Ngày 23/11/2018, Hội thảo Quốc tế về Kế toán, Kiểm toán và Tài chính (ICFAA 2018) lần thứ nhất với chủ đề: “Kế toán, kiểm toán và tài chính trong thời đại số” đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (National Economics University – NEU) với sự tham dự của đông đảo các giảng viên, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, và diễn giả uy tín đến từ nhiều quốc gia có nền kinh tế và giáo dục hàng đầu thế giới.
Hội thảo lần này được NEU phối hợp với Viện Kế toán tại Anh và xứ Wales (ICAEW, Vương quốc Anh) và Đại học Cardiff Metropolitan (Vương quốc Anh) đồng tổ chức.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tin rằng Hội thảo này sẽ mang đến nhiều thông tin bổ ích thông qua các bài trình bày của các diễn giả, các chuyên gia và là cơ hội để các nhà khoa học trao đổi thông tin, ý tưởng với nhau.
GS.TS Trần Thọ Đạt phát biểu khai mạc Hội thảo
Trong tất cả các công trình gửi đến Hội thảo, có 69 công trình được chấp nhận đưa vào kỷ yếu, trong đó 16 công trình được chọn để báo cáo tại Hội thảo được chia thành 4 phiên: kế toán tài chính, kế toán quản trị, kiểm toán và tài chính. Các công trình được chấp nhận sẽ có cơ hội xuất bản trong các tạp chí: Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Nghiên cứu kế toán và tài chính (AFR), Tạp chí Nghiên cứu Tài chính và Kế toán, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, Thế giới kinh tế.
PGS.TS Wang Jiwei thảo luận về Cuộc cách mạng của giáo dục kế toán
Thành viên nhóm nghiên cứu thuyết trình về đề tài của PGS.TS Trần Thị Thanh Tú: “Các nhân tố ảnh hưởng đến khoản phải thu và tác động của nó đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam”
Trong hội thảo lần này, khoa Tài chính – Ngân hàng của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia, Hà Nội (University of Economics and Business, Vietnam National University – UEB, VNU) vinh dự có nhiều đề tài nghiên cứu đóng góp, nổi bật là bài nghiên cứu “Các nhân tố ảnh hưởng đến khoản phải thu và tác động của nó đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam” thuộc khuôn khổ đề tài Nhà nước “Luận cứ khoa học cho việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam” do nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Thị Thanh Tú thực hiện. Đây là một trong những đề tài được ban tổ chức cũng như là ủy ban khoa học của hội thảo ICFAA 2018 đánh giá là mang tính đột phá cao và tính áp dụng thực tiễn xuất sắc.
Cụ thể hơn, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng nhân tố mới dự phòng phải thu khó đòi có tác động mạnh nhất và cùng chiều với khoản phải thu khách hàng. Nghĩa là khi dự phòng phải thu khó đòi tăng cao, sẽ làm lợi nhuận bị sụt giảm nên để tăng doanh thu thì các doanh nghiệp phải khuyến khích khách hàng mua hàng hóa thông qua việc cấp thêm tín dụng thương mại cho khách hàng. Đồng thời, nghiên cứu còn cho thấy mối quan hệ giữa khoản phải thu khách hàng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là phi tuyến. Điều này ngụ ý rằng việc gia tăng khoản phải thu sẽ làm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tăng, đến một mức phải thu nhất định thì càng tăng khoản phải thu sẽ làm hiệu quả hoạt động doanh nghiệp giảm. Tỷ lệ khoản phải thu trên tổng tài sản tại điểm hiệu quả hoạt động doanh nghiệp đảo chiều tính là tỷ lệ khoản phải thu trên tổng tài sản tối ưu mà là hiệu quả hoạt động doanh nghiệp được tối đa hóa. Hàm ý trong nghiên cứu đối với những nhà nghiên cứu và nhà quản lý doanh nghiệp đó là việc quản lý chính sách tín dụng thương mại rất quan trọng đối với hoạt động doanh nghiệp nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động thông qua sức sinh lời tài sản và sức sinh lời vốn chủ sở hữu. Các doanh nghiệp cần cố gắng đảm bảo mức phải thu khách hàng tối ưu để hiệu quả hoạt động doanh nghiệp là lớn nhất. Đối với thị trường Việt Nam thì tỷ lệ phải thu khách hàng tối ưu trung bình toàn ngành là khoảng 25% tổng tài sản.
Để tiếp nối thành công của đề tài nghiên cứu tại ICFAA lần này, rong thời gian tới, khoa Tài chính – Ngân hàng sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa ra những đề tài nghiên cứu có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của ngành tài chính nói riêng và nền kinh tế, giáo dục Việt Nam nói chung.
Trần Thị Diệu Hường - Trần Minh Anh