Bên cạnh việc hợp tác với Trường Đại học Kinh tế Cracrow (Ba Lan), Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã phát triển quan hệ hợp tác với cơ quan ngoại giao, cơ quan quản lý tại Ba Lan qua sự kiện Đại sứ và Vụ trưởng Ba Lan tới tham dự tọa đàm tại trường vào ngày 19/6 vừa qua.
Tham dự buổi gặp mặt và làm việc về phía Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam có: Ông Wojciech Gerwel - Đại sứ, ông Maciej
Duszynski - Phó Đại sứ, ông Jan Filip Stanilko - Vụ trưởng Vụ Đổi mới, Bộ Doanh nghiệp và Công nghệ Ba Lan; về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS. Nguyễn Anh Thu -
Phó Hiệu trưởng, ông Lê Trung Thành - Trưởng Phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp
tác Phát triển (NCKH&HTPT) , ông Nguyễn Đức Lâm - Phó Trưởng Phòng NCKH&HTPT.
Hiệu trưởng ĐHKT PGS.TS Nguyễn Trúc Lê tiếp đại sứ Ba Lan và hoan nghênh đoàn đã tới ĐHKT để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các tổ chức tại Ba Lan và Nhà trường PGS.TS Nguyễn Anh Thu chủ trì buổi họp và trao đổi cơ hội hợp tác với Đại sứ và Vụ trưởng của Ba Lan
Tại buổi gặp mặt PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã chào mừng các vị khách quý từ Ba Lan đến thăm Trường. Bà mong muốn Việt Nam và Ba Lan đẩy mạnh sâu rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia, trong đó có đẩy mạnh việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và
Ba Lan. Hiện tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã có sự kết nối với Trường
Đại học Krakov (Ba Lan) về trao đổi giảng viên. Theo đó, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã có cơ
hội sang trao đổi nghiên cứu tại Ba Lan, tìm hiểu thêm về văn hóa con người của
đất nước xinh đẹp này; đồng thời, đoàn giảng viên của ĐH Krakov cũng đã có
chuyến tham quan trao đổi rất thú vị tại Hà Nội trong 7 ngày.
Ông
Wojciech Gerwel - Đại sứ Ba Lan rất vui
mừng trước sự tiếp đón nồng nhiệt của Ban Giám hiệu Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Ông bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến việc trao đổi văn hóa giữa hai nước, mong muốn
càng ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam tới Ba Lan để học tập.
Nhân chuyến viếng thăm
lần này, Vụ trưởng Vụ Đổi mới Ba Lan, ông Jan Filip Stanilko đã tham gia buổi tọa đàm và phát biểu
chia sẻ với sinh viên, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN về Cách
mạng công nghiệp 4.0 tại Ba Lan - ảnh hưởng và giải pháp.
Ông Jan Filip Stanilko - Vụ trưởng Vụ Đổi mới Ba Lan phát biểu tại tọa đàm
Ông Jan Filip Stanilko nói: “Năng suất lao động là yếu tố cốt lõi của sự phát triển. Năng suất
lao động được khởi nguồn từ tri thức, dữ liệu, và các hoạt động của tổ chức đó”.
Ngoài ra, Ông
cũng phân tích thêm về các yếu tố vô hình và hữu hình trong nền kinh tế; tác động
của các tài sản vô hình lên năng suất lao động trong bối cảnh hiện nay đồng thời
cũng đưa ra nhữnh minh chứng cụ thể về nền kinh tế và năng suất lao động của
doanh nghiệp tại Ba Lan cùng các bài học kinh nghiệm.
Ông chỉ ra rằng,
cách mạng 4.0 là thế mạnh về cơ sở kỹ thuật, sự phát triển vượt bậc về công
nghệ và nó xuất phát từ một số quốc gia phát triển sở hữu các công cụ đó. Đối
với các nước đang phát triển việc ứng dụng và phát triển các công nghệ đó cũng
không phải điều dễ dàng, các nước phải có “tâm thế’ của những người lao động thời
4.0, sẵn sàng thay đổi tư duy cũ, công cụ cũ hướng tới cách làm đột phá, sáng
tạo thì cách mạng 4.0 mới thực sự đi vào đời sống. Đối với cơ quan quản lý,
việc cải thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh là cực kỳ quan trọng, là
yếu tố tiền đề để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và giải phóng sức lao động nội
địa.
Đông đảo giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tham gia tọa đàm
Các giảng viên - sinh viên ĐHKT đã đặt câu hỏi và thảo luận sôi nổi cùng ông Jan Filip Stanilko.
Buổi tọa đàm cùng chuyên gia Ba Lan đã cung cấp cho giảng viên, sinh viên ĐHKT nhiều thông tin hữu
ích và phương pháp luận, cái nhìn khách quan về cách mạng công nghiệp 4.0 đang
diễn ra tại Ba Lan, từ đó rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho phát triển
kinh tế tại Việt Nam.