Ngày 13/7/2016, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC) 2016 đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú tham gia chủ tọa Diễn đàn nhằm tìm giải pháp để doanh nghiệp trong khu vực này sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Đây là một diễn đàn lớn dành cho các doanh nghiệp (DN) vùng ĐBSCL diễn ra ngay sau ngày tổ chức Hội thảo “Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL” do NHNN chủ trì nhằm bàn thảo về chính sách tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.
Tại Diễn đàn, ông Lê Hùng Dũng – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, dẫn số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, toàn vùng đã thu hút được 79 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 987,42 triệu USD, tăng 38,6% về số dự án và 35,2% về vốn đăng ký. Lũy kế số dự án còn hiệu lực đến ngày 20/6/2016 là 1.248 với tổng số vốn trên 18,9 tỷ USD.
Từ đầu năm đến ngày 15/6, toàn vùng có 3.880 DN đăng ký mới với tổng vốn đăng ký 39.879 tỷ đồng, tăng 9,2% về số DN và 128% về vốn đăng ký. Số DN quay trở lại hoạt động là 1.694 DN, tăng 120% và đứng đầu trong 6 vùng kinh tế cả nước. Đến nay, toàn vùng hiện có khoảng 74.500 DN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký khoảng 605 nghìn tỷ đồng.
Toàn cảnh Hội nghị
Đánh giá chung về môi trường, tiềm năng, triển vọng và cơ hội hợp tác đầu tư vào các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, ông Dũng cho rằng, ĐBSCL là một điểm đến với nhiều cơ hội đầu tư và phát triển cho DN. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh và phân phối trong Vùng còn lỏng lẻo, làm theo phong trào, chưa có những sản phẩm có sự khác biệt và đẳng cấp làm nòng cốt cho tiến trình hội nhập quốc tế. Chẳng hạn như: ĐBSCL đang thừa gạo nhưng loại gạo để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng thì rất khó tìm. Sự liên kết chưa có tính chiến lược, chuyên nghiệp dẫn tới nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu. Nêu khó khăn của vùng ĐBSCL hiện nay, ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm vừa qua, vùng ĐBSCL đã phải hứng chịu hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của đợt hạn hán và xâm nhập mặn, mực nước tại đây thấp nhất trong vòng 90 năm qua, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về các loại nông sản như: lúa, hoa màu và cây ăn trái, khiến cho người nông dân, cũng như DN nông sản vùng ĐBSCL gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu vốn, đặc biệt là nhu cầu vốn trung – dài hạn lớn và thường xuyên đang là áp lực lớn cho các DN khi thực hiện các dự án đầu tư tại vùng; Chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các tỉnh, thành địa phương nhằm phân bổ và tạo ra những sản phẩm thực sự có thế mạnh, các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, hoạt động du lịch thiếu sự đồng bộ và chuyên nghiệp. Theo ông Dũng, mặc dù đã có nhiều tiến bộ, song đa số doanh nghiệp ở ĐBSCL vẫn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, không ít doanh nghiệp siêu nhỏ với sức cạnh tranh còn yếu kém.
Những thay đổi cần thiết
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh nhiều lần về sự cần thiết phải thay đổi tư duy để doanh nghiệp hội nhập thành công. Ông cho biết, thời gian qua các tỉnh vùng ĐBSCL đều có những thay đổi tích cực, tuy nhiên, kết quả đạt được là khác nhau. Có những tỉnh nổi bật như Cần Thơ, Đồng Tháp – là những tỉnh xác định liên kết phát triển quyết liệt, chọn hội nhập, liên kết làm mục tiêu, tạo áp lực và động lực cải cách thể chế và tái cơ cấu, nhưng cũng có những tỉnh còn rất mờ nhạt, chưa thấy rõ xu hướng thay đổi. ĐBSCL được coi là vựa lúa lớn nhất cả nước nhưng chất lượng lúa gạo chưa đồng đều giữa các tỉnh, thành. Tình trạng sản xuất còn manh mún nên rất khó tạo được sản phẩm gạo có khả năng cạnh tranh mạnh trên thị trường khu vực và thế giới.
Về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiện mới có rất ít tỉnh đạt được những tiến vượt bậc về PCI, điển hình là Đồng Tháp. Khu vực ĐBSCL đang bước vào giai đoạn hội nhập mạnh mẽ cần phải có sự thay đổi lớn về cách thức sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực hội nhập. Tình trạng hạn mặn có thể sẽ kéo dài, đang làm giảm đi những yếu tố thuận lợi của khu vực này. Điều này đòi hỏi các địa phương và doanh nghiệp DN phải có chiến lược dài hơi đối với việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Đồng thời, khu vực này cần phải lấy doanh nghiệp làm lực lượng dẫn dắt nông nghiệp để có thể tạo ra các sản phẩm khác biệt và có đẳng cấp cao trên thị trường giúp cho vùng hội nhập mạnh mẽ, vững chắc hơn.
Muốn tồn tại và phát triển, cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, quyết tâm cải cách thủ tục hành chính của chính quyền địa phương, thực hiện cơ chế một cửa đối với việc cấp Giấy phép kinh doanh và sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp thì việc thay đổi tư duy về hội nhập, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Ngành Ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp ĐBSCL
Tại diễn đàn, một số doanh nghiệp đã nêu ý kiến liên quan tới lĩnh vực ngân hàng như vấn đề tín dụng, tỷ giá, lãi suất. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ĐBSCL được xem như là vùng trọng tâm phát triển kinh tế. Trong thời gian qua, ngân hàng đã có nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp cả nước nói chung và doanh nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng.
Trong 3 năm qua, trong số 44 văn bản liên quan tới hoạt động tín dụng nông nghiệp, nông thôn do NHNN ban hành hoặc tham mưu cho Chính phủ ban hành thì có tới 24 văn bản liên quan tới khu vực ĐBSCL.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú (thứ hai từ trái sang) tại Diễn đàn DN vùng ĐBSCL
Bên cạnh đó, NHNN đã kiên trì và quyết liệt trong việc giảm mặt bằng lãi suất cho doanh nghiệp và thông qua việc thiết lập lại kỷ luật thị trường, mặt bằng lãi suất cho vay bằng VNĐ hiện nay phổ biến ở mức 6-9%%/năm đối với ngắn hạn, 9-11%%/năm đối với trung dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay chỉ từ 5-6%/năm. Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay chỉ bằng khoảng 50% giai đoạn 2010-2011 và ngang bằng với mặt bằng lãi suất giai đoạn 2005-2006, phù hợp với mục tiêu lạm phát của Quốc hội và đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Đối với các lĩnh vực ưu tiên, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng “trần” lãi suất cho vay ngắn hạn, hiện chỉ còn 7%, thấp hơn mức lãi suất cho vay các lĩnh vực thông thường khoảng 1-2%/năm; đặc biệt những doanh nghiệp có uy tín và dự án hiệu quả còn được các TCTD cho vay với lãi suất từ 5%-6%/năm.
Về vấn đề tỷ giá, NHNN điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt, phù hợp với diễn biến vĩ mô, đảm bảo duy trì năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước và hỗ trợ xuất khẩu trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy hải sản… ở khu vực ĐBSCL. Từ năm 2016, NHNN bắt đầu công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày với mức biến động nhỏ sẽ không gây sốc cho thị trường cũng như doanh nghiệp. Vừa qua, sau sự kiện Anh rời khỏi EU khiến giá trị của một số đồng ngoại tệ (GPP, EUR) giảm mạnh, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD thêm 28 điểm nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Mặt khác, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu giảm chi phí sản xuất, NHNN đã ban hành Thông tư số 07/2016/TT-NHNN cho phép các doanh nghiệp kéo dài thời gian vay ngoại tệ đến hết ngày 31/12/2016 để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu.
Về giải quyết bài toán vốn, hiện nay vốn huy động tại chỗ ĐBSCL chỉ khoảng 80%, còn lại các là từ địa phương khác và trung ương chuyển về. Trong khi nhu cầu vốn ở khu vực này là rất lớn. Phó Thống đốc khẳng định, phía NHNN đã giải quyết tích cực và các ngân hàng có đủ vốn cho dự án có hiệu quả. Ngành Ngân hàng cũng trăn trở với thực tế dư nợ của ĐBSCL mới chỉ đạt gần 400.000 tỷ đồng, chưa tương xứng với tiềm năng của Vùng, như phản ánh của VCCI. Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung, cân đối nguồn vốn đầu tư tương xứng với tiềm năng thế mạnh của vùng, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho Vùng trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị các doanh nghiệp cần củng cố hoạt động, nâng cao năng lực quản trị, khả năng tài chính để nguồn vốn đầu tư của ngành ngân hàng phát huy hiệu quả.
Nhằm đối phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, trong thời gian tới, NHNN chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn như cơ cấu lại nợ, miễn/giảm lãi vay…theo quy định để khách hàng ổn định cuộc sống và tiếp tục phát triển sản xuất; chỉ đạo các TCTD cân đối nguồn vốn tham gia thực hiện các đề án, dự án và các chương trình phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu trên toàn quốc nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng.
Phó Thống đốc cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 593 về liên kết vùng sẽ mở ra cơ hội lớn hơn cho các tỉnh ĐBSCL, đồng thời cũng là cơ hội để ngân hàng mở rộng qui mô cho vay. Với chương trình cho vay này, Ngân hàng sẽ tạo được dòng tiền tích cực hơn, hiệu quả hơn, dòng tiền tạo sự gắn kết, sự liên kết chặt chẽ.