Từ ngày 1/7 đến ngày 3/7/2016, đoàn cán bộ Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã đi thực tế tham quan và học tập mô hình phát triển khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Đây là chuỗi hoạt động nằm trong khuôn khổ đề tài: “Đánh giá tác động của cụm, khu công nghiệp tới phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh Hưng Yên” do PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú làm chủ nhiệm.
Đoàn công tác phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là các cán bộ thuộc Khoa Tài chính - Ngân hàng và Khoa Kế toán - Kiểm toán; phía tỉnh Hưng Yên có các lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên cùng cán bộ thuộc phòng chức năng.
Trong buổi làm việc đầu tiên, đoàn đã đi tham quan tại Khu chế xuất Tân Thuận trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Đây là khu công nghiệp công nghệ nhẹ, sạch, không gây ô nhiễm môi trường, bao gồm: công nghệ cao, công nghệ phần mềm, công nghệ sinh hóa, thương mại và lưu chuyển hàng hóa. Tại đây, đoàn đã tới thăm 2 doanh nghiệp là Nissey Japan và Eidai Kako Japan và làm việc với lãnh đạo quản lý của các doanh nghiệp về các vấn đề quản lý, nhân sự, công đoàn… và phương hướng phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới; đồng thời được đi thăm khu sản xuất và khu lắp ráp cũng như khu xử lý thải đạt tiêu chuẩn của doanh nghiệp.
Tiếp theo, đoàn đã tham quan và học tập kinh nghiệp tại Ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore trên địa bàn tỉnh Bình Dương (VSIP). Tại buổi làm việc, đoàn được lãnh đạo Ban Quản lý Khu công nghiệp VSIP giới thiệu về lịch sử hình thành, mô hình hoạt động, các kết quả đạt được cũng như phương hướng phát triển của VSIP trong thời gian tới trên lãnh thổ Việt Nam.
VSIP được khởi đầu trên cơ sở ý tưởng hợp tác của Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore và chính thức khởi động vào tháng 1 năm 1996 với mong muốn là thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam và củng cố vị thế trong khu vực như một trung tâm đầu tư bền vững. Chính phủ Việt Nam mong muốn VSIP là một điển hình thành công trong những câu chuyện ở Việt Nam. Chính vì vậy mà VSIP được quan tâm và theo dõi thường xuyên. Chính phủ cũng đã thiết lập một ban quản lý riêng cho VSIP dưới chế độ một cửa. VSIP được thiết kế với một hệ thống xử lý chất thải tốt, xứng đáng là một khu công nghiệp xanh.
Sự phát triển của VSIP theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá có một ý nghĩa rất quan trọng phù hợp với chính sách phát triển của Chính phủ Việt Nam về việc thành lập một khu công nghiệp để thu hút phát triển vốn đầu tư trong và ngoài nước. VSIP cũng là khu công nghiệp duy nhất được thành lập bởi hai chính phủ và có ban quản lý riêng. Chức năng của Ban Quản lý hoạt động như cơ quan cấp giấy phép của chính phủ bao gồm những quan chức chính phủ và chính quyền địa phương có đủ thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư, hạn ngạch xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh.
Hiện nay, VSIP là nơi lý tưởng nhất thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho nhiều công ty từ nhiều nước trên thế giới ở các lĩnh vực điện tử, dược phẩm, phụ tùng ô tô và cơ khí… Đoàn làm việc đã rất ấn tượng với cơ sở vật chất và hạ tầng tốt và hiện đại, cùng với thủ tục hành chính nhanh gọn của tỉnh Bình Dương đã tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư. Đây là mô hình khu công nghiệp điển hình mà các khu công nghiệp khác trên cả nước cần học hỏi.
Sau buổi làm việc với Ban Quản lý Khu công nghiệp VSIP, đoàn cũng đã đi tham quan 1 số doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp VSIP1. Các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp VSIP1 hoạt động sản xuất ổn định và hiệu quả. Các doanh nghiệp mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư và tăng vốn đầu tư cũng đã tiến hành triển khai nhanh dự án, nhờ đó doanh thu, kim ngạch xuất nhập khẩu ổn định và liên tục tăng cao qua các năm.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Ban Quản lý VSIP
Hoạt động tham quan và học tập kinh nghiệm kết thúc thành công tốt đẹp. Cũng qua chuyến công tác này, các thành viên trong đề tài đã được học hỏi những kinh nghiệm quý báu về quản lý các khu công nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội, là cơ sở để ban chủ nhiệm đề tài đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường các tác động tích cực cũng như giảm thiểu các tác động chưa tích cực của khu công nghiệp tới phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh Hưng Yên. Chuyến đi mở ra hướng hợp tác phát triển giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên trong thời gian tới.