Đón tiếp Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và đoàn 18 sinh viên, giảng viên Trường ĐH Sydney (USYD) đến học tập, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN gửi lời chúc mừng năm mới, chia sẻ sự vui mừng, nồng hậu chào đón đoàn đến UEB với những trải nghiệm thật thú vị tại Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN cũng nhấn mạnh sự hợp tác giữa hai trường USYD và UEB trong 8 năm qua không chỉ mang tới các chương trình học tập bổ ích cho sinh viên 2 trường mà còn là cơ hội để sinh viên được trải nghiệm thực tế, kết nối và giao lưu văn hóa.
Chuyến study tour lần này kéo dài trong 12 ngày (từ 30/1 - 10/2/2023) với nhiều hoạt động kết nối. Đây là sự kiện nằm trong chương trình RARE được khởi xướng ở Úc năm 2011 và bắt đầu mở rộng quy mô tại Việt Nam từ năm 2015 do ĐH Sydney phối hợp cùng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN tổ chức.
Chia sẻ về chuyến giao lưu học tập, ông Jared Harrison, Giám đốc Chương trình RARE, ĐH Sydney cho biết: “Chúng tôi đã có 8 năm làm việc với UEB. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã gửi hơn 57 sinh viên đến để cùng sinh viên UEB làm việc trong 25 dự án khác nhau với các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi có mối quan hệ lâu dài về học thuật với UEB và tôi tin rằng mối quan hệ này sẽ càng thắt chặt hơn trong tương lai.”
Ghé thăm Việt Nam trong những ngày đầu năm Quý Mão, sinh viên ĐH Sydney, Úc tỏ ra hào hứng khi được hòa mình vào không khí của ngày lễ lớn nhất năm tại Việt Nam - Tết Nguyên Đán. Sự đón tiếp nồng hậu, nhiệt tình của thầy cô và giảng viên UEB cũng khiến nhiều sinh viên USYD cảm nhận “như đang được ở nhà”.
Lớp học quốc tế với nhiều kiến thức không có trong sách vở - khai mở tư duy sinh viên
Ở hoạt động đầu tiên, sinh viên UEB và USYD được tham gia Workshop "Scaling social enterprise in Vietnam" (Nhân rộng các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam) với bài giảng của các diễn giả là đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, ĐH Sydney và các doanh nghiệp xã hội.
Bà Majdie Hordern, Bí thư thứ nhất ĐSQ Australia tại Việt Nam mở đầu với bài chia sẻ về mối quan hệ song phương khăng khít giữa Việt Nam và Australia nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Đồng thời, bà Majdie cũng mang tới những thông tin thú vị về kế hoạch New Colombo của Chính phủ Australia, hỗ trợ sinh viên đến tìm hiểu kinh tế, văn hóa tại các quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam và chia sẻ về cách mà các doanh nghiệp xã hội đã làm để trở thành “đối tác chất lượng” của chính phủ.
Những thông tin bổ ích này đã để lại ấn tượng rất lớn với sinh viên 2 trường. Em Darcie O’Leary (USYD) cho rằng: “Tham gia chương trình, em được hiểu thêm về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Australia và cách thức đã đầu tư vào Việt Nam như thế nào. Những thông tin này đều vô cùng giá trị và thú vị. Em đang suy nghĩ xem làm thế nào để có thể đầu tư vào Việt Nam trong tương lai!”
Tiếp nối bài chia sẻ của bà Majdie Hordern, bà Phạm Kiều Oanh - Người sáng lập kiêm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) đã mang tới thông tin về hoạt động “Trao quyền cho các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam” và PGS.TS Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ về nội dung “Thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam”. Các thông tin được hai diễn giả đem tới đều mang nguồn cảm hứng rất lớn, truyền động lực cho các bạn sinh viên UEB và USYD phát triển dự án xã hội của mình.
Chăm chú lắng nghe từng bài giảng, Jocelyn Li (USYD) bày tỏ niềm vui khi được tham gia chương trình study tour tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN: “Em học được thêm rất nhiều điều bổ ích. Em cũng rất thích các đề tài mà diễn giả đã chia sẻ. Chính những đề tài này là tư liệu quý giá để triển khai dự án mà chúng em đang ấp ủ.”
Những câu chuyện truyền cảm hứng - case study tính ứng dụng cao…
Bên cạnh những thông tin giá trị của các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, sinh viên còn được lắng nghe rất nhiều câu chuyện khởi nghiệp trong bài chia sẻ về “Gây dựng sự thịnh vượng cho những cộng đồng khó khăn” của diễn giả Nguyễn Thị Kiều Việt và TS. Phạm Vũ Thắng, Phó Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh (UEB-SBA), kiêm Giám đốc Quỹ Thriive - Quỹ học bổng Interhands.
Nối tiếp những câu chuyện thật, người thật với tinh thần và ý chí vươn lên, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chuyên gia tư vấn, Quỹ Rabo (Rabo Foundation) giúp sinh viên có thêm góc nhìn mới về chuyện khởi nghiệp trong chủ đề “Doanh nghiệp tạo tác động xã hội - Bắt đầu từ đâu?”
Xuất phát từ ý tưởng và mục đích vì cộng đồng, đã có rất nhiều doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam đi lên từ “bàn tay trắng” và gặt hái thành công. Kyah Humphries, sinh viên USYD bày tỏ sự ngưỡng mộ ý chí của con người Việt Nam: “Em rất vui vì được tham gia chương trình trao đổi giữa UEB và USYD. Em đã học thêm được nhiều kiến thức mới, được giao lưu văn hóa, trao đổi học thuật giữa các nước với nhau. Điều em cảm thấy ấn tượng nhất chính là những câu chuyện của các doanh nghiệp xã hội Việt Nam, họ thực sự nghị lực và giàu tình thương. Đây sẽ là nguồn cảm hứng rất lớn để chúng em có thể hoàn thành tốt bài tập (dự án) của mình.”
Học từ trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp xã hội Việt Nam - khởi nguồn của những dự án tiềm năng…
Sau những nội dung bài học chuyên sâu về doanh nghiệp xã hội, đoàn chia thành 4 nhóm sinh viên đi tìm hiểu thực tế tại 4 doanh nghiệp: Tò he, Ngỗng, Mimi Fashion và Pamzon. Trong 10 ngày kế tiếp, các doanh nghiệp xã hội này đã đồng hành cùng sinh viên UEB và USYD để hỗ trợ sinh viên trong quá trình hình thành và phát triển bài tập lớn - dự án của mình.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, anh Bùi Ngọc Cường - CEO & Founder Ngỗng - An Biên ủng hộ và bày tỏ niềm vui khi được đồng hành cùng dự án của các bạn sinh viên USYD và UEB. Anh cho rằng: “Doanh nghiệp xã hội không chỉ tạo ra lợi nhuận mà còn tạo tác động tích cực đến môi trường và con người, mang lại những giá trị phát triển bền vững. Sinh viên của 2 trường có được cơ hội thực tế tại doanh nghiệp sẽ có thêm trải nghiệm và kiến thức mới, đồng thời có thể học hỏi lẫn nhau. Qua làm việc với sinh viên, mình thấy được sự chủ động của sinh viên Úc, đây sẽ là một điểm mà các bạn sinh viên Việt Nam có thể học hỏi.”
Sau khi được tìm hiểu và trò chuyện cùng nhà sáng lập thương hiệu Pamzon, sinh viên James Blissett (USYD) như hiểu hơn về các giá trị mà doanh nghiệp xã hội thực sự theo đuổi. Với các doanh nghiệp xã hội, lợi nhuận tạo ra không chỉ dành riêng cho bản thân, cho công ty mà còn để giúp đỡ nhiều người khác, tạo nên một cộng đồng nhân văn.
“Chiến lược quốc tế hóa của UEB mang lại cho chúng em rất nhiều cơ hội giao lưu quốc tế để phát triển bản thân. Ngay khi biết thông tin về chương trình study tour của ĐH Sydney tại UEB, em đã không ngần ngại và đăng ký tham gia bởi đây là dịp tốt để sinh viên chúng em được học hỏi, biết thêm nhiều kiến thức mới và làm quen với các bạn sinh viên quốc tế.” - Sinh viên Đinh Long Nhật, lớp QH2020E QTKD chia sẻ cảm xúc sau khi học tập, trải nghiệm cùng các bạn sinh viên quốc tế.
Trong ngày làm việc cuối cùng, 4 nhóm sinh viên đưa ra dự án phát triển thương hiệu mà nhóm đã nghiên cứu. Với phần trình bày tự tin và nhiệt huyết, các nhóm đã thuyết phục được khán giả là chủ doanh nghiệp xã hội và giảng viên, sinh viên của UEB, USYD cũng như các bạn học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đến tham dự.
Sinh viên của UEB, USYD và các bạn học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đến tham dự chương trình đều bị thu hút bởi những bài thuyết trình đầy năng lượng, giàu cảm hứng
Sau 12 ngày đồng hành cùng nhau, sinh viên UEB và USYD không chỉ có cơ hội học hỏi mà còn được giao lưu và gắn kết, những tình bạn đẹp “xuyên biên giới” bắt đầu “nảy mầm”...
“Những chương trình giao lưu kết nối với các trường đại học quốc tế mang đến cho sinh viên chúng em rất nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Bên cạnh nhiều kiến thức mới mẻ, thú vị cùng những trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, chúng em được làm quen với các bạn ở Đại học Sydney (Úc). Em học được nhiều điều hay về văn hóa của xứ sở chuột túi, được các bạn chia sẻ về cách học tập, ngoài ra cũng được rèn luyện khả năng giao tiếp tiếng Anh của bản thân và mở rộng quan hệ bạn bè quốc tế.” - Sinh viên Nguyễn Thị Thắm, lớp QH2020E QTKD CLC3 bày tỏ niềm vui khi được tham gia chương trình.
Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN (UEB-VNU) với uy tín và thương hiệu được khẳng định quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, khoa học quản lý (Top 501-600 THE 2023, Top 451-500 QS 2022) cùng mạng lưới đối tác ở nhiều quốc gia thuộc châu Á, Âu, Mỹ… và cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng giảng dạy đạt chuẩn quốc tế là địa chỉ tin cậy để các trường đại học quốc tế đưa sinh viên, học viên đến học tập tại Việt Nam.
Mọi thông tin cần tư vấn, vui lòng liên hệ email: news_ueb@vnu.edu.vn hoặc inbox fanpage: https://www.facebook.com/ueb.edu.vn