Nếu được hỏi về liệu bằng cấp có là một yếu tố quan trọng trong việc gặt hái nhiều thành công trong công việc? Mỗi người sẽ có những quan điểm riêng, nhưng câu trả lời của anh Bùi Văn Việt, cựu học viên thạc sĩ Kinh tế quốc tế QH 2014 E là: “Bằng cấp sẽ là một thước đo không chỉ về trình độ mà nó còn thể hiện sự bền bỉ, tinh thần ham học hỏi và nhận được đánh giá cao từ các nhà tuyển dụng”.
Bằng cấp liệu có quan trọng đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài?
Với hơn 10 năm làm việc tại các công ty nước ngoài tại Việt Nam như đảm nhận vị trí Sales Manager ngành hàng điều hòa toàn miền Bắc của Panasonic Việt Nam và hiện nay đang đảm nhiệm vị trí Sales Director ngành hàng điều hòa của Tập đoàn Nagakawa, anh Việt chia sẻ việc trang bị kiến thức và kỹ năng với tấm bằng thạc sĩ là rất cần thiết cho công việc hiện tại.
Anh Bùi Văn Việt đã nhiều năm gắn bó và làm việc tại các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài
Chính bởi yếu tố công việc trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế, liên quan nhiều đến xuất khẩu, nhập khẩu, logistics và chuỗi cung ứng, vì vậy, lựa chọn của anh Việt chính là theo học thạc sĩ Kinh tế quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Chia sẻ về lựa chọn Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, anh Việt nhấn mạnh vào một thương hiệu đào tạo uy tín sẽ tạo ra một giá trị bền vững. Đối với những lãnh đạo doanh nghiệp người Nhật Bản khi anh Việt công tác tại Panasonic Việt Nam thì ĐHQGHN vẫn luôn là trường đại học chất lượng, top đầu của Việt Nam và được bạn bè thế giới ghi nhận.
Nâng tầm học vấn – Sự nghiệp thành công
“Change is never easy, but always possible” – Thay đổi không bao giờ là dễ dàng nhưng với hành trang kiến thức, kỹ năng và ý chí, mọi sự thay đổi đều đi đến thành công, đó là chia sẻ của cựu học viên Bùi Văn Việt khi chia tay Panasonic Việt Nam, một trong những doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu Việt Nam để đến với một thử thách mới, đảm nhiệm vị trí Sales Director ngành hàng điều hòa của Tập đoàn Nagakawa.
Với thử thách mới này, anh Việt càng nhận thấy sự đúng đắn của bản thân khi đã hoàn thành việc trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng với tấm bằng thạc sĩ. Trong công việc hiện nay, tính thực tiễn thông qua các môn học như thương mại quốc tế, tài chính và tiền tệ quốc tế, đầu tư quốc tế, kinh tế thế giới hiện đại, công ty xuyên quốc gia: chuyển giao công nghệ và phát triển, chuỗi cung ứng: lý thuyết và ứng dụng, thương mại điện tử… đã mang đến cho anh một nền tảng kiến thức và cái nhìn toàn diện nhất về kinh tế Việt Nam và các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam ra thế giới và ngược lại…
“Dám ước mơ lớn, đừng phí hoài tuổi trẻ” là lời khuyên của cựu học viên Bùi Văn Việt dành cho các UEBer đang mong muốn được làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Bạn cứ hãy ước mơ và trang bị cho mình thật đầy đủ hành trang để chinh phục giấc mơ đó. Tại các công ty nước ngoài, cơ hội luôn rộng mở cho những người tài năng, dám thử thách và hoàn thiện bản thân. Và có lẽ, đối với các bạn trẻ, hành trang kiến thức, kỹ năng thông qua các chương trình đào tạo bậc thạc sĩ là một hướng đi tốt, rất đáng được quan tâm.