Trong khuôn khổ chương trình đào tạo của Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế, Bộ Ngoại giao Israel (MASHAV), tôi đã có cơ hội tham gia khoá học Tăng trưởng xanh chính sách và công cụ kinh tế để phát triển bền vững” từ ngày 26/11 đến 20/12/2017 tại Trung tâm phát triển bền vững Weitz, Đại học Hebrew Jerusalem, Israel.
Lớp học xoay quanh chủ đề về “Tăng trưởng xanh”, các thành viên tham dự khoá học của 16 quốc gia trên thế giới với mức độ phát triển khác nhau từ khu vực Đông Nam Á, Trung Á, Đông và Trung Âu, Trung Mỹ và Nam Mỹ, châu Phi… đã có một diễn đàn đặc biệt để nghe về kinh nghiệm hoạch định và thực thi các chính sách kinh tế gắn với tăng trưởng xanh của Israel, để chia sẻ kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra trong thực hiện chính sách tăng trưởng hướng tới tăng trưởng xanh ở quốc gia mình.
PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp (đeo kính đen) tham gia khóa học tại Israel
Điểm đặc biệt là khoá học được thiết kế rất linh hoạt, cho phép những người tham dự có thể vừa lắng nghe các chuyên gia Israel trao đổi những nội dung mang tính lý thuyết và thực tiễn áp dụng các chiến lược, chính sách và sử dụng các công cụ kinh tế cho tăng trưởng xanh, vừa có cơ hội trải nghiệm thực tế thông qua các chuyến tham quan tới các mô hình tiêu biểu tại Israel.
Chúng tôi đã đến thăm trung tâm xử lý nước thải Shafdan (nhà máy xử lý nước thải lớn thứ hai thế giới), thăm khu công nghiệp sinh thái Neot Hovav - nơi có trung tâm xử lý chất thải công nghiệp lớn nhất Israel, Thăm nhà máy phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt và một bãi chôn lấp rác thải của thành phố Tel Aviv nay đã thành công viên xanh. Chúng tôi cũng đến thăm các cộng đồng dân cư, nơi đang triển khai rất thành công mô hình phát triển bền vững từ cộng đồng như Kfar-Saba, Mahapach Yarok ở Jerusalem, trao đổi toạ đàm với giám đốc dự án phát triển bền vững cộng đồng cư dân Attir-Hura trên sa mạc Negev…
Ấn tượng đặc biệt của tôi về khoá học này là được tận mắt nhìn thấy, cảm nhận và hiểu biết hơn về một đất nước Israel tuy nhỏ bé về diện tích, dân số và nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế so với nhiều nước khác, nhưng đã đạt trình độ một nước phát triển ở khu vực Trung Đông. Với diện tích 21.600 km2, dân số khoảng 8,5 triệu người (năm 2016), 20 năm qua, Israel đã phát triển nhanh, trên nhiều lĩnh vực, trở thành nước thành viên OECD năm 2010. Một trong những nguyên nhân tạo nên điều kỳ diệu trong phát triển kinh tế là việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực sản xuất, khuyến khích tăng trưởng xanh.
Mô hình tưới nhỏ giọt tại Israel
Trong nông nghiệp, Với gần 60% diện tích bị sa mạc Negev bao phủ và thời tiết khí hậu vô cùng khắc nghiệt, nông nghiệp Israel vẫn cung cấp 95% nhu cầu lương thực thực phẩm nội địa và là nguồn cung nông sản hàng đầu cho châu Âu. Để có được kỳ tích này, Issrael đã áp dụng công nghệ tiên tiến quản lý nguồn nước của quốc gia; quy trình công nghệ xử lý nước thải ở Israel đạt trình độ hàng đầu thế giới với tỉ lệ tái chế nước thải sinh hoạt lên đến 85%; nước tái chế được dẫn tới sa mạc Negev để dung cho nông nghiệp, cùng với công nghệ tưới tự động kèm theo phân bón… Israel cũng là quốc gia phát minh ra hệ thống tưới nước nhỏ giọt điều khiển bằng máy tính, kết hợp với các thiết bị cảm biến kiểm soát độ ẩm trong đất, có thể tính toán chính xác nhu cầu nước và tiết kiệm tối đa.
Sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời cũng là một ưu tiên của Israel trong chiến lược thúc đẩy tăng trưởng xanh. Người Israel thường nói ánh sáng mặt trời là nguồn tài nguyên duy nhất mà thiên nhiên ban tặng hào phóng cho đất nước Israel. Với bình quân 300 ngày nắng/năm, Israel đã có chiến lược phát triển năng lượng mặt trời từ rất sớm. Năm 1980, Chính phủ Israel đã thông qua Luật Năng lượng mặt trời lần đầu tiên. Hiện nay, Israel dẫn đầu thế giới về năng lượng mặt trời/đầu người; 85% hộ gia đình có hệ thống nước sưởi từ năng lượng mặt trời. Theo lộ trình phát triển năng lượng sạch, Israel kỳ vọng có thể đáp ứng được 10% tổng lượng năng lượng toàn quốc bằng năng lượng sạch vào năm 2020 và chủ yếu, số năng lượng ấy sẽ đến từ Mặt trời.
Các học viên thảo luận về chủ đề tăng trưởng xanh
Có thể thấy, tính năng động, sáng tạo của con người và sự hỗ trợ tích cực từ chính phủ là 2 trụ cột chính trong thành công của Israel về tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, Israel cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trên con đường phát triển. Những thách thức đó đến từ Biến đổi khí hậu, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước, sa mạc hoá đất đai, thách thức cũng đến từ sức ép của việc tăng dân số và tập trung dân cư trong các đô thị lớn…
Các học viên tham dự khóa học
Khoá học về “Tăng trưởng xanh” đã góp phần tăng cường hiểu biết về lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn Israel cho các thành viên tham dự, đồng thời góp phần tạo ra mạng lưới trao đổi thông tin, mở ra khả năng hợp tác phát triển giữa các nước với Israel về các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh trong tương lai.