Đó là biệt danh mà các giảng viên, đồng nghiệp yêu mến gọi 3 giảng viên của Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN: TS. Đinh Thị Thanh Vân, TS. Hoàng Thị Bảo Thoa, TS. Trịnh Thị Phan Lan, thành viên của Mạng lưới Tài chính cá nhân Việt Nam.
Lý do có tên gọi này vì 3 giảng viên đã cùng nhau trăn trở và tạo ra 2 trò chơi board game, sử dụng làm công cụ trong hoạt động giảng dạy các khoá học ở bậc cử nhân, cao học và các khoá đào tạo ngắn hạn cho người đi làm và trẻ em về Tài chính cá nhân tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.
3 "giảng viên ham chơi" của Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN
Giáo dục người học nếu chỉ theo hướng tiếp cận cũ, sinh viên chỉ được NGHE mà không được LÀM. Điều này dẫn đến năng lực người học yếu kém, đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội. Dự án xây dựng game mô phỏng là một chương trình nằm trong chuỗi hoạt động đào tạo của Mạng lưới TCCN Việt Nam, xuất phát từ chính những khó khăn, thực tế phát sinh trong khi đi đào tạo cho sinh viên và trẻ em về tài chính cá nhân. Sinh viên thường trở nên thụ động và chán nản với 15 tuần học dài và các bé thì càng không có kiên nhẫn để ngồi lâu nghe các thầy cô giảng dạy. Các lớp học giảng dạy về tài chính cá nhân chưa thực sự hiệu quả, giúp tăng cường kỹ năng quản lý tài chính của người học. Giảng viên khó minh hoạ thực tiễn các quyết định quản lý tài chính trong gia đình có ảnh hưởng tới tương lai ra sao.
Với những trăn trở này, 3 giảng viên trong Nhóm đã bỏ thời gian 1 tuần 3 buổi sáng gặp nhau tại văn phòng, kiên trì trong gần 6 tháng để cho ra đời 2 trò chơi board game mô phỏng các hoạt động tài chính của gia đình. Có những buổi cả 3 quên cả ăn trưa, nhưng không hề thấy mệt mỏi để thực hiện một ý tưởng mới phát sinh. Rất nhiều bản phác thảo và lần sửa chữa để ra được các bản game cuối cùng sử dụng cho lớp học. Nhóm cũng tự trả tiền thuê hoạ sĩ thiết kế để cho các hình vẽ được sinh động và bắt mắt hơn. Khi chơi game, người học được thực hành quản lý tài chính của mình như tạo thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư, trao tặng, mua bảo hiểm ... và phải đưa ra các quyết định tài chính có thể ảnh hưởng tới tương lai tài chính của gia đình ở cuối vòng chơi. Qua chơi, người học có thể rút ra các bài học, đánh giá được các cơ hội và rủi ro, có chiến lược quản lý tài chính sao cho hiệu quả nhất.
Bảng game mô phỏng Gia đình thịnh vượng
Bảng game mô phỏng Đường đua Tài chính
Sau khi đưa game mô phỏng vào giảng dạy thực tiễn, Nhóm đã có những phản hồi hết sức tích cực. Một số giảng viên tại các trường đại học khác cũng muốn sử dụng bộ game mô phỏng để giảng dạy cho sinh viên và có mời nhóm trao đổi chia sẻ kinh nghiệm. Sinh viên cũng yêu thích và rất muốn sở hữu bộ game để có thể chơi cùng nhau sau giờ học. Nhiều gia đình cũng muốn sở hữu bộ board game trẻ em để chơi và dạy trẻ nhỏ về tài chính. Chơi board game là hình thức giúp trẻ em, gia đình, sinh viên có các hoạt động gắn kết, học mà chơi, chơi mà học tránh dán mắt vào các màn hình iphone, ipad, và ti vi. Đáp ứng nhu cầu này, nhóm đã làm việc với công ty sản xuất game và sẽ ra mắt các bộ sản phẩm hướng dẫn giảng dạy bằng board game của mình, bộ game sử dụng cho gia đình trong thời gian tới.
Người học thích thú với chơi game mô phỏng
“Giáo dục tài chính giúp tăng cường hiểu biết tài chính của người dân, hiểu về các sản phẩm tài chính ngày càng phức tạp, biết lựa chọn cơ hội tránh rủi ro, cải thiện khả năng ra quyết định tài chính, tăng phúc lợi gia đình. Đối với xã hội, giáo dục tài chính là yếu tố then chốt để thúc đẩy phổ cập tài chính, phát triển thị trường tài chính, tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai nội dung giáo dục tài chính trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, Mạng lưới TCCN Việt Nam mong muốn góp phần thúc đẩy hoạt động này trong các trường phổ thông và các trường đại học tại Việt Nam, kết hợp hoạt động nghiên cứu, đào tạo liên ngành với các cơ sở giáo dục. Nhóm cũng mong muốn sử dụng kết quả nghiên cứu, sáng tạo của mình để hỗ trợ đào tạo, tạo ra các sản phẩm mới như game mô phỏng để hỗ trợ đổi mới hoạt động giảng dạy tài chính cá nhân trên thị trường.” TS. Đinh Thị Thanh Vân, Phó CNK Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế, Phụ trách Mạng lưới TCCN Việt Nam chia sẻ.
(Mạng lưới TCCN Việt Nam)
Mạng lưới TCCN Việt Nam ra đời vào năm 2015, sau một hội thảo dịch vụ tư vấn TCCN ở Việt Nam được tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN với mục tiêu đẩy mạnh phổ cập tài chính, tăng cường hiểu biết tài chính cho người dân Việt Nam. Ban đầu, thành viên chỉ là chính những diễn giả, giảng viên tham dự Hội thảo, nhưng sau đó đã quy tụ được nhiều giảng viên ở các trường đại học và người hoạt động thực tiễn ở trong và ngoài nước tham gia để phát triển lĩnh vực Tài chính cá nhân còn nhiều mới mẻ tại Việt Nam. Cho đến nay thành viên mạng lưới có các giảng viên từ các trường đại học như Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH KTQD, Học viện Ngân hàng, Đại học FPT, Đại học Điện lực ... các nhà nghiên cứu, làm thực tiễn đến từ Mỹ, Úc, New Zealand, Ireland ... Mạng lưới TCCN Việt Nam có 3 hoạt động chính là nghiên cứu, đào tạo và tư vấn. Cho tới thời điểm này, Mạng lưới đã xuất bản 2 sách chuyên khảo, hơn 35 bài báo đăng trên tạp chí trong nước và quốc tế, 6 hội thảo quốc gia và quốc tế về Tài chính cá nhân, 5 dự án tài trợ và hướng dẫn 3 sinh viên NCKH đạt giải cấp ĐHQGHN. Website: tccn.ueb.edu.vn |