Hội thảo bao gồm 3 phiên thảo luận với các nội dung: Tổng quan quan hệ Việt Nam - Vương quốc Anh; Hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư Việt Nam - Vương quốc Anh; Giao lưu nhân dân, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, xã hội Việt Nam - Vương quốc Anh.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các đại biểu đến từ Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Hội đồng Anh, Phòng Thương mại Anh, Bộ Ngoại giao Anh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt - Anh, đại diện các cơ quan, bộ ngành Trung ương, các trường đại học và cơ sở nghiên cứu, các tổ chức đoàn thể và đại diện một số doanh nghiệp Anh tại Việt Nam.
Với vai trò là đơn vị đồng tổ chức, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch hội đồng Trường; PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó hiệu trưởng; PGS.TS Hà Văn Hội - Trưởng khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế; cùng các giảng viên trong nhà trường.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Phan Anh Sơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUFO, điểm lại những dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước.Việt Nam và Vương quốc Anh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11/9/1973. Trong suốt 50 năm qua, mối quan hệ đó không ngừng được củng cố và phát triển. Đặc biệt sau khi hai nước ký kết Tuyên bố chung chính thức nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược vào tháng 9/2010, mở ra nhiều khuôn khổ, cơ chế hợp tác giữa hai nước. Hai nước không ngừng thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng như an ninh - quốc phòng, hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, phát triển bền vững, giao lưu nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển quan hệ song phương. Ông Phan Anh Sơn khẳng định quan hệ hữu nghị giữa hai nước đang ở thời kỳ phát triển rất tốt đẹp.
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, Ông Marcus Winsley, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam khẳng định: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà mọi thứ ngày càng trở nên khó dự đoán. Vì vậy, quan trọng là đối thoại để thấu hiểu lẫn nhau và đó là một trong những điều chúng ta đang làm hôm nay. Việt Nam và Anh có nhiều điểm chung, không chỉ cùng là các quốc gia hàng hải, chúng ta còn cùng ủng hộ mạnh mẽ hệ thống thương mại tự do, những điều tạo nên sự thịnh vượng của hai quốc gia. Và tôi nghĩ cả hai nước chúng ta đều cởi mở với những ý tưởng mới, với việc chia sẻ kinh nghiệm”.
Phó Đại sứ Winsley đánh giá cao những lợi ích mà quan hệ Đối tác chiến lược đã mang lại cho hai nước trong 13 năm qua. Hai quốc gia tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính phủ tới Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc - COP26 tại Glasgow vào năm ngoái, nơi Thủ tướng đã đưa ra cam kết lịch sử đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đồng thời hai nước cũng đang hợp tác để hướng tới Chương trình Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).Thương mại song phương tiến triển chưa từng có với tổng thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Vương quốc Anh và Việt Nam hiện là 5,9 tỷ Bảng Anh, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, ngoại giao nhân dân giữa hai nước cũng được đẩy mạnh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có khoảng 15.000 sinh viên Việt Nam hiện đang ở Vương quốc Anh.
Trước khi các phiên thảo luận chính thức bắt đầu, đại diện Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Chủ tịch hội đồng trường; PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó hiệu trưởng đã gửi tặng các cuốn sách về kinh tế do nhà trường xuất bản dành cho đại diện các đơn vị đồng tổ chức, các diễn giả tham gia hội thảo.
Phiên thảo luận 1 với chủ đề “Tổng quan Quan hệ Việt Nam - Vương quốc Anh” do Tiến sỹ Phan Anh Sơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUFO chủ trì với sự tham gia của các đại biểu: Phó Đại sứ Vương quốc Anh Marcus Winsley; ông Bùi Thế Giang, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương, Nguyên Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc; ông Ben Bland, Giám đốc Chương trình Châu Á - Thái Bình Dương và quan hệ song phương Anh - Việt, Chatham House và bà Hoàng Lê Thùy Dương, Phó Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt Anh. Tại phiên thảo luận này, các diễn giả đã điểm lại những bước phát triển chính, những cột mốc đáng nhớ trong quan hệ ngoại giao hai nước đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2010. Nói về tổng quan mối quan hệ, chuyên gia Ben Bland đưa ra 3 đề xuất để phát triển hơn nữa mối quan hệ, bao gồm sự trung thực giữa các bên về mong muốn và mục tiêu của mình, thứ hai là tập trung vào những lĩnh vực có lợi ích chung lớn nhất, thứ ba là sự hợp tác của không chỉ các cơ quan chính phủ mà còn các nhóm nghiên cứu, giáo dục, các tổ chức khác trong các lĩnh vực.
Phiên thảo luận về kinh tế, thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Vương quốc Anh do ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Anh chủ trì với sự tham gia thảo luận của các đại biểu: ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công thương; bà Julia Sutherlands, Phó Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á, Bộ Ngoại giao & Phát triển Anh; PGS.TS.Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN; PGS.TS. Hà Văn Hội, Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Tại phiên thảo luận, các hiệp định thương mại được nhắc đến như một thành tựu nổi bật, gợi mở nhiều tiềm năng hợp tác. Các chuyên gia đều cho rằng còn nhiều dư địa để hai quốc gia tiếp tục làm việc cùng nhau trong thời gian tới, nổi bật là chuyển đổi xanh và năng lượng tái tạo. Các hiệp định như UKVFTA đã có tác động lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, góp phần đẩy kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Vương quốc Anh tăng trưởng trở lại sau thời gian đại dịch.
Phiên thứ ba với chủ đề Giao lưu nhân dân, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, xã hội Việt Nam - Vương quốc Anh diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Anh và sự tham gia thảo luận của TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL; bà Nguyễn Thị Thu Giang, Trưởng ban Ban Châu Âu - VUFO và bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam.
Tại phiên thảo luận, TS. Nguyễn Phương Hòa khẳng định giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước có nhiều thuận lợi như ngôn ngữ tiếng Anh được dạy và học rộng rãi từ cấp bậc tiểu học tại Việt Nam và được xem là một trong các phương tiện giúp hội nhập quốc tế; cộng đồng lớn người Việt Nam tại Anh với số lượng lớn du học sinh Việt Nam chính là những cầu nối văn hóa giữa hai nước; các đường bay thẳng giữa Việt Nam và Vương quốc Anh là điều kiện kết nối địa lý, đưa nhân dân hai nước đến gần nhau hơn. Bà Nguyễn Phương Hòa nhấn mạnh trong bối cảnh hiện tại, giao lưu nhân dân ngày càng có sức hấp dẫn khi thông qua văn hóa nghệ thuật mà ở đó “con người là chủ thể sáng tạo” vì con người, luôn hướng tới cái đẹp, cái thiện, những giá trị nhân văn của nhân loại từ đó gắn kết con người với con người và có vai trò quan trọng trong việc kết nối người dân giữa các nước và các dân tộc, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và, thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác.
Trong phần tham luận của mình, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Trưởng Ban Châu Âu – VUFO cho rằng: “Đối ngoại nhân dân là quyền lực mềm và tôi đánh giá cao định hướng phát triển đối ngoại nhân dân trong hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam – Vương quốc Anh. Tôi tin tưởng rằng, qua các hoạt động của giao lưu nhân dân, hợp tác trong lĩnh vực văn hoá, xã hội Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ trở thành một nguồn lực quan trọng trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa 2 quốc gia. Quyền lực mềm này phải được hấp dẫn, thu hút thông qua các hoạt động văn hoá, giáo dục đến với đối tượng là công chúng của cả 2 quốc gia một cách mạnh mẽ và thường xuyên.”
Là một tổ chức giáo dục có vai trò quan trọng trong sự phát triển giữa hai nước Việt Nam – Vương quốc Anh, Bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam chia sẻ: “Năm 2023 cũng sẽ là năm thứ 30 Hội đồng Anh hoạt động tại Việt Nam cũng như 30 năm Học bổng Chevening của Chính phủ Anh tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ luôn ủng hộ và mong chờ các dự án hợp tác giữa chính phủ Anh và Việt Nam để có thể đẩy mạnh hơn nữa việc học tiếng Anh một cách tốt nhất dành cho các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam cũng như sẽ có những chính sách hỗ trợ dành cho các nhà nghiên cứu trẻ của Việt Nam khi có mong muốn được học tập và nghiên cứu tại Vương quốc Anh.” Bà Donna McGowan cũng chia sẻ năm hữu nghị Việt Nam-Vương quốc Anh tại Anh sẽ bao gồm hơn 50 sự kiện về thương mại, đầu tư, giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch,... được tổ chức ở London và hơn 10 địa phương lớn, nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ giữa các vùng, thành phố, cộng đồng của nước này với các địa phương của Việt Nam.
Tóm tắt phiên thảo luận, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đã điểm lại những thành tựu trong giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và cho biết đối ngoại nhân dân sẽ là kim chỉ nam cho các hoạt động của hội hữu nghị Việt Nam – Vương quốc Anh trong tương lai. PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho rằng để đẩy mạnh giao lưu văn hóa giữa hai nước trong thời gian tới cần huy động sức mạnh tổng hợp của các hiệp hội, các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đào tạo, thiết chế văn hóa, đông đảo sinh viên và các cơ quan truyền thông báo chí.
Trong bài phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Phó chủ tịch hội hữu nghị Việt – Anh nhấn mạnh: “Các vấn đề được đề cập đến trong hội thảo ngày hôm nay sẽ tiếp tục là tiền đề để 2 quốc gia tiếp tục vun đắp, củng cố, phát triển, đáp ứng nguyện vọng, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đồng thời góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới; không ngừng được củng cố và phát triển trên các lĩnh vực quan trọng như an ninh - quốc phòng, hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, phát triển bền vững, giao lưu nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển quan hệ song phương.”
Một số hình ảnh tại hội thảo: