Chương trình trao đổi, học tập (study tour) này của các sinh viên UEB nằm trong khuôn khổ Hội thảo Môi trường do Đại học Chiang Mai (CMU), Thái Lan phối hợp với Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB - FDE) tổ chức, nhằm tạo “cầu nối” để sinh viên, giảng viên hai trường có cơ hội gặp gỡ, trình bày các nghiên cứu giá trị, đồng thời, hướng tới sự kết nối lâu dài, thúc đẩy sự phát triển giữa hai đơn vị trên nhiều lĩnh vực như đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên, sinh viên…
Chuyến study tour có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn An Thịnh – Trưởng Khoa Kinh tế Phát triển – Trưởng đoàn, Giảng viên Phạm Cảnh Toàn, cùng các sinh viên Nguyễn Thị Hà My (QH-2019-E KTPT 2); Nguyễn Tường Anh (QH-2020-E KTPT CLC 4); Nguyễn Hương Ly (QH-2021-E KTPT CLC 1); Trần Phương Anh (QH-2021-E KTPT CLC 1). Những sinh viên được lựa chọn tham gia chương trình đều là những gương mặt tiêu biểu của FDE-UEB với nhiều thành tích trong các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động Đoàn – Hội, ngoại khóa…
Ngay khi đặt chân tới Chiang Mai, đoàn UEB được tiếp đón nồng nhiệt từ phía CMU. Ngay sau đó, sinh viên hai trường được tham gia buổi Workshop “Climate Action” với sự giảng dạy của giảng viên 2 trường.
Trước khi bắt đầu bài giảng, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh đã dành thời gian chia sẻ về những vấn đề ô nhiễm môi trường tại Việt Nam, để từ đó dẫn vào bài giảng “Nguy cơ biến đổi khí hậu và du lịch tại Việt Nam” một cách sinh động, dễ hiểu nhất. Thông qua bài giảng, sinh viên của hai trường đã có thêm những kiến thức về vấn đề biến đổi khí hậu, những “project”, chiến dịch đã và đang thực hiện nhằm giảm thiểu những tác nhân ảnh hưởng xấu đến biến đổi khí hậu tại Việt Nam và Thái Lan.
Buổi workshop cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ lần đầu tiên giữa sinh viên UEB và sinh viên CMU. Trong không khí gần gũi, thân thiện, các sinh viên đã tự tin chia sẻ, thảo luận, trao đổi các vấn đề xung quanh nội dung chính được học, đồng thời, lắng nghe những phân tích, đánh giá, góp ý hữu ích từ các thầy cô.
Không chỉ lắng nghe những bài giảng hấp dẫn từ thầy cô, các sinh viên tham dự workshop cũng trình bày những nghiên cứu của mình xoay quanh chủ đề này.
Cuối buổi workshop, sinh viên đã được các giảng viên nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thực hành nhằm vận dụng linh hoạt những kiến thức đã học vào thực tiễn, biến những con chữ thành hành động, kết hợp với những ý tưởng sáng tạo mới mẻ để đưa ra những giải pháp, hoạt động thiết thực, hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường.
Sau buổi workshop, sinh viên 2 trường đã thân thiết, gần gũi và gắn kết hơn trong các hoạt động của chuyến study tour.
Một điểm thú vị và hấp dẫn đó là những tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa, đời sống sinh hoạt, các hoạt động kinh doanh của người bản địa ở Làng văn hóa Karen. Tại đây, các sinh viên, giảng viên UEB được nghe giới thiệu về những hoạt động kinh tế chính của Làng, đó là tập trung vào sản xuất lương thực, nhưng kể từ sau đại dịch Covid 19, Làng Karen đã có chiến lược mới là phát triển thêm về du lịch.
UEBers cũng hiểu hơn về cách mà người dân nơi đây giữ gìn vẹn nguyên vẻ đẹp hoang sơ của rừng núi, cách khai thác gỗ để phục vụ sản xuất, sinh hoạt mà không cần phải đào cát, tác động xấu tới môi trường.
Ngoài thăm quan Làng văn hóa Karen, sinh viên hai trường cũng có chuyến đi thực tế Dự án “nông nghiệp hữu cơ”. Ở đây, sinh viên được quan sát chu trình chăm sóc những thực phẩm hữu cơ của người dân, theo đó, phương thức thực hiện sáng tạo được các sinh viên, giảng viên vô cùng hứng thú là: Từ những thức ăn thừa kết hợp với những nguyên liệu đơn giản như đất, đường, người dân bản địa đã tạo nên phân hữu cơ để phân bón cho cây trồng, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và không gây hại đến môi trường.
“Chuyến đi là một trải nghiệm tuyệt vời và đáng nhớ đối với em, không chỉ vì những kiến thức hữu ích về biến đổi khí hậu mà còn là những điều mới mẻ về văn hóa Thái Lan, những nét đẹp hoang sơ, mộc mạc cũng như được tiếp cận với vùng đất hiền hòa, bình dị mà con người Chiang Mai mang lại cho nhóm. Và quan trọng hơn hết, chuyến đi còn là cơ hội để chúng em tạo ra được mối quan hệ bạn bè thân thiết với những sinh viên đến từ Đại học Chiang Mai đi cùng với mối quan hệ hợp tác bền vững giữa 2 trường.” – Sinh viên Trần Phương Anh (lớp QH-2021-E KTPT CLC 1) chia sẻ.
Sau hai buổi thực tế, sinh viên UEB và sinh viên CMU được chia thành các nhóm để cùng nhau trình bày báo cáo thu hoạch sau các chuyến đi học tập, trải nghiệm thực tiễn. Mỗi nhóm đã cho thấy được những bài học của mình sau chuyến đi, kết hợp giữa kiến thức đã được học để nêu lên những ý tưởng đề xuất, giúp duy trì và phát triển những hoạt động cải thiện môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Kết thúc khóa học, sinh viên Trường Đại học Kinh tế đã được nhận chứng chỉ và những món quà từ phía Trường Đại học Chiang Mai, cùng trò chuyện và thưởng thức những món ăn được giới trẻ Việt Nam và Thái Lan yêu thích.
“Chúng em sẽ không bao giờ quên được chuyến đi này, không chỉ bổ ích bởi những bài giảng, mà còn mang lại rất nhiều kỉ niệm khó quên với từng sinh viên tham gia. Với tất cả sự chân thành, chúng em xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn An Thịnh, cùng các thầy cô của Khoa Kinh tế Phát triển đã tạo điều kiện để nhóm chúng em được tham gia vào chuyến học tập, trải nghiệm mới mẻ, đầy ý nghĩa, tạo nên những hành trang tiếp theo cho chúng em tự tin trên con đường phát triển sau này.” – Sinh viên Nguyễn Thị Hà My (QH-2019-E KTPT 2) bày tỏ về chuyến study tour bổ ích, thú vị tại Thái Lan.
Trong thời gian tới, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển các mối quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học lớn trên thế giới, đem đến cho sinh viên cơ hội tham gia các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế ngắn hạn/dài hạn, từ đó tiếp cận những kiến thức, tư duy hiện đại, phát triển toàn diện kỹ năng, phẩm chất, sẵn sàng trở thành những doanh nhân giỏi, những nhà quản lý thành đạt trong tương lai.