm tháng xưa.
“5 năm là sinh viên ngành Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là 5 năm chúng tôi được sống và sinh hoạt trong môi trường ký túc xá sinh viên với thật nhiều kỷ niệm! Những buổi tối bạn bè bên nhau đèn sách trên giảng đường, những chuyến đi thực tập nghiên cứu hoạt động kinh tế tại nhiều địa phương, những bữa ăn sinh viên thời gian khó của đất nước… đều là những kỷ niệm đẹp trong đời sinh viên chúng tôi thời đó. Sinh viên khóa 2 chúng tôi may mắn không chỉ là khóa học được tới nhiều địa phương thực tập thực tế, mà trong những chuyến đi ấy chúng tôi còn được tham gia nghiên cứu những chương trình kinh tế lớn của nhà nước như: nghiên cứu xây dựng kinh tế cấp huyện tại một số địa phương; nghiên cứu công cuộc cải tạo nông nghiệp, xây dựng tập đoàn sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên; nghiên cứu công cuộc cải tại công - thương nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Những chuyến đi đó không chỉ là việc học tập, nghiên cứu thực tế, mà còn là những chuyến đi cho sinh viên chúng tôi thật nhiều vốn sống, biết đoàn kết, yêu thương và có thêm động lực sống và học tập.
Đặc biệt, sinh viên Kinh tế Chính trị còn hăng hái tham gia các phong trào thanh niên sinh viên xây dựng Thủ đô và bảo vệ miền biên giới, tham gia trận tuyến biên giới Trùng Khánh, Cao Bằng. Những kỷ niệm sinh hoạt, công tác với nhân dân 7 xã của huyện Trùng Khánh và các đồn biên phòng vẫn còn mãi trong chúng tôi.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi là một trong những sinh viên khóa 2 được nhà trường tuyển chọn làm giảng viên Khoa Kinh tế chính trị, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội”.
Nghẹn ngào xúc động, cô Vũ Thị Dậu chia sẻ: “Tôi đã thực sự hạnh phúc với nghề dạy học, nhất là được giảng dạy trong môi trường UEB! Khi đã nghỉ hưu, tôi vẫn nhận được tình cảm quý trọng của lãnh đạo và cán bộ nhà trường, của các thế hệ sinh viên. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến của chúng tôi – những người may mắn được đứng trên bục giảng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.”
Là người chứng kiến những đổi thay của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN trong suốt chiều dài lịch sử, cô Vũ Thị Dậu xúc động chia sẻ: “Tôi vẫn luôn dõi theo sự phát triển của UEB và rất vui mừng với những thay đổi và lớn mạnh của nhà trường. Mỗi năm, cơ sở vật chất của nhà trường trở nên khang trang, hiện đại và đẹp hơn, không gian trường học trở nên xanh hơn; Đội ngũ cán bộ, giảng viên đông hơn, được đào tạo bài bản, hiện đại, làm việc ngày càng chuyên nghiệp; Hoạt động của nhà trường trong nước và quốc tế không ngừng được mở rộng.
Tôi rất tự hào về các thế hệ sinh viên của UEB, các bạn đã thực sự vững vàng khi bước vào cuộc sống và công việc từ mái trường này. Có những người đã trở thành những nhà lãnh đạo uy tín, có những người đã trở thành doanh nhân thành đạt, nhiều người đã trở thành những nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý, giỏi … trên mọi miền đất nước, trong nhiều lĩnh vực khác nhau.”
Đến thế hệ những “Người tiếp lửa”…
Với Triết lý giáo dục: “Giáo dục chuẩn quốc tế, kiến tạo, tư duy tự lập, hài hòa, giữ vững bản sắc, trở thành chuyên gia, lãnh đạo”, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đang vững bước trên hành trình thực hiện quốc tế hóa giáo dục, nghiên cứu ứng dụng thực tiễn, tư vấn và cung cấp dịch vụ đào tạo hoàn hảo, tận dụng tối đa hiệu quả kết nối tổng lực để hội nhập, đạt chất lượng quốc tế; đào tạo các thế hệ người học trở thành công dân toàn cầu, giữ vững bản sắc dân tộc, có Tâm - Đức - Trí - Tài để phụng sự Tổ quốc.
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường, nguyên Hiệu trưởng Nhà trường nhiệm kỳ 2017 -2022 khẳng định: “Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là một trường đại học năng động, sáng tạo, hướng đến chuẩn quốc tế trong chất lượng đào tạo, nghiên cứu ứng dụng và tư vấn chính sách, đang phấn đấu để khẳng định thương hiệu, uy tín, vị thế của mình trong hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam và trên trường quốc tế. Để thực hiện những mong ước, khát vọng ấy, chắc chắn phải nhắc đến sự tâm huyết và công sức gây dựng của những thế hệ đầu tiên - Những người đã đặt những “viên gạch nền móng” vững chãi, với tất cả niềm tin và hy vọng, tạo dựng nên một “lũy thành” tri thức hiên ngang, bất biến, song hành cùng sự phát triển của đất nước, xã hội.”
Và chính tâm huyết, khát vọng và sự đồng tâm góp sức của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên và cựu sinh viên qua các thời kỳ đã làm nên một cơ ngơi rạng rỡ, vững bền của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN như ngày hôm nay. UEB đang ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ các trường đại học danh tiếng trong nước và quốc tế. Chia sẻ niềm tự hào ấy, PGS.TS Lê Trung Thành - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong thời gian vừa qua, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã có bước phát triển đột phá về cơ sở vật chất theo mô hình đại học xanh. Các hoạt động đầu tư của Nhà trường đều hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển nhiều không gian học tập, thư giãn cho sinh viên, cán bộ giảng viên, tiêu biểu là Không gian sáng tạo và nghệ thuật được khánh thành vào năm 2021 vừa qua. Bên cạnh Đại học xanh, UEB còn là đơn vị đang triển khai mạnh mẽ mô hình quản trị Đại học số để nâng cao năng suất và chất lượng công việc”.
Là người có mặt từ ngày đầu thành lập Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, TS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà - Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế học, Khoa Kinh tế Phát triển chia sẻ, cô thực sự cảm thấy thật vinh dự khi được chứng kiến nhà trường phát triển từng ngày. Từ một Khoa Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN với quy mô cán bộ, sinh viên tương đối nhỏ, nay Trường Đại học Kinh tế đã là một trong những trường thành viên có quy mô cán bộ, sinh viên hàng đầu của ĐHQGHN. Từ một cơ sở giáo dục đại học “dễ bị nhầm lẫn” với trường đại học khác, nay Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã “có tên tuổi” trên bản đồ giáo dục thế giới. Đóng góp vào thành tích đó của ĐHQGHN có vai trò quan trọng, chủ lực, tiên phong của Trường Đại học Kinh tế, trong đó có công sức và tâm huyết của nhiều thế hệ giảng viên của nhà trường.
TS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà nhắn nhủ tới các thế hệ giảng viên trẻ hơn và các em sinh viên của nhà trường: “Tôi mong muốn các thế hệ giảng viên trẻ bằng năng lực, kiến thức của mình sẽ tiếp tục xây dựng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN ngày càng phát triển cả về quy mô và chất lượng nghiên cứu, giảng dạy. Với các sinh viên, các em có quyền tự hào về UEB - ngôi trường mà mình được học tập và vinh dự sở hữu tấm bằng đại học. Các em hãy cố gắng học tập và rèn luyện để sau này ra đời thành công, để sau này gia đình, nhà trường tự hào vì các em”.
Với PGS.TS. Nguyễn Việt Khôi - Viện trưởng Viện Giáo dục Kỹ năng và Trí tuệ sáng tạo, 26 năm gắn bó với Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN là chiều dài thời gian lưu giữ nhiều kỷ niệm không thể nào quên, cũng là những năm tháng tự hào của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên như thầy. Là sinh viên của UEB từ năm 1996 và chính thức trở thành giảng viên của nhà trường từ năm 2000, thầy Nguyễn Việt Khôi đã chứng kiến nhiều bước thăng trầm của chặng đường phát triển của UEB. Trong câu chuyện nhớ về những năm tháng còn là người giảng viên trẻ, thầy không quên nhắc nhớ về những thế hệ lãnh đạo tâm huyết và dành nhiều công sức, trí tuệ cho sự phát triển của nhà trường, về những người thầy người cô đã tận tình chỉ dạy cho mình trong những ngày đầu đứng lớp, về người thầy đã chu đáo thu âm bài giảng trong một cuốn băng cát-set với lời dặn dò ân tình khi anh bước lên bục giảng… Những kỷ niệm đó, những ân tình đó đã theo thầy Khôi trong suốt chặng đường từ khi còn là một sinh viên đến khi trở thành giảng viên, đảm nhiệm một số vị trí quản lý đơn vị của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Thầy chia sẻ: “Tôi rất vui mừng khi sinh viên UEB hội nhập và thích ứng nhanh chóng, chủ động tìm kiếm các cơ hội việc làm tại các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Singapore, Nhật Bản… với vốn ngoại ngữ thành thạo và kỹ năng phong phú.
Ngày nay, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã có vị trí trang trọng trên bản đồ các trường đại học trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp trong nước và các tổ chức quốc tế ưu tiên tuyển dụng sinh viên UEB. Đó là thước đo giá trị quý giá thể hiện uy tín, chất lượng đào tạo của Trường Đại học Kinh tế - ngôi trường thuộc top đầu của Việt Nam về đào tạo trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh”.
Với PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, niềm vui, niềm tự hào của người giảng viên chính là việc luôn được các thế hệ sinh viên yêu thương, trân quý. Các em luôn chia sẻ, luôn tìm đến thầy khi vui cũng như khi buồn, khi “xuôi chèo mát mái” cũng như khi khó khăn, đó là một niềm hạnh phúc của người làm nghề giáo, đặc biệt là những người thầy của UEB.
Là một trong những người có thời gian gắn bó lâu dài tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, ThS.Ngô Thị Thu Hà - Phó Trưởng phòng, Phòng Đào tạo chia sẻ: “Với hơn 20 năm công tác tại Trường ĐHKT chứng kiến chặng đường phát triển từ Khoa trực thuộc ĐHQGHN phát triển thành Trường ĐHKT tôi cảm thấy xúc động và tự hào. Cả thanh xuân gắn bó với UEB nên với tôi Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN thực sự là ngôi nhà thứ 2 của mình. Với sự đóng góp của toàn bộ cán bộ giảng viên UEB trong đó có một phần đóng góp nhỏ bé của tôi, ngôi nhà ấy ngày càng to đẹp, sung túc, đủ đầy hơn, là địa chỉ tin cậy của các thế hệ sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh trong gần 50 năm năm qua.”
Cùng nỗi niềm đó, ThS.Vũ Minh Đức - Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp cho biết, 15 năm công tác tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là chặng đường vô cùng đáng tự hào. Với người cán bộ chu đáo, tận tình đến từng chi tiết nhỏ của các giảng đường, phòng làm việc, việc đóng góp được công sức nhỏ bé để mang lại sự tiện nghi, thuận lợi nhất cho người học và cán bộ, giảng viên, góp phần vào sự phát triển chung của nhà trường, là một sự vinh hạnh của cá nhân anh. “Tôi luôn thầm biết ơn bao thế hệ các thầy, các cô là lãnh đạo, cán bộ, giảng viên đã dày công vun đắp cho sự phát triển của nhà Trường, để Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có được cơ ngơi khang trang như ngày hôm nay. Mỗi chúng tôi, những cán bộ làm công tác hành chính tổng hợp, luôn tự nhắn nhủ mình thêm hăng say hơn nữa, nhiệt huyết hơn nữa và luôn yêu, luôn trân trọng các giá trị có được từ truyền thống gần 50 năm qua, góp phần đưa con thuyền UEB xuôi chèo tiến ra biển lớn vào một ngày không xa” - Anh Vũ Minh Đức xúc động chia sẻ.
Trở thành một thành viên của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN từ năm 2010, ThS. Nguyễn Thị Thục An- Phó phòng Tạp chí và Xuất bản cho biết, vào thời điểm năm 2010, tại thời điểm đó UEB được biết đến là một trường đại học trẻ và năng động. Đến nay, sau chặng đường 15 năm thành lập và với truyền thống lịch sử gần 50 năm, Trường Đại học Kinh tế đã đạt được những có nhiều thay đổi vượt bậc về diện mạo, quy mô đào tạo, nội dung và chương trình, công bố và xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu khoa học cũng như hợp tác quốc tế. “Đặc biệt, điều khiến tôi vô cùng tự hào là những giá trị cốt lõi như khuyến khích sáng tạo, nuôi dưỡng đam mê, tôn trọng khác biệt… luôn được gìn giữ và phát huy giữa các thế hệ cán bộ của Nhà trường. Tôi cảm thấy may mắn vì đóng góp trí tuệ, sức lực của mình với một tập thể luôn năng động, sáng tạo và khát khao chinh phục đỉnh cao” – chị Thục An chia vui.
Cũng theo chị Thục An, một trong những nhân tố quyết định thành công trong chặng đường phát triển của Trường Đại học Kinh tế chính là tinh thần quyết tâm đổi mới, tích cực, chủ động sáng tạo và lòng nhiệt thành của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Khi đã trở thành thành viên của gia đình UEB, đó vừa là niềm tự hào, đồng thời là sức ép, động lực để thôi thúc các bạn trẻ nỗ lực hơn nữa trong hành trình theo đuổi đam mê nghề nghiệp cũng như cống hiến đóng góp cho tổ chức. “Tôi tin tưởng rằng một khi đã hòa nhập và gắn kết với ĐHKT, các bạn sẽ tìm được hướng đi của riêng mình trong dòng chảy chung của Nhà trường” – chị An gửi lời nhắn tới các bạn giảng viên, cán bộ trẻ của nhà trường.
ThS. Trần Thị Thu Hưởng hiện công tác tại Phòng Chính trị và Công tác sinh viên, người đã có 14 năm làm việc tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, trong đó có 11 năm gắn bó với hoạt động của Đoàn Thanh niên, với vai trò là Phó Bí thư Đoàn trường giai đoạn 2010 - 2019, chia sẻ nhiều kỷ niệm sâu sắc cùng sự lớn mạnh mỗi ngày của Đoàn trường.
Chị Hưởng chia sẻ, từ lúc nhà trường còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn với những phòng học nhỏ tại khu vực Mỹ Đình, số lượng sinh viên ít với khoảng 300 sinh viên/khóa, Nhà trường đã tạo nhiều chương trình giao lưu, kết nối để phát triển phong trào sinh viên. Đặc biệt, dù gian khó nhưng sinh viên UEB đã luôn tham gia tích cực và sôi nổi vào các hoạt động của Đoàn. Chị Thu Hưởng xúc động nhớ lại, thầy và trò Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã có rất nhiều chuyến đi giúp gắn kết tình cảm thầy trò, các chương trình thiện nguyện ở vùng sâu vùng xa, những chuyến giao lưu tại giải bóng đá ở Côn Minh - Trung Quốc, giải bóng đá tại TP. Hồ Chí Minh… Bước chân thầy và trò UEB đã trải khắp ba miền Bắc - Trung - Nam với tình nghĩ gắn bó keo sơn, ấm áp, bởi thế mà dù vui dù buồn, các em sinh viên vẫn tìm về các thầy cô như tìm về cội nguồn. Các thế hệ sinh viên UEB từ xưa tới nay đều mang trong mình truyền thống gắn bó với nhà trường, đóng góp vào sự phát triển, lớn mạnh của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. Điều đó góp phần giúp các cán bộ Đoàn thêm yêu công việc, yêu mái trường UEB và gắn bó với nhà trường mà chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi. “Đến giờ, tuy không còn tham gia công tác Đoàn và chuyển sang nhiệm vụ mới, tôi vẫn luôn được lãnh đạo Nhà trường tạo điều kiện để phát huy năng lực, không ngừng được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Hoàn thiện bản thân chính là góp phần xây dựng Nhà trường phát triển, đúng với khẩu hiệu lấy con người là trung tâm của mọi hoạt động” - chị Hưởng cho biết.
Với lịch sử gần 50 năm hình thành và phát triển, 15 năm vươn mình ra biển lớn, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu của Đại học Quốc gia Hà Nội, niềm tự hào của biết bao thế hệ giảng viên, cán bộ, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh UEB.
Những thành quả từ những ngày đầu gây dựng đến vị thế ngày nay là sự đóng góp công sức, tâm huyết và trí tuệ của rất nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên.
Chúng ta có quyền tự hào về những năm tháng cống hiến và dựng xây, bồi đắp ngày càng dày thêm giá trị của truyền thống và nỗ lực “cất cánh” của hiện tại để Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN ngày càng Hội nhập quốc tế - Phát triển - Khẳng định vị thế!