Trang tin tức sự kiện

Có tiền gửi ngân hàng, chọn kỳ hạn nào để có lợi nhất?

Gửi tiết kiệm là câu chuyện không bao giờ lỗi thời. Bên cạnh vấn đề thương hiệu, uy tín, lãi suất thì một yếu tố nữa người gửi tiền cần quan tâm đó là chọn kỳ hạn.


Không thể phủ nhận rằng, gửi tiền tiết kiệm là chủ đề luôn nóng và không bao giờ bị lỗi thời. Với ngân hàng, nguồn tiền gửi từ doanh nghiệp và dân cư là nguồn đầu vào chủ yếu phục vụ cho hoạt động kinh doanh lấy lãi của họ, cũng là yếu tố quyết định tới sự sống còn của các nhà băng.

Theo số liệu thống kê, tổng lượng tiền gửi vào hệ thống và các công ty tài chính hiện tới hơn 7 triệu tỷ đồng, trong đó tiền gửi của dân cư chiếm hơn 60% tương đương trên 4,2 triệu tỷ đồng - một con số khổng lồ.

Và với hơn 30 ngân hàng thương mại cổ phần, gần chục ngân hàng 100% vốn nước ngoài, vài chục chi nhánh ngân hàng nước ngoài, rồi còn ngân hàng hợp tác xã...tổng cộng mạng lưới tới vài chục nghìn điểm giao dịch khắp cả nước, song song đó là hoạt động ngân hàng điện tử, đang giúp cho người dân tiếp cận với dịch vụ tài chính nói chung và gửi tiền nói riêng một cách thuận lợi hơn bao giờ hết.

Nhưng để lựa chọn ngân hàng gửi gắm tài sản đầu tư cũng như cất trữ vẫn khiến nhiều người đau đầu. Theo các chuyên gia trong ngành, người dân phổ biến vẫn ưu tiên thương hiệu ngân hàng, lãi suất và địa điểm (gần với nơi họ làm việc hoặc sinh sống) khi quyết định chọn nơi gửi tiền.

Bên cạnh đó, lựa chọn kỳ hạn sao cho có lợi nhất cũng là điều vô cùng quan trọng nhưng nhiều người gửi tiền dường như chưa bận tâm điều này. Theo chuyên gia, lựa chọn kỳ hạn phù hợp, trong nhiều trường hợp sẽ có lợi hơn rất nhiều so với mức lãi suất cao.

Vậy chọn kỳ hạn thế nào cho phù hợp?

Đầu tiên, việc lựa chọn kỳ hạn là phải dựa vào nhu cầu sử dụng số tiền mang đi gửi. Chẳng hạn trong vòng 5 tháng tới đây có việc cần dùng đến tiền thì nên chọn kỳ hạn 1 tháng để gửi. Vì sao lại 1 tháng mà không phải 3 tháng? Vì ở các ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất 1 tháng đến 5 tháng ở mức tương đương nhau, phổ biến từ 4,8 - 5,5%/năm, cá biệt có vài ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank lãi suất thấp hơn với chỉ 4,1% - 4,3%/năm. Khi gửi tiền 1 tháng thì cũng linh hoạt được thời gian rút tiền cũng như thay đổi số tiền gửi nếu cần thiết mà không ảnh hưởng đến tiền lãi. Một số ngân hàng đang có lãi kỳ hạn ngắn hấp dẫn, mạng lưới giao dịch rộng lớn có thể tham khảo như là VIB, Sacombank, HDBank, SHB, Maritime Bank...

Nhưng nếu có thể chắc chắn được rằng trong vòng 6-7 tháng tới không có việc dùng đến tiền thì nên chọn gửi kỳ hạn 6 tháng, vì lãi suất kỳ hạn này cao hơn hẳn so với các kỳ hạn ngắn hơn, lãi suất nhiều ngân hàng phổ biến trên 6%, có nơi lên đến 6,5 - 6,7%/năm, thậm chí là hơn 7%. Và từ kỳ hạn 6 tháng trở đi, nhiều ngân hàng còn có chính sách cộng thêm lãi suất để khuyến khích người gửi tiền.

Còn nếu trong vòng 1 năm tới không có kế hoạch gì thì tiền gửi kỳ hạn 1 năm là tối ưu nhất vì lãi suất kỳ hạn này thường hấp dẫn nhất, hiện phổ biến từ 6,8 - 7,4%/năm, thậm chí có các ngân hàng nhỏ lãi suất còn hơn 8%/năm.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng có dịch vụ gửi tiền online với dịch vụ ngân hàng điện tử rất dễ sử dụng, một số ngân hàng có ứng dụng riêng cho phép gửi tiết kiệm online ngay trên điện thoại di động lại có lãi suất cao hơn 0,1% so với gửi tiết kiệm tại quầy cũng là cách mà người gửi tiền nên tham khảo để hưởng lãi cao hơn, sau khi đã lựa chọn được kỳ hạn phù hợp, chẳng hạn MyVIB của ngân hàng VIB, F@stmobile của Techcombank...

Và một điều quan trọng là sau khi lựa chọn được ngân hàng, kỳ hạn và gửi tiền, người gửi nhớ sử dụng các dịch vụ như là tin nhắn báo biến động số dư hoặc tạo thói quen thi thoảng vào website của các ngân hàng để kiểm tra tình trạng của sổ tiết kiệm nhằm tránh lo lắng về tiền gửi sau các sự cố ngoài mong muốn như từng xảy ra ở một vài ngân hàng gần đây.

Ngọc Toàn

Theo Trí thức trẻ


Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành