Được sự tài trợ của Chính phủ Australia thông qua Quỹ hỗ trợ Cựu sinh viên do Chương trình Aus4Skills quản lý, nhóm Nghiên cứu của Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia đã thực hiện Dự án “Trao quyền cho phụ nữ trong quản trị doanh nghiệp – Nghiên cứu so sánh giữa Úc và Việt Nam” với một số mục tiêu tổng thể bao gồm (i) So sánh toàn diện việc trao quyền cho phụ nữ ở Úc và Việt Nam; (ii) Tìm ra các thực tiễn tốt nhất từ Úc và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; và (iii) Xác định một số hàm ý chính sách và đưa ra các đề xuất để cải thiện việc trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam.
Mở đầu chương trình, PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã chia sẻ về tính cần thiết của Dự án, trong xã hội hiện nay đang hướng tới sự công bằng giữa nam và nữ, mọi người đều có những cái nhìn về Bình đẳng giới. Bà cũng chia sẻ thêm, hiện nay ĐHKT-ĐHQGHN là đơn vị đứng đầu cả nước về các bài nghiên cứu giúp ích cho xã hội phát triển, Dự án này cũng là một trong những nghiên cứu tiên phong về vấn đề “Trao quyền cho phụ nữ”
Sau đó, đại diện của Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), đơn vị được thành lập dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Giám đốc Điều hành, ông Nguyễn Viết Thịnh đã có đôi lời trình bày với các chuyên gia, diễn giả. Viện Thành viên Hội đồng Quản trị VN đã đóng góp một phần rất quan trọng trong dự án có thể kể đến hỗ trợ đào tạo và hỗ trợ tư vấn,.. để dự án có kết quả nghiên cứu thành công.
Tiếp theo, đại diện nhóm nghiên cứu là PGS.TS Trần Thị Thanh Tú đã trình bày về kết quả cuối cùng của Dự án, các mục tiêu và vấn đề tài chính liên quan đến dự án. Trong quá trình thực hiện Dự án, nhiều hoạt động đã được triển khai, nổi bật nhất là một số hoạt động như (i) Xây dựng tài liệu đào tạo cho nữ doanh nhân về “Nâng cao năng lực quản trị tài chính kế toán”; (ii) Tổ chức 3 khóa đào tạo về “Nâng cao năng lực quản trị tài chính kế toán cho lãnh đạo nữ” tại 3 tỉnh Thanh Hóa, Hưng Yên và Lạng Sơn cho nữ doanh nhân và lãnh đạo DNVVN; (iii) Nghiên cứu 6 tình huống điển hình về nữ doanh nhân thành đạt tại 3 tỉnh nói trên; (iv) Chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm về trao quyền cho phụ nữ tại Úc thông qua các phỏng vấn sâu và tọa đàm; và (v) Đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường trao quyền cho phụ nữ trong quản trị công ty tại Việt Nam. Dự án có tính bền vững nổi bật đã được PSG. TS Trần Thị Thanh Tú chia sẻ thêm, sau mỗi khóa đào tạo, nhóm nghiên cứu chuyển giao toàn bộ tài liệu đào tạo cho Hội Phụ nữ và Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các tỉnh Hưng Yên, Thanh Hóa và Lạng Sơn. Bên cạnh đó nhóm nghiên cứu và các hiệp hội cũng đã xây dưng được một mạng lưới tư vấn đào tạo, giữa 2 bên có thể hỗ trợ nhau. Và toàn bộ các thông tin về dự án và tài liệu đào tạo đều được đăng tải công khai trên các website của Trường ĐHKT-ĐHQGHN, website các Khoa Tài chính Ngân hàng và Khoa Kế toán Kiểm toán,…
Tiếp tục chương trình, TS Nguyễn Thị Hồng Thúy cũng đã trình bày thêm về những kỷ niệm, những khó khăn khi tham gia nghiên cứu dự án này. Nhưng nhìn chung, nghiên cứu này cũng chỉ ra những nhân tố ảnh hưởng thành công được tựu chung thành 3 nhóm:
(i) Văn hóa: So với Việt Nam, nhận thức của nam giới tạo Úc về trao quyền cho phụ nữ rất rõ ràng; nam giới nhận thức rõ những điểm bất lợi của phụ nữ trong quá trình phải thực hiện các thiên chức của phụ nữ nên sẵn sàng chia sẻ công việc với phụ nữ tại gia đình. Tỷ lệ nam giới sẵn sàng vào bếp nấu nướng và làm việc nhà cao hơn nhiều so với các nước châu Á. Bên cạnh đó, văn hóa phương tây cũng luôn đặt trách nhiệm của người đàn ông trong việc giúp đỡ những người yếu thế hơn. Đồng thời, tính độc lập của phụ nữ phương Tây nói chung, phụ nữ Australia nói riêng cao hơn phụ nữ Châu Á và họ cho rằng không có rào cản cho phụ nữ trong công việc.
(ii) Giáo dục: từ gia đình, và từ nhà trường
(iii) Sự ủng hộ từ các cơ quan nhà nước với các động thái mạnh mẽ: Thành lập Câu lạc bộ 30%, coi tỷ lệ 30% nữ trong HĐQT là một mục tiêu đặt ra, hay năm 2017, Hội đồng các nhà đầu tư hưu trí Úc (ACSI) đã thông qua chính sách bầu chọn mới lựa chọn phụ nữ trong HĐQT.
Bên cạnh đó, tọa đàm cũng có sự góp mặt của TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh, giảng viên của Viện Báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền, cũng là một chuyên gia cống hiến hết sức mình cho Quyền của Phụ nữ, về Bình đẳng giới không chỉ nam và nữ, mà còn cả cộng đồng LGBT. Bà Minh cũng có một bài trình bày về Bình đẳng giới và trong nền kinh tế, đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người tham gia tọa đàm về vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện nay.
Phần cuối cùng của Tọa đàm là cuộc thảo luận về vấn đề “Trao quyền cho phụ nữ hiện nay tại Việt Nam”, có nên hay không những việc đàn ông và phụ nữ với những cơ hội việc làm ngang nhau, những vị trí trong xã hội ngang nhau,… Phần thảo luận này diễn ra khá sôi nổi, với sự tham gia của các đơn vị như Học viện Phụ nữ, Viện Kinh tế chính trị Trung Ương, ThS Trần Bình Minh cũng đã nêu những quan điểm của cá nhân mình.
Các diễn giả tham dự Hội thảo cũng nhấn mạnh về tính bền vững của Dự án khi đã thực hiện chuyển giao tài liệu đào tạo cho Hội Phụ nữ và Hội DN vừa và nhỏ tại các tỉnh hưng Yên, Thanh Hóa, Lạng Sơn; đồng thời xây dựng được một mạng lưới tư vấn đào tạo với các Hiệp hội này. Mong rằng thông qua các Nghiên cứu như thế này, xã hội sẽ nhận ra tầm quan trọng của phụ nữ cũng như loại bỏ những rào cản, cản trở khiến người phụ nữ hiện đại không dám dấn thân và phát triển bản thân mình, giúp xã hội ngày càng phát triển