Nhằm mở rộng mạng lưới hợp tác về nghiên cứu tư vấn chính sách cùng với định hướng quốc tế hóa giáo dục, thúc đẩy trao đổi giảng viên, sinh viên quốc tế, ngày 22/4 vừa qua, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã được đón tiếp GS. Ian Goldin - Giảng viên Đại học Oxford, nguyên Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) cùng đại diện Đại sứ quán Vương Quốc Anh tại Hà Nội.
Sự kiện có sự tham gia của PGS.TS Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Đức Lâm, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học & Hợp tác phát triển, TS. Nguyễn Đức Bảo, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học & Hợp tác phát triển, PGS.TS Lê Đình Hải, Phó trưởng khoa Kinh tế Phát triển, TS. Phạm Vũ Thắng, Phó Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh cùng đội ngũ giảng viên và đông đảo sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Về phía khách mời, chương trình có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Anh tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS. TS Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Nhà trường bày tỏ sự vui mừng khi Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có cơ hội được giao lưu và trao đổi cơ hội hợp tác với GS. Ian Goldin. Ông là giáo sư về Toàn cầu hóa và Phát triển từ Đại học Oxford, đồng thời là Giám đốc sáng lập của Trường Oxford Martin, một trong những trường Đại học hàng đầu thế giới về nghiên cứu liên ngành về những thách thức toàn cầu quan trọng. Bên cạnh đó, GS. Ian Goldin cũng giữ chức Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và Giám đốc Chính sách của Tập đoàn, phục vụ trong Ban Điều hành Ngân hàng Thế giới và các ủy ban chủ chốt khác. “Với kinh nghiệm chuyên sâu về kinh tế, toàn cầu và phát triển, chúng tôi mong muốn có cơ hội hợp tác với GS. Ian Goldin với tư cách là diễn giả, guest lecturer tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Ngoài ra, Nhà trường nỗ lực trở thành một trong những đại học nghiên cứu hàng đầu, do đó, chúng tôi mong muốn Nhà trường và GS. Ian Goldin có cơ hội hợp tác, trao đổi nghiên cứu, tham dự hội thảo tư vấn chính sách trong lĩnh vực Kinh tế, Kinh doanh và Toàn cầu hóa.”, PGS. TS Lê Trung Thành chia sẻ tại buổi làm việc.
Ngoài ra, PGS.TS Lê Trung Thành cũng cho biết thêm “Tiếp nối chuỗi hoạt động quốc tế hóa giáo dục cho sinh viên, tiếp đón và tổ chức các khóa học trao đổi giao lưu văn hóa cho sinh viên quốc tế tại UEB, Nhà trường đề xuất hợp tác kết nối với các trường Đại học, cơ sở giáo dục tại Vương Quốc Anh xây dựng các chương trình trao đổi sinh viên, trao đổi tín chỉ hay các khóa đào tạo ngắn hạn cho sinh viên hai quốc gia.”. Đây có thể xem là một trong những thế mạnh của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong những năm qua cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo, phát triển phương pháp học tập thực tiễn gắn với nghiên cứu khoa học.
Trong phát biểu của mình, GS. Ian Goldin nhấn mạnh “Tôi nhận thấy có rất nhiều tiềm năng để chúng ta hợp tác phát triển về các lĩnh vực nghiên cứu Kinh tế Quốc tế, Toàn cầu hóa. Đặc biệt khi Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có những nền tảng nghiên cứu chuyên sâu trong các lĩnh vực trên, đặt trong bối cảnh Việt Nam đang mạnh mẽ vươn lên, trở thành điểm sáng phát triển toàn diện trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Những nghiên cứu, khuyến nghị chính sách được đưa ra trong thời điểm này sẽ mang giá trị rất lớn, đóng góp vào sự phát triển vững mạnh của quốc gia.” Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh, rất nhiều giảng viên của Trường Đại học Kinh tế có thời gian dài học tập và làm việc tại Vương Quốc Anh, tạo cầu nối quan trọng để thúc đẩy hợp tác ở các cấp khoa, viện đào tạo giữa các trường đại học, mở rộng mạng lưới kết nối học thuật giữa hai đơn vị.
Hơn nữa, GS. Ian Goldin nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với Vương Quốc Anh khi đã cùng phối hợp tổ chức các diễn đàn hội thảo học thuật quốc tế, các chương trình trao đổi sinh viên giảng viên và ký thỏa thuận hợp tác ghi nhớ chung. Điều này một lần nữa được khẳng định qua chia sẻ của cô Ruth Turner - Cố vấn chính sách và phát triển của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội “Đội ngũ giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là thành viên quan trọng trong mạng lưới cựu sinh viên tại UK, giữ mối quan hệ rất tốt với các trường đại học, đơn vị giáo dục cũng như các học giả, chuyên gia, giảng viên. Đây là điều kiện tốt để gia tăng cơ hội trao đổi học thuật giữa sinh viên và giảng viên của UEB và các trường đại học tại Anh.” Ngoài ra, cô cũng cho biết thêm Vương Quốc Anh cũng có rất nhiều chương trình học bổng đa dạng dành cho sinh viên quốc tế, tạo điều kiện để các em được học tập, làm việc và trải nghiệm văn hóa truyền thống bản địa.
Bên cạnh những chia sẻ của Ban giám hiệu Nhà trường, lãnh đạo các khoa/viện/trung tâm và đội ngũ giảng viên cũng trao đổi về các nội dung thế mạnh trong nghiên cứu đào tạo như toàn cầu hóa liên quan đến dòng chảy của hàng hóa, dịch vụ; thương mại quốc tế; sự phát triển toàn cầu, cơ hội, và rủi ro liên quan đến tăng trưởng; ... Từ đó, các khoa có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác, trao đổi học thuật, trao đổi sinh viên giảng viên với các đơn vị giáo dục hàng đầu Anh Quốc.
Tiếp đó, UEB đã tổ chức buổi seminar chủ đề “Economic Prospects: Globalization or Deglobalization” của diễn giả GS. Ian Goldin cùng đông đảo sinh viên UEB.
GS. Ian Goldin đã đưa những nội dung về nhân tố ảnh hưởng đến nền kinh tế, những động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội; thúc đẩy mở cửa thị trường; thúc đẩy tự do hóa thương mại đầu tư dịch vụ, đặt trong bối cảnh phát triển của Việt Nam và Vương Quốc Anh. Buổi seminar cũng tập trung trả lời các câu hỏi đến từ sinh viên. Các em đã thể hiện góc nhìn và đánh giá của thế hệ trẻ, dựa trên những kiến thức được học tại giảng đường, ứng dụng vào bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện đại, để lại ấn tượng đặc biệt với diễn giả tham dự.
Buổi trao đổi và seminar chuyên đề đã diễn ra tốt đẹp. Hy vọng rằng UEB và GS.Ian Goldin sẽ có thêm nhiều hoạt động trao đổi và hợp tác hơn nữa trong tương lai.