Với việc mở mới chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị các tổ chức tài chính, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã đón đầu được nhu cầu đào tạo mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và quản trị. Điều này cũng được nhiều chuyên gia, giới nghiên cứu trong ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoan nghênh và đánh giá cao.
Hầu hết tất cả các chuyên gia đều cho rằng việc mở mã ngành đào tạo Thạc sĩ Quản trị các tổ chức tài chính là cần thiết trong bối cảnh hiện nay và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo Trường Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Đây là chương trình thạc sĩ có uy tín do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đào tạo và cấp bằng. Do vậy, Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ BIDV sẵn sàng giới thiệu chương trình đến cán bộ của BIDV và sẽ hỗ trợ địa điểm đào tạo tại trường để tạo thuận lợi cho cán bộ của BIDV theo học chương trình”.
Theo bà Lê Thị Vân Khanh - Phó Giám đốc trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietinbank: “Hiện nay, tuy nhu cầu nhân lực ngành tài chính - ngân hàng không còn cao như trước nhưng nhu cầu về nhân lực cao cấp ngành tài chính - ngân hàng, đặc biệt là những vị trí quản lý hiện nay là rất cao và có xu hướng tăng trong bối cảnh vượt qua khủng hoảng, hướng tới phát triển bền vững của hệ thống tài chính - ngân hàng. Vì vậy, việc mở chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị các tổ chức tài chính sẽ giúp đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay”. Bà cũng cho rằng các cán bộ quản lý tại các định chế tài chính và ngân hàng cần có trình độ thạc sĩ chuyên sâu về quản trị các tổ chức tài chính để vừa nắm được chuyên môn về ngành tài chính, ngân hàng vừa có kỹ năng quản trị tốt.
Cũng tương đồng với quan điểm của bà Khanh, ông Phùng Tuấn Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí PVI cũng cho rằng: “Hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực tài chính - ngân hàng trên thị trường hiện vẫn đang ở vị trí thấp, trong đó tới 66,7% hiện đang làm việc chủ yếu mang tính kinh nghiệm và thực hành, số lượng nhân lực ở vị trí quản lý chỉ chiếm 17,4%. Ở những vị trí quan trọng, cần đến trình độ chuyên môn cao như Giám đốc tài chính (CFO) hay Giám đốc điều hành (CEO), những chuyên gia hoạch định chiến lược, phân tích tài chính thiếu hụt nghiêm trọng. Do vậy, chương trình thạc sĩ Quản trị tổ chức tài chính là rất cấp thiết và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội”.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Vũ Văn Họa đánh giá cao tính thực tiễn của chương trình khi có đến 50% cán bộ giảng dạy chương trình là các chuyên gia thực tiễn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, kế toán kiểm toán. Ông cũng tin tưởng rằng với mô hình quản lý chương trình mang tính thí điểm, tiên phong sẽ góp phần vào sự thành công của chương trình nói riêng và của ĐHQGHN nói chung, trong xu hướng tự chủ đại học.
Về chương trình đào tạo, Bà Phạm Bảo Khánh - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam - DIV đánh giá: “Đây là chương trình rất phù hợp với các ứng viên đang làm quản lý tại các tổ chức tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán... bởi vì chương trình không chỉ cung cấp các kiến thức chuyên môn mà còn mang lại cho người học những kiến thức thực tiễn có tính ứng dụng cao thông qua các đợt thực tập thực tế, các buổi nói chuyện chuyên đề với các chuyên gia giàu kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam và nước ngoài. Đây là một trong những điểm khác biệt của chương trình đào tạo mà tôi đặc biệt quan tâm”.
Bà Nguyễn Nguyệt Anh - chuyên gia cao cấp của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - Một trong các đối tác của Chương trình Thạc sĩ Quản trị tổ chức tài chính nói: “Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là một trong những đối tác quan trọng của IFC. Thời gian tới, IFC sẽ đồng hành cùng Trường Đại học Kinh tế trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo liên quan tới quản trị các tổ chức tài chính và quản trị công ty trong ngân hàng góp phần đưa chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị tổ chức tài chính trở thành một trong những chương trình đào tạo có chất lượng tốt hàng đầu Việt Nam”.