Đây là chủ đề tọa đàm do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức ngày 31/5/2020 dành tặng riêng cho phụ huynh và học sinh lớp 10 chuyên Tin Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Tham dự tọa đàm có đông đảo phụ huynh và học sinh khối 10 chuyên Tin Trường THPT chuyên Amsterdam. Về phía Trường ĐHKT có Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng, các giảng viên trẻ và sinh viên thuộc Câu lạc bộ âm nhạc SOS của trường.
Mở đầu chương trình là các tiết mục âm nhạc do sinh viên Trường ĐHKT thể hiện, sau đó là phần chơi team building giữa sinh viên ĐHKT, phụ huynh và học sinh Trường THPT Amsterdam. Màn chơi team building sôi động đã tạo ra sự gắn kết hơn giữa mọi người, đặc biệt giữa học sinh với sinh viên, học sinh với học sinh và học sinh với phụ huynh.
Đại diện Trường ĐHKT - ĐHQGHN và các học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam tham gia chương trình
Phần team building sôi động đã thu
hút sự tham gia nhiệt tình của không chỉ học sinh, sinh viên mà cả phụ
huynh và các khách mời của chương trình Ban tổ chức trao thưởng cho các đội đạt giải phần team building
Tiếp theo là phần giới thiệu các chương trình đào tạo trong nước tại ĐHKT của ThS. Nguyễn Thị Thư - Trưởng phòng Tuyển sinh và phần chia sẻ về chương trình đào tạo quốc tế, du học tại chỗ của PGS.TS Nguyễn Việt Khôi - Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Đào tạo quốc tế. Tuy mới học lớp 10, nhưng cũng đã có một số học sinh tìm hiểu về tuyển sinh đại học cũng như một số chương trình đào tạo tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
Phần quan trọng nhất của chương trình chính là tọa đàm “Chưa một lần đau sao là tuổi trẻ” với sự tham gia của ThS. Hoàng Trọng Trường - giảng viên trẻ của ĐHKT từng học thạc sĩ tại Anh Quốc; TS. Đặng Thảo Quyên - giảng viên ĐHKT có 8 năm ở Úc; anh Tô Tuấn Dũng - du học sinh Canada, cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Anh Hoàng Trọng Trường chia sẻ “Những năm học ở Anh Quốc mọi thứ đều phải tự lập, nhớ nhà, nhớ gia đình nhưng bắt buộc phải vượt qua. Rồi phải tìm việc làm thêm để có tiền trang trải chi phí, phải đi học đều và không có những chuyện như chép bài hay đạo văn, gian lận có thể bị trả về nước. Tuy vậy, nếu vượt qua được thì bạn sẽ trưởng thành hơn rất nhiều”.
Còn với chị Thảo Quyên, người có 8 năm sống ở Úc thì "Du học không phải là một màu hồng như chúng ta thường nghĩ, tuy ở nước ngoài điều kiện vật chất cao hơn nhưng đồng nghĩa với việc bạn phải cố gắng hơn. Hiện nay, xu hướng du học tại chỗ đang nở rộ vì tiết kiệm chi phí, đồng thời chất lượng được đảm bảo và không phải xa gia đình”.
Anh Tô Tuấn Dũng thì đưa ra lời khuyên với học sinh trường chuyên Tin rằng “việc chơi game hay đam mê thứ khác ngoài học hành là khó tránh khỏi, tuy vậy khác biệt giữa con nghiện game và người chơi là cách sắp xếp thời gian và có chừng mực. “Hãy nghĩ đến việc kiếm học bổng chứ đừng ỷ lại vào bố mẹ, hãy nghĩ đến học ba bốn thứ chứ đừng nghĩ học một thứ, nếu đã xác định đi du học thì phải tìm hiểu ngay từ bây giờ từ văn hóa, cách đi lại, ứng xử, ăn ở… chứ đến gần lúc đi mới tìm hiểu thì rất dễ sốc văn hóa”.
Tọa đàm thực sự đã làm rõ được nhiều góc khuất chính trong những người đã vượt qua khó khăn tại nước ngoài, du học rất tốt nhưng đồng nghĩa với sự cố gắng, đặc biệt là “sẽ đau” chứ không hề hoàn toàn màu hồng như nhiều người vẫn nghĩ.
Một phụ huynh dự tọa đàm cho biết: “Bước vào học lớp 10, các con mạnh dạn hơn và có định hướng cho tương lai. Khi được mời tham dự tọa đàm tại ĐHKT, các con rất hào hứng và có tìm hiểu trước về trường trên website và facebook. ĐHKT có môi trường hiện đại, quốc tế không hề thua kém gì các trường ở nước ngoài. Chúng tôi đang nghiên cứu và tìm hiểu thêm về trường và mong muốn trong tương lai trường sẽ tổ chức thêm nhiều tọa đàm như thế này để các con có thêm định hướng nghề nghiệp."
Chị Lâm chia sẻ “Hôm nay, ĐHKT tổ chức một tọa đàm rất ý nghĩa. Trước đây và cả bây giờ tôi khá đau đầu vê định hướng học tập của con, khi tới đây, được thấy cựu học sinh trường Amsterdam chia sẻ về quá trình học tập tôi mới giải quyết được một số khúc mắc như “du học tại chỗ, tại sao không? Học tập môi trường quốc tế ngay trong nước, để con tự chọn ngành học không liên quan đến ngành nghề bố mẹ”. Ngoài ra, tôi thấy cơ sở vật chất của ĐHKT rất khác với các trường khác, tuy không quá quy mô nhưng hiện đại, mang phong cách Châu Âu, đôi lúc lại thấy giống trong khách sạn”.
Tọa đàm kết thúc bằng việc phụ huynh và học sinh trường THPT chuyên Amsterdam Hà Nội đi tham quan trường, thăm các phòng học nhỏ xinh và không gian sống xanh tại trường. Đây là một trải nghiệm vô cùng lý thú với học sinh trung học phổ thông, các em có cái nhìn tổng thể về tuyển sinh đại học, vun đắp chắc chắn hơn cho ước mơ của mình.
Một số hình ảnh khác tại chương trình: Phụ huynh và học sinh tham quan cơ sở vật chất của Nhà trường Thông tin tuyển sinh đại học năm 2020 Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
Mã trường: QHE Phương thức xét tuyển: - Xét tuyển kết quả bài thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - Xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp 2 môn thi THPT - Xét tuyển kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT và ACT - Xét tuyển chứng chỉ A-level - Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo và ĐHQGHN
Các ngành tuyển sinh: - Quản trị Kinh doanh (QHE 40) - Tài chính - Ngân hàng (QHE 41) - Kế toán (QHE 42) - Kinh tế quốc tế (QHE 43) - Kinh tế (QHE 44) - Kinh tế phát triển (QHE 45)
Thông tin liên hệ tư vấn: - Facebook: www.facebook.com/ueb.edu.vn - Website: ueb.edu.vn & tuyensinhdaihoc.ueb.edu.vn - Hotline: 0913.486.773 - Email: tuyensinhdaihoc_dhkt@vnu.edu.vn
|