Trong khuôn khổ dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp, liên ngành, dài hạn, đa mục đích để đánh giá biến động kinh tế - xã hội môi trường Việt Nam”, nhóm nghiên cứu liên ngành đến từ các trường ĐH Kinh tế, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Giáo dục (thuộc ĐHQGHN), ĐH Kinh tế Quốc dân… đã tổ chức các buổi tham vấn ý kiến những chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu và giảng dạy về những nội dung: kinh tế, xã hội, giáo dục, sức khỏe...
Sáng ngày 1/8/2013, tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, buổi tham vấn về nội dung kinh tế do TS. Vũ Anh Dũng (Trường ĐH Kinh tế) chủ trì đã được tổ chức với trọng tâm vào việc hoàn thiện các nhóm biến kinh tế cho bảng hỏi. Tại đây, các chuyên gia đánh giá cao về mục đích và nội dung cho phần kinh tế trong bảng hỏi và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, phân tích những điểm nhóm nghiên cứu cần xem xét để hoàn thiện.
Theo đó, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh đến vai trò của việc gắn điều tra với bối cảnh phát triển của xã hội và thế giới: như sự phát triển của khoa học công nghệ, của toàn cầu hóa, của sự biến đổi khí hậu… TS. Đinh Quang Ty cho rằng việc nghiên cứu hộ gia đình chưa được quan tâm thích đáng, cần làm rõ được các yếu tố về kinh tế, kinh doanh liên quan đến hộ gia đình, hay cá nhân; nội dung bảng hỏi nên đề cập thêm tác động của các chính sách tới người dân. Tiếp đó là những đóng góp liên quan đến vấn đề nguy cơ dân số già của TS. Nguyễn Đăng Minh; bổ sung phần chi tiêu của TS Nguyễn Cẩm Nhung; đề xuất làm rõ các mục tiêu của từng nhóm nội dung điều tra khảo sát từ TS. Nguyễn Thùy Anh. Bên cạnh đó, TS. Lê Trung Thành và Nguyễn Anh Thu góp ý về việc cân nhắc hình thức câu hỏi trực tiếp, gián tiếp, các câu hỏi theo thời gian hàng năm, theo định kỳ một số năm để thấy được bức tranh toàn cảnh về kinh tế từ khảo sát hộ gia đình.
TS. Nguyễn An Thịnh chủ trì buổi tham vấn thứ 2 về nội dung môi trường
Buổi tham vấn trong chiều 1/8 do TS. Nguyễn An Thịnh (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN) chủ trì tập trung vào nội dung môi trường. Mảng môi trường được đề cập dưới 12 hành vi về tiêu thụ nước, nhiên liệu, năng lượng, tiêu thụ thực phẩm, đồ dùng gia đình, sử dụng, tái chế, cải tạo môi trường, xử lý rác, thích ứng với biến động của môi trường… Bảng hỏi cho nội dung này gồm những câu hỏi cận cả hộ gia đình và hành vi của mỗi cá nhân. Các chuyên gia như GS. Trương Quang Hải, PGS.TS Lê Văn Thiện, Đặng Hoàng Minh đều thống nhất việc cần thiết làm rõ các mức độ được đưa ra trong bảng hỏi, đồng thời cần lượng hóa một số nội dung trong các câu hỏi, cũng như bổ sung những chỉ tiêu định lượng. Các chuyên gia cho rằng, nhóm nghiên cứu cũng cần cân nhắc các câu hỏi về tuyên truyền bảo vệ môi trường; tác động của bên ngoài đến các hành vi môi trường; chọn các nhóm biến khảo sát hằng năm hay khảo sát định kỳ 3-4 năm/lần; các câu hỏi nên rạch ròi, tường minh và quan tâm đến việc phân tích quan hệ nhân quả hay mối liên hệ giữa hành vi môi trường với các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tại buổi tham vấn về các nội dung văn hóa, giáo dục, sức khỏe
Buổi tham vấn ý kiến chuyên gia thứ 3 diễn ra ngày 2/8 do PGS.TS Đặng Hoàng Minh (ĐH Giáo dục - ĐHQGHN) chủ trì - với nội dung về văn hóa, giáo dục, sức khỏe - đã đưa ra được nhiều vấn đề cần bổ sung cho các mảng nội dung liên quan đến nền tảng gia đình, ngôn ngữ, lịch sử quan hệ, mạng lưới gia đình, quan hệ cha mẹ và con… Buổi tham vấn có sự tham gia của PGS.TS Phạm Thành Nghi và TS. Lê Văn Hảo. Các chuyên gia nhận định sự quan trọng của mảng nội dung này, đặc biệt là ở hướng nghiên cứu dài hạn, toàn diện để đánh giá được sự vận động, biến đổi của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Trong buổi thảo luận, các yếu tố văn hóa, giá trị sống hay những khía cạnh liên quan đến nghệ thuật được xem xét như các biến ẩn. Với ý kiến của các chuyên gia, nhóm đã phân chia được các nhóm biến nghiên cứu hằng năm và loại số liệu nghiên cứu theo kỳ 4 năm/lần.
Sau 3 buổi tham vấn, nội dung về kinh tế, môi trường, giáo dục, văn hóa, sức khỏe đã thảo luận và đạt được những kết quả tích cực để nhóm nghiên cứu làm căn cứ bổ sung, hoàn thiện các bảng hỏi dự kiến.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cho biết, các buổi tham vấn tiếp theo về nội dung xã hội do TS. Lưu Bích Ngọc (ĐH Kinh tế Quốc dân) chủ trì sẽ diễn ra từ nay cho đến trước 15/8. Tiếp sau chuỗi tham vấn này, hội thảo “Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp, liên ngành, dài hạn, đa mục đích để đánh giá biến động kinh tế - xã hội môi trường Việt Nam” sẽ được tổ chức dự kiến vào ngày 21/8 và 22/8/2013 với sự tham dự của các chuyên gia trong nước và quốc tế.
__________________
THÔNG TIN LIÊN QUAN:
>> Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp, liên ngành, dài hạn, đa mục đích để đánh giá biến động kinh tế - xã hội môi trường Việt Nam