Trang tin tức sự kiện

Những công trình nghiên cứu hướng tới phát triển xã hội

TS. Nguyễn Đức Thành (ngoài bên trái) cùng nhóm nghiên cứu nhận Giải thưởng Bảo Sơn năm 2012
Lễ trao Giải thưởng Bảo Sơn năm 2012 ngày 3/4/2013 vừa qua đã xướng tên 2 công trình nghiên cứu “Chuỗi Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam các năm 2009, 2010, 2011, 2012” và “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ tế bào gốc để điều trị một số bệnh về tim mạch, cơ quan tạo máu và thị giác người”.


Đây là 2 công trình được các thành viên Hội đồng đánh giá cao về tính thực tiễn, hướng đến những vấn đề được xã hội quan tâm.Tại lễ trao giải, đại diện 2 nhóm tác giả đã có những chia sẻ chân thành về công trình của mình.

TS. Nguyễn Đức Thành - Chủ biên "Chuỗi Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam các năm 2009, 2010, 2011, 2012":

“Giải mà chúng tôi được nhận ngày hôm nay không phải là công trình chỉ trong một năm mà là một chuỗi báo cáo bắt đầu từ năm 2009 - 2012. Chuỗi này là sản phẩm chính của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - cơ quan nghiên cứu được thành lập năm 2008 thuộc Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN. Lịch sử hình thành trung tâm cũng gắn liền với sản phẩm của chúng tôi.
Trung tâm được hình thành từ một nhóm các nhà nghiên cứu kinh tế trẻ đều là các tiến sĩ tốt nghiệp ở các nước như là: Mỹ, Úc, Nhật, các nước ở châu Âu…. Trước đó chúng tôi là các thành viên của nhóm tư vấn cho bộ trưởng Bộ Tài chính, nhóm được hình thành trên cơ sở một dự án của UNDP hỗ trợ cho Bộ Tài chính.
Đến giữa năm 2008, nhóm kết thúc dự án. Lúc đó, thông qua các phương tiện truyền thông chúng tôi biết được rằng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN (lúc đó mới thành lập từ Khoa Kinh tế trực thuộc ĐHQGHN) mà Hiệu trưởng nhà trường (lúc đó là PGS.TS Phùng Xuân Nhạ) là một người rất năng động và mạnh mẽ, táo bạo với hoài bão lớn xây dựng một trường đại học với phương pháp hiện đại và mong muốn hình thành một nhóm nghiên cứu mạnh trong trường. Lúc đó, nhóm đã có một buổi tiếp xúc với lãnh đạo Trường ĐHKT, sau buổi đó chúng tôi quyết định hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách trực thuộc trường.
Và trong thời kỳ đầu tiên hoạt động, nhóm trăn trở rất nhiều về hoạt động của mình, ngoài những nghiên cứu cơ bản như: nghiên cứu các đề tài truyền thống đã có thông qua các dự án, đề tài của nhà nước cũng như là tài trợ của nước ngoài thì trung tâm cần có một sản phẩm đặc thù. Bản thân tôi lúc đó với vai trò là trưởng nhóm, cũng là giám đốc trung tâm, tôi rất trăn trở về một sản phẩm báo cáo thường niên kinh tế.
Tôi rất ấn tượng với báo cáo hàng năm mà Tổng thống Mỹ đệ trình trước Quốc hội để giải trình về một năm biến động kinh tế của Mỹ. Hay là những báo cáo của Nam Hàn về nền kinh tế trong đó có cấu trúc rất ổn định. Và chúng tôi cho rằng, nếu một báo cáo thường niên của mình hình thành được nó sẽ giải quyết những vấn đề thường xuyên của thời kỳ lúc đó. Đồng thời dư âm của nó là sự hình thành một chuỗi các vấn đề kinh tế tích lũy qua hàng năm, để những người đọc, sử dụng nó sau này sẽ có được cái nhìn hệ thống về sự tiến triển của nền kinh tế.
Khi mới hình thành, chúng tôi là một cơ quan hạch toán độc lập nên khá vất vả trong việc tìm kiếm nguồn lực tài trợ cho ý tưởng đó, thì may mắn của tôi là có mối quan hệ với một số tờ báo. Tôi đã gặp mặt và trình bày ý tưởng của mình cho Tổng biên tập Báo Sài Gòn tiếp thị lúc đó, không chỉ ủng hộ cho ý tưởng của chúng tôi, anh còn huy động nguồn lực rất lớn cho đề tài mà chúng tôi đang ấp ủ.
Báo cáo đầu tiên ra đời năm 2009 với tên gọi “Kinh tế Việt Nam 2008: Suy giảm và thách thức đổi mới”, đó cũng là năm đầu tiên mà Việt Nam bước vào một cuộc khủng hoảng lớn mà dư âm của nó còn cho đến tận bây giờ. Và khi chúng tôi công bố báo cáo đầu tiên đó, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - PGS.TS Phùng Xuân Nhạ cho rằng đây là một hướng đi rất đúng đắn của trung tâm cũng như của trường và đã có cam kết mạnh mẽ trong việc tiếp tục phát triển tài trợ; đồng thời thuyết phục lãnh đạo ĐHQGHN trong việc đưa đề tài vào một chương trình nghiên cứu thế mạnh của ĐHQGHN. PGS.TS Vũ Minh Giang lúc đó là Giám đốc ĐHQGHN đã theo dõi rất sát sao nghiên cứu này.
Cho đến nay, qua 4 ấn phẩm, chuỗi báo cáo nói trực tiếp vào những vấn đề lớn của kinh tế Việt Nam với cốt lõi là sự ổn định kinh tế vĩ mô, liên quan trực tiếp đến sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Từ nòng cốt là các nhà nghiên cứu ở Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, cho đến hiện tại, chúng tôi đã hình thành được một mạng lưới nghiên cứu mở với khoảng 100 nhà nghiên cứu là các chuyên gia hàng đầu, có tên tuổi ở khắp Việt Nam đã được đào tạo một cách bài bản.
Nhận được giải thưởng này, chúng tôi muốn tri ân tất cả những tập thể, những tổ chức, những nhà khoa học đã hỗ trợ, song hành một cách tâm huyết cùng chúng tôi trên chặng đường 5 năm vừa qua.”

PGS.TS Đỗ Doãn Lợi - Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ tế bào gốc để điều trị một số bệnh về tim mạch, cơ quan tạo máu và thị giác người”:
PGS.TS Đỗ Doãn Lợi (Chủ nhiệm đề tài về tế bào gốc) chia vui cùng đồng nghiệp và người thân
PGS.TS Đỗ Doãn Lợi (thứ 2 từ trái sang) - Chủ nhiệm đề tài về ứng dụng tế bào gốc - chia vui cùng đồng nghiệp và người thân
“Chúng ta đều biết rằng tế bào gốc là một lĩnh vực có thể có những ứng dụng rất lớn trong việc khám chữa bệnh. Cho đến nay đã có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới về tế bào gốc. Tại Việt Nam, đề tài của chúng tôi là đề tài cấp nhà nước đầu tiên nghiên cứu về lĩnh vực này với một suy nghĩ làm sao tìm ra những phương pháp mới nhất để điều trị cho người dân.
Nhận giải thưởng ngày hôm nay, tôi xin dành vinh dự lớn lao này tới các thầy cô, các đồng nghiệp đã tham gia tích cực, vượt qua những khó khăn chồng chất vì sự thành công của 6 nhánh đề tài. Họ là những con người nhiệt huyết đến từ Trường ĐH Y Hà Nội, Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai, Viện Mắt Trung ương, Viện Quân y 108 và ĐH Quốc gia; đi từ những nghiên cứu cơ bản, hoàn toàn trong phòng thí nghiệm, nuôi cấy từng tế bảo gốc để có thể thực hiện trên thực tế, từ đó đưa vào thực tiễn chữa trị cho người bệnh trong 3 lĩnh vực: bệnh tim mạch, bệnh giác mạc và bệnh máu ác tính.
Tôi cũng xin cảm ơn những bệnh nhân đã đi cùng chúng tôi trên những bước đường nghiên cứu khoa học khó khăn, đưa những thành tựu khoa học y học vào để chữa bệnh cho chính bản thân mình. Họ cũng là cầu nối cho các đề tài khoa học tiếp theo đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép triển khai về tim mạch, về mắt ở Trường ĐH Y Hà Nội, Viện Mắt trung ương, Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai; các đề tài về tế bào gốc trong điều trị bệnh về xương ở Bệnh viện Việt Đức; các đề tài ở Viện Bỏng quốc gia và nhiều đề tài khác nữa.”
Với những lĩnh vực khác nhau, mức độ khác nhau, song Giải thưởng Bảo Sơn năm 2012 đã lựa chọn và hướng sự tôn vinh vào những lĩnh vực được xã hội quan tâm, mong đợi. Giải thưởng thể hiện sự kế tục giữa những người làm khoa học và là sự khích lệ đội ngũ trí thức nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến cho xã hội.

Phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng Bảo Sơn 2012, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh (Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội, Thành viên Hội đồng xét giải) cho rằng:“Công trình Chuỗi báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 4 năm vừa qua có thể nói đã góp một tiếng nói khoa học độc lập, có cơ sở để giải quyết những vấn đề kinh tế vĩ mô nhằm phát triển bền vững nền kinh tế. Chúng tôi đánh giá cao nhóm tác giả được đào tạo một cách bài bản đã ứng dụng những phương pháp kinh tế hiện đại vào giải quyết những vấn đề kinh tế Việt Nam và đưa ra những kiến nghị rất hữu ích cho các cơ quan hoạch đinh chính sách.
Đối với công trình trong lĩnh vực y - dược học, đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ tế bào gốc vào việc tìm ra các giải pháp chữa trị các bệnh về tim mạch, cơ quan tạo máu, cơ quan thị giác của con người. Đặc biệt khi trong số những căn bệnh gây tử vong ở nước ta hiện nay thì 40% là liên quan đến tim mạch.

 
_____________________
THÔNG TIN LIÊN QUAN:

Nguyễn Hoàng

Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành