Chiều ngày 12/11/2014 tại ĐH Quốc gia HN đã điễn ra buổi làm việc giữa Ban Quản lý Dự án GDPRTE và UBND tỉnh Quảng Ninh về các cơ hội hợp tác giữa hai bên trong khuôn khổ thực hiện dự án “Xây dựng năng lực nghiên cứu chính sách, giáo dục và đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển xanh” (Dự án GDPRTE).
Tham dự buổi làm việc, về phía UBND tỉnh Quảng Ninh có ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ninh cùng Đại diện các Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Khoa học Công nghệ và Sở Giáo dục. Đại diện ĐHQGHN có TS. Nguyễn Thị Anh Thu - Trưởng ban Hợp tác Phát triển (Ban HTPT). Về phía trường ĐHKT - ĐHQGHN có PGS.TS. PGS.TS.Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng kiêm Giám đốc dự án GDPRTE, TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Giám đốc dự án cùng với sự có mặt của Ban Quản lý dự án (BQLDA).
Mở đầu buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn bày tỏ sự cảm ơn đối với Ban HTPT của ĐHQGHN đã kết nối Nhà trường và BQLDA với UBND tỉnh Quảng Ninh. Tại cuộc họp, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đã cung cấp những thông tin tổng quan nhất về dự án, gồm có mục tiêu, kết quả mong đợi và lý do lựa chọn tỉnh Quảng Ninh là địa phương triển khai các hoạt động.
Tiếp đó, TS. Nguyễn Anh Thu đã giới thiệu về hợp phần 3 của Dự án và đề xuất một số cơ hội hợp tác với tỉnh Quảng Ninh. Theo dự kiến, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN sẽ phối hợp với các sở ban ngành của tỉnh xây dựng một đề xuất “Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia” hay còn gọi tắt là NAMA. Theo đó, hợp phần 3 của dự án sẽ gồm có 3 hành động chính là (i) Xác định một ngành/ngành phụ ở tỉnh Quảng Ninh để nghiên cứu và đánh giá tiềm năng hành động NAMA, tổ chức làm việc và cộng tác với các cơ quan chính quyền tỉnh và thành phố (ii) Xây dựng đề xuất hành động NAMA chi tiết có các mục tiêu phát thải cụ thể; và (iii) Tổ chức đối thoại chính sách để thu hút khu vực tư nhân và các nhà ra quyết định cấp tỉnh về quy trình xây dựng hành động NAMA và các kiến nghị chính sách.
Trong phần thảo luận về cơ hội hợp tác giữa hai bên, ông Đặng Huy Hậu bày tỏ hi vọng vào những lợi ích tiềm năng của dự án đối với tỉnh Quảng Ninh nói riêng và việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2012 nói chung. Hiện tại Quảng Ninh là trong những tỉnh/thành phố tham gia tích cực vào dự án hỗ trợ xây dựng kế hoạch tăng trưởng xanh cho địa phương. Đồng thời, các sở ban ngành của tỉnh cũng đang triển khai nhiều dự án liên quan đến kế hoạch phát triển xanh, bảo vệ môi trường như dự án thành phố Hạ Long các-bon thấp, xây dựng đường cong phát thải... Chính vì thế việc phối hợp với Trường ĐHKT thực hiện hợp phần 3 của dự án GDPRTE, liên kết với các dự án liên quan, sẽ thực sự mang lại lợi ích to lớn cho tỉnh trong việc tái cấu trúc và xanh hóa mô hình phát triển hiện tại. Ngoài ra, ông Đặng Huy Hậu cũng đề nghị rằng, không chỉ hợp phần về phát triển thí điểm chương trình phát thải thấp có liên quan đến tỉnh Quảng Ninh mà Trường ĐHKT cũng nên xem xét gắn tỉnh vào hai hợp phần còn lại là nghiên cứu và đào tạo để các sở ban ngành cũng như các doanh nghiệp của tỉnh có thể được hưởng lợi từ dự án. UBND tỉnh sẽ hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện dự án này.
Tại buổi làm việc, đại điện ĐHQGHN và các sở ban ngành của tỉnh Quảng Ninh cũng chia sẻ về việc lựa chọn những ngành/ngành phụ có tiềm năng nhất để xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính như ngành sản xuất năng lượng (khai thác than, nhiệt điện), ngành sản xuất gốm, du lịch, xử lý rác thải sinh hoạt ... cũng như cách thức phối hợp hiệu quả nhất giữa hai bên. Có nhiều ý kiến khác nhau về việc lựa chọn ngành nhưng các bên đều thống nhất rằng việc xây dựng kế hoạch giảm thiểu phát thải khí nhà kính nên gắn với bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long. Tại đây ông Đặng Huy Hậu cũng giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Ninh là đầu mối làm việc với Trường ĐHKT trong dự án này.
Kết thúc buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đã tổng kết lại những điểm hai bên cùng đồng ý trong cuộc họp, đồng thời dự kiến những hành động tiếp theo trong quý 4 năm 2014 và quý 1 năm 2015. Đây là một cuộc họp đánh dấu bước hợp tác quan trọng đầu tiên, làm nền tảng cho việc thực hiện những bước tiếp theo của dự án này cũng như các chương trình hợp tác tiếp theo liên quan đến NAMA.