Trang tin tức sự kiện

GS. John Quelch: Có nhiều cách để vượt qua thời kỳ suy thoái

Đó là khẳng định của GS. John Quelch, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Quốc tế Châu Âu - Trung Quốc, Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard, người được mệnh danh là "thầy phù thủy marketing và thương hiệu” tại buổi tọa đàm “Chiến lược marketing trong thời kỳ suy thoái” diễn ra vào sáng nay, 29/3/2011 tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN.


Đến dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo điện tử Vietnamnet, TS. Quách Mạnh Hào, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long, cán bộ, giảng viên nhà trường cùng đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này.


PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cao buổi thuyết giảng của GS. John Quelch và coi đây là cơ hội được học hỏi của cán bộ, giảng viên nhà trường
Phát biểu tại buổi hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT khẳng định, đây là cơ hội để các giảng viên, sinh viên cùng đại biểu được trao đổi, đối thoại với một chuyên gia, một nhà hoạch định chiến lược, đồng thời là một giáo sư kinh tế xuất sắc của thế giới, góp phần giúp cho mọi người nắm bắt được những tư tưởng, định hướng mới về quản trị kinh doanh, đặc biệt là quản trị marketing dưới nhiều góc cạnh khác nhau.
Trò chuyện với lãnh đạo, giảng viên, cán bộ và sinh viên của Trường ĐHKT - ĐHQGHN, GS. John Quelch tập trung vào hai vấn đề “Chiến lược marketing trong thời kỳ suy thoái” và “khách hàng thế kỷ 21”. Đây không chỉ là vấn đề đáng quan tâm của các doanh nghiệp mà còn vô cùng hữu ích đối với các sinh viên đang theo học các chuyên ngành về kinh tế tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN.

GS. John Quelch đặc biệt thu hút giới truyền thông bởi những thông tin đặc biệt về marketing

Trong phần diễn thuyết và thảo luận buổi sáng, GS. John Quelch tập trung vào đề tài “Chiến lược marketing trong thời kỳ suy thoái”. GS. John Quelch đã đưa ra những nhận định về sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng trong thời kỳ suy thoái. Theo ông, những thay đổi mang tính dè dặt, cân nhắc hơn của họ đem lại nhiều bài học và cần có những nghiên cứu mới cho các doanh nghiệp để thu hút người tiêu dùng. Ngược lại, chính phía doanh nghiệp cũng phải có những cân nhắc về các khoản chi tiêu hợp lý và không hợp lý đồng thời đưa ra các chiến lược về tiền, quản lý, chia sẻ thị phần, tìm thị trường tiềm năng… GS. John Quelch nhấn mạnh, điều doanh nghiệp cần chú ý là cần phải đặt chính mình vào vị trí của người tiêu dùng, từ đó để hiểu người tiêu dùng hơn. Doanh nghiệp cũng đừng quá sợ suy thoái mà hãy coi đó là cơ hội để cải tổ và phát triển mạnh hơn. Tất nhiên sau đó, doanh nghiệp cũng phải sẵn sàng cho quá trình hồi phục kinh tế.

Theo GS. John Quelch trong thời điểm hiện tại, có rất nhiều ví dụ sinh động cho thấy, các doanh nghiệp đã ứng phó thế nào với thời kỳ suy thoái. Khủng hoảng động đất, sóng thần tại Nhật Bản là bằng chứng mới nhất cho thấy, một đất nước có nền kinh tế vững mạnh hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng tồi tệ bất cứ lúc nào. Nhưng điều quan trọng là cách họ xử lý khủng hoảng đó. Người dân Nhật Bản rất tuyệt vời khi đã đồng cam cộng khổ đối mặt với những khó khăn trước mắt và khẩn trương khắc phục cơ sở hạ tầng, khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, họ vẫn chưa làm được nhiều điều đáng phải làm.
Ví dụ cụ thể, thảm họa khiến nhiều thành phố ven biển Nhật Bản bị phá hủy hoàn toàn, nhưng nhiều nơi khác không bị tác động nhiều. Ở đó mọi công việc vẫn có thể diễn ra bình thường. Đáng nhẽ Chính phủ Nhật Bản cần phải có những tuyên bố “chúng tôi vẫn có những nơi an toàn”, đẩy mạnh việc kêu gọi đối tác tiếp tục đầu tư, sản xuất tại những nơi không bị ảnh hưởng. Nhưng thực tế, nhiều nơi như vậy không nhận được sự đầu tư đáng ra cần phải duy trì, thậm chí, nhiều nước tuyên bố không nhập các sản phẩm có nguồn gốc từ Nhật Bản để tránh nguy cơ hàng hóa nhiễm phóng xạ.
GS. John Quelch cho rằng có 4 phân đoạn khách hàng bao gồm: Những người cực kỳ khó khăn, khó khăn vừa phải, tương đối khá giả và những người sống hưởng thụ. Trong thời kỳ suy thoái, hành vi tiêu dùng của 4 phân đoạn khách hàng này sẽ có thay đổi. Đơn cử, một người có mức sống khá giả sẽ rất phân vân khi định sắm một chiếc xe mới trong khi người hàng xóm đang rơi vào cảnh cực kỳ khó khăn. Bài học của Nhật Bản chính là tìm kiếm những mặt hàng phù hợp với sức tiêu dùng của người dân trong thời điểm hiện tại. Và câu hỏi đặt ra là khi nào họ trở lại thói quen tiêu dùng như trước đây. Điều đó dẫn đến một câu hỏi khác, các mặt hàng thế nào là phù hợp với tình thế hiện tại. Ông cho rằng, đó là những mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng thỏa mãn một cách tương đối, những mặt hàng xa xỉ nhưng có sự hỗ trợ bằng những hình thức như trả góp, giảm giá thành…
GS. John Quelch cho biết, tại Mỹ, khi đất nước này gặp phải những thảm họa tương tự, chắc chắn sẽ có một thành viên cao cấp của Chính phủ đứng ra kêu gọi người dân, các doanh nghiệp nỗ lực sản xuất, bù đắp lại những mất mát. Đó là một trong những cách để kích thích các doanh nghiệp tìm kiếm lối thoát trong khủng hoảng, lôi kéo người tiêu dùng tìm đến các mặt hàng phù hợp, những người không bị hoặc ít bị ảnh hưởng bởi thảm họa không mất đi thói quen tiêu dùng…

PGS.TS Đỗ Đức Định - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (thuộc Viện Khoa học Xã hội VN) đặt câu hỏi và trao đổi với GS. John Quelch

Trong phần thảo luận và trả lời các câu hỏi về “Chiến lược marketing trong thời kỳ suy thoái”, GS. John Quelch đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giảng viên Trường ĐHKT , các nhà nghiên cứu và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, mua bán ô tô, nhà đất… Các câu hỏi tập trung và các vấn đề thu hút người tiêu dùng trong thời kỳ suy thoái, marketing thế nào là phù hợp trong gian đoạn suy thoái, phân tích tâm lý khách hàng, chính sách giá sản phẩm, cắt giảm nhân lực…
Trả lời các câu hỏi đặt ra, GS. John Quelch cho rằng, tùy theo mặt hàng, khách hàng, doanh nghiệp, đất nước… sẽ có những chiến lược riêng phù hợp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tỏ ra sai lầm khi cứ gặp khủng hoảng là hạ giá. Đó không hẳn là chiến lược hay khi mà họ hoàn toàn có thể đưa ra các sản phẩm mới với giá cả phù hợp hơn. Tương tự như vậy, nhiều doanh nghiệp khi rơi vào thời kỳ khó khăn vội vàng cắt giảm nhân lực. Theo GS. John Quelch thì nên giảm số nhân công làm toàn thời gian, tăng cường nhân công làm bán thời gian. Khi qua thời kỳ khó khăn, doanh nghiệp nên quay lại với số nhân lực được cho là hợp lý trước đó. Liên quan đến vấn đề marketing, GS. John Quelch cho rằng, có một số doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng xa xỉ nghĩ rằng cứ đầu tư nhiều tiền vào marketing là tốt nhưng họ lại quên mất liên kết hoặc tham gia các tổ chức, hiệp hội. Trong thời kỳ suy thoái, những mặt hàng này sẽ gặp nhiều khó khăn. Các hiệp hội, tổ chức ngành nghề là phương thức quan trọng thúc đẩy quá trình tiêu dùng. Họ có nhiều biện pháp như gặp gỡ, tác động đến Chính phủ, liên kết các doanh nghiệp, hỗ trợ giá. Tuy nhiên, cũng tùy theo hoàn cảnh từng nước, nhiều hiệp hội hoạt động không hiệu quả. Vì vậy các doanh doanh nghiệp đành phải tìm cách khác như cải tiến mẫu mã, ra sản phẩm mới phù hợp với tiêu dùng, hỗ trợ giá, trả góp…

PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn tặng GS. John Quelch món quà lưu niệm nhân dịp ông thăm và làm việc tại Trường ĐHKT

Nói về sự kiện mời GS. John Quelch diễn thuyết tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn khẳng định: "Sự có mặt của GS. John Quelch tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN, các đối tác và các quý vị đại biểu ngày hôm nay đang góp phần xây dựng hình ảnh Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nói riêng thành một điểm đến của tri thức thế giới."


GS. TSKH Mai Trọng Nhuận trao bằng Tiến sĩ danh dự cho GS. John Quelch

Nhằm tôn vinh những đóng góp của GS. John Quelch đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như đối với sự hợp tác tốt đẹp về giáo dục đối với ĐHQGHN nói riêng, chiều cùng ngày, đại diện Ban Giám đốc ĐHQGHN đã trao bằng Tiến sĩ danh dự cho GS. John Quelch. Nói về sự kiện này, GS. TSKH. Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐHQGHN khẳng định: “Đây là sự ghi nhận những thành tựu xuất sắc của GS. John Quelch trong hoạt động khoa học cũng như những đóng góp quý báu cho sự phát triển các mối quan hệ hợp tác và hữu nghị với Việt Nam".


GS. John Quelch chụp ảnh chung với giảng viên và cán bộ Trường ĐHKT

Sự kiện do Báo điện tử Vietnamnet phối hợp tổ chức; Công ty cổ phần chứng khoán Thăng Long tài trợ; và Kênh truyền hình InfoTV bảo trợ thông tin.

Trước chuỗi sự kiện GS. John Quelch, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cũng đã mời nhiều học giả, quan chức nổi tiếng thế giới đến diễn thuyết, trao đổi học thuật tại nhà trường. Có thể kể đến như GS. Tom Cannon chiến lược gia hàng đầu thế giới, cha đẻ của những ý tưởng và giải pháp vượt qua khủnsg hoảng; GS.TS. Susan Schwab - nguyên Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ, Cựu Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tổ chức Hệ thống Đại học Maryland (Hoa Kỳ); Ngoại trưởng New Zealand Hon Murray McCully…

TIN LIÊN QUAN:


M.T

Tag:


Các tin khác
Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành