Sáng ngày 26/7/2011, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã phối hợp với Đại học Queensland, Australia tổ chức hội thảo quốc tế mang tên “Kỹ năng lãnh đạo và Quản trị nhân sự” (Leadership and Human Resource Management).
Chủ đề của hội thảo đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo đối tác, doanh nghiệp và cá nhân có mối quan hệ hợp tác với Trường. Nhiều nhà quản lý, cán bộ đến từ các doanh nghiệp, đại học và cựu sinh viên của Trường ĐHKT - ĐHQGHN cũng đã tham dự hội thảo.
Phát biểu mở đầu hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Việt - Trưởng Phòng NCKH &HTPT, Trường ĐHKT nhấn mạnh: Việc tổ chức các chuỗi bài giảng/hội thảo quốc tế là chiến lược nhằm xây dựng Trường ĐHKT trở thành cầu nối giữa các trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu thế giới, chuyển giao các tri thức và kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực kinh tế học, quản lý, chính sách công và quản trị kinh doanh tại Việt Nam.
Trong phần đầu của bài thuyết trình, Tiến sĩ Ian Johnson nêu lên quan điểm “sử dụng tâm lý học để giúp tổ chức thành công đồng thời mang lại sự thành đạt và lợi ích cho thành viên của tổ chức”. Theo Tiến sĩ, lãnh đạo và quản lý nhân sự là hai phần không thể tách rời do đó ông lấy làm chủ đề cho bài phát biểu của mình.
Bài thuyết trình tập trung vào các vấn đề chính như: (i) Lãnh đạo và quản trị nhân sự hiện nay: thách thức về kỹ năng lãnh đạo ở Việt Nam, Khảo sát lãnh đạo (quan điểm trung lập với văn hóa), quan điểm mới về lãnh đạo; (ii) Lãnh đạo trong tương lai: kỹ năng cần thiết, phát triển kỹ năng lãnh đạo hữu ích.
Đông đảo các nhà quản lý, cán bộ từ các doanh nghiệp, đại học và cựu sinh viên của Trường ĐHKT - ĐHQGHN đã tham dự hội thảo.
Tiến sĩ Johnson cho rằng ảnh hưởng của sự phát triển của quốc gia, của vị trí địa lý tới mối quan hệ trong công việc nhiều hơn là sự ảnh hưởng của văn hóa của đất nước đó. Bài thuyết trình nêu ra vấn đề nổi bật trong thời gian vừa qua ở Việt Nam là Nhân công: biểu tình và bãi công ở các doanh nghiệp tư nhân, lý do và ảnh hưởng của các cuộc biểu tình. Ông cũng đưa ra một số thông tin về sự phát triển kinh tế, công nghiệp, xã hội của Việt Nam.
Các nghiên cứu, đề tài có liên quan đến vấn đề lãnh đạo cũng được Tiến sĩ Johnson tóm tắt và trình bày trong hội thảo. Ông đưa ra thang đo sự tuân thủ (transactional) và sự cam kết (transformational) và khẳng định lợi ích của việc quản lý đa cấp, thay vì quản lý độc nhất. Đặc biệt hơn, những kỹ năng quan trọng của lãnh đạo qua các thời kỳ cũng được Tiến sĩ Johnson trình bày cụ thể và chi tiết. Theo đó, người lãnh đạo hiện nay được lựa chọn dựa trên các chỉ số: IQ (intelligence quotient - chỉ số thông minh) + EQ (Emotional Quotient - chỉ số cảm xúc) và CQ (Cultural Quotient - chỉ số am hiểu văn hóa).
Những phát hiện quan trọng từ các nghiên cứu liên quan đến: định hướng tổ chức, chất lượng hội thoại (hoạt động của tổ chức); sự thay đổi mang tính quyết định, tác động của mối quan hệ trong công sở (hoạt động của nhân viên) cũng được phân tích thấu đáo. Theo Tiến sĩ “nếu nhân viên có 3 người bạn thân ở công sở thì hơn 96% trong số họ cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống”. Tiến sĩ đưa ra những kỹ năng lãnh đạo mới: động lực tác động bởi sự bí ẩn, dám chịu mạo hiểm, nhìn trước sự việc, giải quyết vấn đề phức tạp, tạo ra môi trường sôi nổi, linh hoạt, đơn giản hóa và kỹ năng tập trung. Thêm vào đó, để phát triển “chỉ số cảm xúc”, theo Goleman cần 5 kỹ năng: tự nhận biết, tự phê bình, động lực thúc đẩy, thấu cảm, kỹ năng xã hội.
Trong và cuối bài thuyết trình, người tham dự đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến tình huống thực tế mà doanh nghiệp/tổ chức của họ gặp phải như: Ai có thể trở thành lãnh đạo? Có nên có mối quan hệ thân thiết nơi công sở? Làm thế nào để tăng thêm sự gắn kết với công việc của nhân viên? Giải quyết vấn đề phát sinh từ mối quan hệ nơi công sở,…
Theo đánh giá từ các phiếu điều tra, đa số người tham dự cảm thấy hài lòng về chủ đề và về diễn giả, họ đã nhận được nhiều thông tin quan trọng và hữu ích từ các nghiên cứu mà Tiến sĩ Ian Johnson trình bày.