Việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đưa ra lộ trình hình thành vào năm 2015 mở ra nhiều triển vọng mới cho các quốc gia trong khu vực. Trong đó, hoạt động hội nhập thị trường vốn sẽ góp phần tạo ra hệ thống tài chính khu vực thông suốt với cơ chế tài khoản vốn tự do hơn, từ đó mở rộng khả năng tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia.
Nhận thức tính tất yếu của hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các NHTM trong nước nên chỉ một năm sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), NHNN đã ban hành Quyết định 13/2008/QĐ-NHNN (Quyết định 13) trong đó đưa ra những quy định khá chi tiết về điều kiện và thủ tục cấp phép thành lập các chi nhánh NHTM Việt Nam tại nước ngoài.
Quan sát thực tế cho thấy, ngay sau khi có Quyết định 13, các NHTM trong nước đã nhanh chóng hưởng ứng để mở rộng thị trường tại các nước ASEAN. Nếu như trước năm 2008, toàn hệ thống NH Việt Nam chỉ có duy nhất một văn phòng đại điện của Vietcombank được mở tại Singapore, thì hai năm sau đó, Sacombank và BIDV liên tiếp được NHNN cấp phép thành lập các chi nhánh tại Lào và Campuchia. Và chỉ trong vòng 4 năm (từ 2008-2012) đã có 6 NHTM lớn vào cuộc, đưa tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của các NHTM Việt Nam lên mức trên 2 triệu tỷ đồng (tính đến hết 2013).
Từ việc đầu tư mạnh mẽ của các NHTM ra các thị trường nước ngoài cho thấy rằng sức cạnh tranh của các TCTD trong nước đang từng bước được nâng cao và bắt đầu có được những vị thế nhất định tại thị trường khu vực. Khi các NHTM chủ động đầu tư ra nước ngoài sẽ làm cho dòng vốn lưu thông được luân chuyển một cách nhanh chóng.
Các NHTM sẽ làm cầu nối giúp luân chuyển dòng vốn giữa các DN nhập khẩu với các DN xuất khẩu, giữa quốc gia này với quốc gia khác, giữa các chi nhánh công ty mẹ và chi nhánh công ty con, thu hút lượng khách hàng bên ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam sử dụng ngày càng nhiều các sản phẩm, dịch vụ của các NHTM Việt Nam, góp phần thúc đẩy kênh thanh toán, phát triển các giao dịch ngoại thương giữa các nước ASEAN và Việt Nam. Từ đó, thu nhập của các NHTM Việt Nam cũng tăng lên nhờ nguồn thu từ phí dịch vụ và quan hệ tín dụng quốc tế.
Theo những báo cáo của Sacombank, chỉ tính riêng trong năm 2014, các chi nhánh tại Lào và Campuchia lần lượt có lợi nhuận trước thuế ở mức 4,1 triệu USD và 0,7 triệu USD, dư nợ cho vay luôn đạt ở mức cao từ 69,2 triệu USD đến 105 triệu USD. Trong khi đó, ở BIDV, tính đến quý 1/2015, chỉ riêng NH Liên doanh Lào - Việt (trong đó BIDV góp vốn 50%) số vốn điều lệ đã ở mức 100 triệu USD. Liên doanh Lào - Việt trở thành NH có quy mô vốn điều lệ đứng thứ hai và quy mô dư nợ đứng thứ tư tại Lào với 5 chi nhánh và 3 phòng giao dịch tại các khu vực kinh tế trọng điểm của Lào.
Như vậy, mặc dù mới chỉ bắt đầu xâm nhập vào một số thị trường trong khu vực nhưng trong vòng 7 năm từ khi có Quyết định 13 của NHNN, các NHTM trong nước đã rất tích cực và chủ động trong việc hội nhập thị trường vốn. Hoạt động tiên phong này của các NHTM là một bước đi quan trọng cần được ghi nhận vì nó sẽ tạo ra các thuận lợi lớn cho lộ trình thực hiện những cam kết mà Việt Nam đã ký với các nước trong khu vực.
Thực tế từ tháng 5/2011, các bộ trưởng tài chính ASEAN đã tiến hành đàm phán và ký kết nghị định thực hiện gói cam kết thứ năm đối với dịch vụ tài chính theo Hiệp định khung ASEAN. Do đó, sự vào cuộc của các NHTM chính là “xương sống” để Việt Nam có thể tuân thủ gói cam kết này.
Thêm vào đó, đứng từ phía các NH, chính sự dịch chuyển nguồn vốn ra nước ngoài sẽ trực tiếp tạo động lực cho việc tái cấu trúc các NHTM. Bởi với những thành quả ban đầu của quá trình này, sau khi tăng trưởng quy mô (nhờ việc sáp nhập các NHTMCP nhỏ) các NH lớn sẽ bắt đầu phải đối mặt với ngưỡng bão hòa ở thị trường nội địa. Lối thoát FDI lúc này sẽ trở thành xu hướng cần quan tâm mở rộng để có thể vươn tới các thị trường kinh doanh mới, đồng thời nâng sức cạnh tranh để trở thành đơn vị NH có quy mô và trình độ tương đương với các NH trong khu vực theo đúng lộ trình tái cấu trúc hệ thống các TCTD mà Chính phủ và NHNN đang tích cực triển khai.