Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) là đơn vị đi đầu, tiên phong trong Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động theo đúng Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các quy định của Luật Giáo dục đại học. Theo đó, Nghị quyết 19-NQ/TW khẳng định “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế Hội đồng trường theo hướng, Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học”.
Mô hình Đảng ủy - Hội đồng trường - Ban Giám hiệu tại Trường ĐHKT đã thể hiện rõ trách nhiệm, quyền hạn của mỗi tổ chức, đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của Nhà trường.Trong 6 tháng đầu năm, Hội đồng trường đã thông qua Kế hoạch nhiệm vụ mũi nhọn chi tiết năm 2023 của Trường ĐHKT, Phương án phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh Đại học 2023, thông qua phương án Tuyển sinh Sau đại học 2023 và nhiều nội dung định hướng chiến lược phát triển Nhà trường trong giai đoạn tới, đặc biệt về mảng hợp tác phát triển quốc tế, nâng cao tiềm lực NCKH và phát triển công nghệ, phát triển thực chất các hoạt động Đoàn – Hội của sinh viên nhằm tạo cộng đồng sinh viên lớn mạnh và giá trị
Trong 6 tháng đầu năm, Hội đồng trường đã thông qua Kế hoạch nhiệm vụ mũi nhọn chi tiết năm 2023 của Trường ĐHKT, Phương án phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh Đại học 2023, thông qua phương án Tuyển sinh Sau đại học 2023 và nhiều nội dung định hướng chiến lược phát triển Nhà trường trong giai đoạn tới, đặc biệt về mảng hợp tác phát triển quốc tế, nâng cao tiềm lực NCKH và phát triển công nghệ, phát triển thực chất các hoạt động Đoàn – Hội của sinh viên nhằm tạo cộng đồng sinh viên lớn mạnh và giá trị…
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, Trường ĐHKT đã được ĐHQGHN phê duyệt về một số nội dung đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN theo Quyết định số 600/QĐ-ĐHQGHN ngày 02/3/2023. Theo đó, Nhà trường được triển khai phương án đổi mới cơ chế hoạt động và thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở mức tối đa của đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định hiện hành khác của pháp luật liên quan. Việc Nhà trường bước đầu được triển khai tự chủ trong công tác tuyển sinh và đổi mới chương trình đào tạo, công tác tổ chức bộ máy và công tác kế hoạch - tài chính, cơ sở vật chất là tiền đề để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thu hút nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của đơn vị.
Ngay sau xây dựng Quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của Trường ĐHKT ban hành tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐTĐHKT ngày 16 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng trường Trường ĐHKT, Hội đồng trường cũng đã xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường ban hành tại Nghị quyết số 30/NQ-HĐTĐHKT ngày 05 tháng 7 năm 2023 đảm bảo tuân thủ đúng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định củaĐHQGHN hiện hành.
Trong kế hoạch thực hiện, Nhà trường đang tổ chức xây dựng Quy chế phối hợp tạm thời giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu đảm bảo thể hiện rõ trách nhiệm, quyền hạn của mỗi tổ chức. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống các Quy định/Quy chế nội bộ gắn với quản trị đại học theo đúng các Nghị quyết của Đảng, Quy định của Ban Chấp hành Trung ương và các quy định pháp luật đã góp phần ổn định cơ cấu tổ chức bộ máy, củng cố xây dựng khối đoàn kết đồng tâm, đồng sức vì mục tiêu phát triển nhà trường.
Trong năm 2023, Đảng ủy - Hội đồng trường ĐHKT đề ra các nhiệm vụ chính trị thực hiện với trọng tâm hướng đến quốc tế hóa và quản trị thông minh, cụ thể:
1. Công tác Đào tạo
- Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo. Đầu tư có trọng điểm để phát triển các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Kiểm định các chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn ACBSP theo lộ trình đề ra.
- Tăng tính quốc tế cho các chương trình đào tạo thông qua mời guest speakers nước ngoài.
- Tăng tính thực tiễn cho các chương trình đào tạo thông qua hoạt động thực tập, thực tế, tích hợp dự án thực tế gắn với doanh nghiệp trong các học phần đào tạo.
- Đổi mới mô hình đào tạo phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua các bài giảng e-learning, nghiên cứu các ứng dụng và ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo tới hoạt động đào tạo.
- Nâng cao chất lượng và số lượng tuyển sinh liên kết đào tạo quốc tế và sau đại học.
- Thúc đẩy các chương trình đào tạo ngắn hạn, đào tạo tiếng Anh chuyên ngành.
- Triển khai đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên có hiệu quả, tăng cường các hoạt động thực tập, thực tế gắn với doanh nghiệp. Tăng tỉ lệ tốt nghiệp và sinh viên “tỏa sáng” tại các cơ quan, doanh nghiệp.
2. Công tác Nghiên cứu khoa học và hợp tác phát triển
- Tăng cường thu hút giảng viên, sinh viên quốc tế và đưa cán bộ trẻ ra nước ngoài làm thỉnh giảng, tham gia nghiên cứu, đưa sinh viên ra nước ngoài trao đổi, học tập.
- Đẩy mạnh tổ chức các Hội thảo/Hội nghị/Diễn đàn quốc tế uy tín, có tác động lan tỏa trên thế giới và trong khu vực, thúc đẩy thương hiệu quốc tế của Nhà trường.
- Đẩy mạnh nghiên cứu và công bố quốc tế có tính thực tiễn, khuyến khích các “Nhà nghiên cứu trẻ” gồm giảng viên và người học công bố quốc tế.
- Đẩy mạnh hoạt động R&D thông qua các nghiên cứu có tính ứng dụng cao, phục vụ trực tiếp cho sự phát triển của trường thông qua Quỹ phát triển Tiềm lực KHCN.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả trách nhiệm quốc gia thông qua tư vấn về việc hoạch định, thực thi chính sách và phản ứng nhanh cho Chính phủ về những vấn đề kinh tế vĩ mô và vi mô.
3. Công tác Tổ chức, nhân sự
- Chỉ đạo hoàn thiện mô hình tổ chức, cơ chế tự chủ của Trường Đại học Kinh tế gắn với quản trị đại học theo tiếp cận hiệu quả phù hợp với Nghị định, Luật Giáo dục đại học và các quy định pháp luật khác có liên quan. Phát huy thế mạnh của Trường đại học thành viên trong ĐHQGHN, xây dựng phương án đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2021-2025 thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP và Nghị định 60/2021/NĐ-CP theo đúng chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2035;
- Tập trung phát triển và phát huy tốt đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao; tăng tỷ lệ giảng viên đạt trình độ Tiến sĩ, đạt học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư đảm bảo đủ số lượng nhà khoa học trình độ cao.
4. Công tác Tài chính và cơ sở vật chất
- Tăng tích lũy, tăng lương và thu nhập cho viên chức và người lao động.
- Tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện các hoạt động hành chính, quản lý công việc, đánh giá cán bộ, báo cáo quản trị…. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản trị đại học của ĐHQGHN: OneVNU, MyVNU, VNUPortal.
- Chuyên nghiệp hóa công tác quản trị tài chính thông qua áp dụng phần mềm và các báo cáo realtime.
- Triển khai thực hiện quy hoạch trường 1/500 tại Hòa Lạc.
5. Công tác Đoàn, hội, câu lạc bộ và Quỹ hỗ trợ phát triển Trường
- Kiện toàn cơ cấu tổ chức, đổi mới mô hình hoạt động, huy động tối đa các nguồn lực và tài chính cho các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, các câu lạc bộ… có sự tham gia bảo trợ của các đơn vị Nhà trường.
- Phát triển hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển Nhà trường.
Sau khi đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm, Hội đồng trường sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp với Ban giám hiệu, theo sát trong các công tác kiểm tra, hỗ trợ, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời đưa ra các giải pháp để nâng tối đa hiệu quả các hoạt động của Nhà trường.
Với sứ mệnh của mình, Hội đồng trường sẽ tiếp tục phát huy vai trò, chủ động trong chỉ đạo, điều hành, góp phần đưa Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN bứt phá mạnh mẽ, gặt hái những thành công mới và hoàn thành xuất sắc các kế hoạch nhiệm vụ được đề ra.