Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng viên, đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục, trong 2 ngày 9-10/7/2018, tại Trường ĐHKT-ĐHQGHN đã diễn ra Chương trình chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng và phương pháp giảng dạy. Diễn giả là những giảng viên xuất sắc của Nhà trường.
Với hơn 2/3 giảng viên tốt nghiệp từ các nước tiên tiến, trong đó có nhiều giảng viên đã làm việc ở nhiều trường đại học trên thế giới; có thể nói đội ngũ giảng viên xuất sắc chính là điểm mạnh nổi bật nhất của Trường ĐHKT- ĐHQGHN so với các trường đại học trong cả nước.
Các giảng viên xuất sắc của Trường ĐHKT gồm PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa TCNH, PGS.TS. Nguyễn Việt Khôi - Phó Chủ nhiệm Khoa KT&KDQT, PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh - Phó Viện trưởng Viện QTKD, TS. Hồ Chí Dũng - Chủ nhiệm Bộ môn Marketing đã chia sẻ cho toàn thể đồng nghiệp những kinh nghiệm giảng dạy không chỉ ở Trường mà ở nhiều nước trên thế giới.
Nội dung, cơ cấu các chuyên đề của chương trình chia sẻ được thiết kế dựa trên tham khảo cuốn "Handbook for Economics Lecturers" được viết bởi các chuyên gia ở các trường đại học hàng đầu Anh Quốc, bao gồm:
1. Văn hóa tổ chức, định hướng chiến lược và kế hoạch nhiệm vụ Trường ĐHKT
2. Cách thức xây dựng bài giảng và hướng dẫn hội thảo
3. Phương pháp kiểm tra và đánh giá kết quả học tập
4. Xây dựng môi trường học tập ảo
5. Giảng dạy gắn với mô phỏng trò chơi và đóng vai
6. Xây dựng và triển khai bài tập tình huống
7. Tâm thế giảng viên. Phương pháp học tập dựa theo giải quyết vấn đề.
Mở đầu chương trình, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Nhà trường đã nhấn mạnh: Thời gian gần đây, cụm từ được nhắc đến nhiều nhất ở Trường ĐHKT có lẽ là “quốc tế hóa”. Nhà trường liên tục có các study tour, đón các đoàn nước ngoài đến học tập và làm việc. Điều vui mừng là rất nhiều giảng viên xuất sắc của Trường đã luôn làm chủ được công việc trong bối cảnh này. Có những giảng viên đã đi thỉnh giảng ở rất nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên giờ là lúc ĐHKT cần lan tỏa những kinh nghiệm quý giá cho tất cả đồng nghiệp để cùng nhau nâng cao và tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo của trường. Trường ĐHKT sẽ không ngừng đầu tư cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên Nhà trường.
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê trình bày về văn hóa tổ chức
Tiếp đó, với chuyên đề Văn hóa tổ chức, định hướng chiến lược và kế hoạch nhiệm vụ Trường ĐHKT, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê đã nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Nhà trường năm học 2018-2019 chính là quốc tế hóa giáo dục. Do đó, yêu cầu quan trọng nhất đối với giảng viên hiện nay chính là Chia sẻ, Trách nhiệm, Lắng nghe và Thấu hiểu. Mục đích quan trọng nhất khi Nhà trường áp dụng hệ thống KPIs chính là cùng nhau thực hiện mục tiêu chung, nâng tầm Nhà trường, quốc tế hóa và hướng đến tự chủ đại học.
Là học giả Fulbright, đã từng có kinh nghiệm thỉnh giảng ở hàng chục nước tiên tiến trên thế giới, luôn được sinh viên đánh giá cao (qua hệ thống phiếu điều tra, khảo sát) PGS.TS. Nguyễn Việt Khôi cũng đã chuẩn bị bài giảng rất công phu và chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích liên quan đến cách thức xây dựng bài giảng và hướng dẫn hội thảo, phương pháp kiểm tra và đánh giá kết quả học tập. Các học viên đã tích cực trao đổi, làm việc nhóm sôi nổi và đặt ra nhiều câu hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp thú vị, hữu ích.
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi nói về thiết kế bài giảng
Cũng là học giả Fulbright và đã có nhiều kinh nghiệm tư vấn cho Ngân hàng Thế giới, kinh nghiệm làm việc ở nhiều nước Châu Âu và các ngân hàng hàng đầu Việt Nam, PGS.TS Trần Thị Thanh Tú (cùng với sự tham gia của TS. Hồ Chí Dũng) đã có chương trình chia sẻ rất thú vị và sôi nổi về 2 chủ đề “Giảng dạy gắn với mô phỏng trò chơi và đóng vai” và “Xây dựng và triển khai bài tập tình huống”.
PGS.TS Trần Thị Thanh Tú chia sẻ
TS. Hồ Chí Dũng chia sẻ
Các học viên được chia làm nhiều nhóm để thực hiện mô phỏng trò chơi và đóng vai. Các tình huống được đưa ra không chỉ rất thực tiễn mà còn thú vị, là cơ hội cho những “chuyên gia”, giảng viên vốn hàng ngày luôn tự tin đứng trên bục giảng được thỏa sức phát huy khả năng sáng tạo và tư duy, cùng nhau lan tỏa kinh nghiệm quý giá của mình đến với các đồng nghiệp. Phương pháp này giúp thực hành lý thuyết một cách tự nhiên, giúp sinh viên gắn liền lý thuyết với thực tế và phát triển kỹ năng, tư duy giải quyết vấn đề hiệu quả.
Làm việc nhóm (mô phỏng trò chơi và đóng vai) rất sôi nổi
Là chuyên gia hàng đầu Việt Nam về “Quản trị tinh gọn Made in Vietnam”, với nhiều năm học tập và làm việc tại Nhật Bản, PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh đã chia sẻ về “tâm thế giảng viên” và “Phương pháp học tập dựa theo giải quyết vấn đề”. Với chuyên đề này, PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh đã lan tỏa lòng yêu nghề, niềm vinh dự, tự hào về “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” đến các đồng nghiệp và theo ông, đó là nhân tố quan trọng đầu tiên để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và xã hội.
PGS.TS Nguyễn Đăng Minh chia sẻ vâ tâm thế giảng viên
Kết thúc chương trình, các giảng viên Trường ĐHKT đều bày tỏ sự vui mừng hài lòng khi được tham gia chương trình và mong muốn Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, chia sẻ tương tự. TS. Nguyễn Cẩm Nhung - Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế nói: “Tôi và nhiều đồng nghiệp đã từng có thời gian làm việc và sinh sống ở nước ngoài, đã từng làm ở các doanh nghiệp. Chúng tôi cảm thấy thực sự hữu ích khi tham dự chương trình này, được chia sẻ cùng nhau. Chúng tôi sẽ gắn liền đào tạo với thực tiễn; phương pháp giảng dạy của chúng tôi sẽ hiện đại, tiên phong và khác biệt, nhằm mang đến cho các em sinh viên những cơ hội học tập tốt nhất ngay tại Việt Nam”.
Sau thành công của chương trình, Nhà trường dự kiến sẽ tiếp tục định kỳ sẽ tổ chức các chương trình chia sẻ nội bộ hữu ích về giảng dạy, nghiên cứu, tư vấn nhằm không ngừng đầu tư nâng cao năng lực giảng viên - đội ngũ nòng cốt, đầu tầu dẫn dắt quá trình quốc tế hóa giáo dục mạnh mẽ của Nhà trường.
Với hướng đi tiên phong này, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN mong muốn sẽ là đơn vị đột phá, khác biệt, hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu ứng dụng và đào tạo thực tiễn cho cơ quan quản lý, địa phương và giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu trong quá trình hội nhập.