Vừa qua, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã phê duyệt chính thức kết quả xét chọn Giảng viên của năm và Chuyên viên của năm cho năm học 2013-2014. Trong đó, TS. Nguyễn Việt Khôi đã xuất sắc được bầu chọn là gương mặt Giảng viên của năm với những đánh giá cao.
TS. Nguyễn Việt Khôi hiện là giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế. Hiện tại, anh đang đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Bộ môn Kinh doanh Quốc tế. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Việt Khôi về cảm xúc của anh khi được nhận danh hiệu này.
Năm học 2013-2014 là năm học đầu tiên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức xét chọn danh hiệu Giảng viên của năm và Chuyên viên của năm dành cho giảng viên và chuyên viên có nhiều thành tích, sáng kiến đóng góp cho nhà trường trong năm học. Giảng viên của năm và chuyên viên của năm được xét chọn trên cơ sở các giảng viên xuất sắc và chuyên viên xuất sắc từ các khoa và đơn vị đề cử. Tiêu chí xét chọn đối với danh hiệu Giảng viên xuất sắc rất khắt khe như: số lượng đề tài NCKH được nghiệm thu, tiến độ thực hiện; số bài báo khoa học; chuyển giao công nghệ; kết quả giảng dạy theo đánh giá của sinh viên; đổi mới phương pháp giảng dạy; bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ…
|
- PV: Chào anh, anh cảm thấy thế nào khi được xét chọn là Giảng viên của năm?
TS. Nguyễn Việt Khôi: Tôi công tác ở Trường Đại học Kinh tế đã được 14 năm. Đây là lần đầu tiên trường xét chọn danh hiệu này. Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được các thầy cô và các em sinh viên ủng hộ. Cảm giác hồi hộp trong tôi tăng dần khi biết tin được đưa vào danh sách bình chọn và vỡ oà hạnh phúc khi được báo tin chúc mừng từ bạn bè đồng nghiệp.
- PV: Bí quyết nào anh có thể đạt được thành tích này với các yêu cầu và tiêu chí rất cao cả về nghiên cứu khoa học lẫn hoạt động giảng dạy?
TS. Nguyễn Việt Khôi: Tôi không dám nhận mình có thành tích xuất sắc hơn các thầy cô, đồng nghiệp trong trường. Mỗi thầy cô đều sở hữu những điểm mạnh mà tôi cũng như các đồng nghiệp thấy tự hào, ngưỡng mộ. Nhiều thầy cô dù khó khăn hơn tôi, nhiều em sinh viên dù ngày cắp sách, tối làm thêm nhưng họ vẫn hoàn thành các công việc được giao. Tôi thấy mình bé nhỏ và sẽ phải cố gắng nhiều hơn.
Tôi đang học cách vượt qua khó khăn thường nhật, những khó chịu do di chứng bệnh tật để cố gắng hoàn thiện bản thân, hoàn thành nhiệm vụ mà trường và khoa giao phó. Đối với tôi, ý chí và niềm say mê là điều quan trọng nhất khi làm bất cứ điều điều gì. Đam mê cùng với ý chí sẽ giúp chúng ta chinh phục các cột mốc đề ra. “There is a will, there is a way”.
Các bài giảng của TS. Nguyễn Việt Khôi có sức thu hút lớn đối với sinh viên
- PV: Luôn nhận được phản hồi rất tích cực từ phía sinh viên về hoạt động giảng dạy, theo anh, để có một bài giảng hay cho sinh viên, người giảng viên cần làm gì?
TS. Nguyễn Việt Khôi: Tôi may mắn có được phản hồi tích cực từ phía các em sinh viên. Để đạt được kết quả này, trước hết tôi xin cám ơn lãnh đạo Trường ĐHKT, các khoa và phòng ban chức năng đã thực hiện kiên trì, nghiêm túc hoạt động đánh giá giảng viên sau mỗi kỳ học. Chính những đánh giá cuối mỗi học kỳ đó đã giúp tôi biết phải làm gì để hoàn thiện bài giảng và tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho các em sinh viên. Mỗi lần được cầm trên tay chiếc phong bì niêm phong nội dung nhận xét của các em tôi đều rất hồi hộp.
Tôi nghĩ không thể so sánh bài giảng này so với bài giảng khác bởi các môn học có nội dung, tính chất và phương pháp truyền đạt khác nhau. Chính phương pháp truyền đạt, giảng dạy đa dạng với những phong thái, tính cách khác nhau tạo nên sự muôn màu trong môi trường đại học. Cá nhân tôi, trước khi vào lớp, tôi có thói quen tìm hiểu đối tượng học để đưa ra chiến lược và phương pháp phù hợp. Ngay trong một lớp đã tồn tại các nhu cầu học tập khác nhau và thách thức là phải cân đối các nhóm nhu cầu để tạo ra một bài giảng thú vị, bổ ích và có ý nghĩa.
Ngoài việc có kiến thức chuyên sâu, bản lĩnh nghề nghiệp và sự tinh tế rất quan trọng. Việc rèn luyện bản lĩnh vững vàng đã giúp tôi tự tin vượt qua nhiều sự cố trên lớp và kiểm soát chúng theo đúng khuôn khổ đã đề ra. Sự tinh tế giúp tôi cảm nhận được sinh viên đang nghĩ gì về bài giảng ngay ở lớp để có thể điều chỉnh kịp thời.
Được các bạn sinh viên yêu quý luôn là niềm vui lớn dành cho các giảng viên, đặc biệt là giảng viên còn trẻ như chúng tôi. Các em sinh viên chính là nguồn cảm hứng để thầy cô tận tâm với nghề. Sự lắng nghe và chia sẻ của các em sẽ giúp thầy cô hoàn thiện bài giảng tốt hơn. Tôi cũng từng là sinh viên, cũng có những tình cảm riêng với những thầy cô tôi được học. Tôi nhận thấy dù các thầy cô có những điểm mạnh, yếu khác nhau nhưng họ luôn có nhiệt huyết để truyền đạt lại kiến thức cho thế hệ sau.
- PV: Trong một năm học, anh đồng thời đạt thành tích cao trong cả nghiên cứu khoa học lẫn giảng dạy, vậy anh làm thế nào để sắp xếp thời gian cho cả 2 nhiệm vụ này?
TS. Nguyễn Việt Khôi: Tôi tự hào được công tác trong môi trường có nhiều tài năng như Trường ĐHKT. Đây là thách thức lớn nhất đối với giảng viên trẻ như tôi. Tôi xây dựng mục tiêu và cố gắng biến các thách thức thành động lực phấn đấu để không bị bỏ rơi đằng sau. Với mục tiêu đó, tôi dành thời gian kết hợp đào tạo với nghiên cứu, dạy các em sinh viên và gợi ý những chủ để có thể nghiên cứu để cùng chia sẻ với các em.
TS. Nguyễn Việt Khôi còn rất có "duyên" với các học bổng nước ngoài. Bức ảnh được chụp tại Đại học Columbia trong khuôn khổ Học bổng Fulbright
- PV: Một trong những tiêu chí đánh giá giảng viên xuất sắc mà anh được đánh giá rất cao là yêu cầu về bài báo khoa học đăng trên tạp chí uy tín trong nước và quốc tế. Theo anh, bài báo như thế nào thì sẽ có nhiều cơ hội được đăng trên các tạp chí uy tín, đặc biệt là tạp chí quốc tế thuộc ISI, Scopus?
TS. Nguyễn Việt Khôi: Như đã trả lời ở trên, nếu không làm thì chúng ta không thể biết có làm được hay không. Tôi tin tưởng rằng về mặt ý tưởng, rất nhiều bài của các thầy cô có thể đăng trên các tạp chí quốc tế. Vấn đề đôi khi chỉ là kỹ thuật. Để giải quyết điều này, nó đòi hỏi sự hợp lực của những thầy cô có chung sở thích, đam mê để tạo ra sản phẩm quốc tế. Nhiều chủ đề hay về Việt Nam hiện vẫn là góc tối đối với thế giới. Nếu khai phá được khu vực này, bài báo của các thầy cô sẽ xuất bản thành công.
- PV: Giải thưởng này có ý nghĩa gì đối với anh?
TS. Nguyễn Việt Khôi: Giải thưởng này là vinh dự, niềm tự hào nhưng cũng là thách thức vô cùng lớn đối với tôi. Tôi sẽ coi giải thưởng này như điểm tựa để tôi tiếp tục niềm đam mê trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
- PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị. Chúc anh đạt được nhiều thành công hơn nữa trong công việc và cuộc sống!