Chương trình nghị sự của VBF giữa kỳ 2015 sẽ tập trung vào các nội dung chính: Tổng quan môi trường kinh doanh; thương mại, du lịch và đầu tư - vấn đề vướng mắc trong thực thi các quy định mới về Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; ngân hàng và thị trường vốn - phục vụ đà tăng trưởng tích cực của thị trường tài chính và cơ sở hạ tầng - yêu cầu đối với việc thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, tăng cường hạ tầng cảng và nhu cầu về điện năng theo quy hoạch điện VII.
Diễn đàn là một cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Trải qua gần hai thập kỷ, VBF đã trở thành hoạt động thường niên và được coi là kênh đối thoại đem lại hiệu quả giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. VBF đã đồng hành với quá trình đổi mới thể chế và quản lý kinh tế của đất nước.
Nhờ có sự đổi mới đó, cùng sự tự điều chỉnh vươn lên của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp đã từng bước được nâng cao, việc thu hút FDI trở nên có hiệu quả hơn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2015 diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn và thách thức. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đến nay Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và phát triển đúng hướng; tăng trưởng đang lấy lại đà phục hồi một cách ổn định, vững chắc, dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2015 của Việt Nam sẽ là 6,2% hoặc có thể cao hơn; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm…
Tuy vậy, nền kinh tế của Việt Nam vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa thực sự khởi sắc; sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu; thị trường nông sản đang gặp nhiều khó khăn…Những yếu kém của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua có nguyên nhân khách quan từ sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, nhưng chủ yếu vẫn do những nguyên nhân chủ quan trong nội tại của nền kinh tế.
Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khuyến khích đầu tư bằng hình thức đối tác công tư PPP; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN; tạo sự bình đẳng trong cơ chế thị trường, trong phân bổ nguồn lực đối với các doanh nghiệp…
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ tin tưởng, với quyết tâm mạnh mẽ đổi mới nền kinh tế, năm 2015 và những năm tiếp theo, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc, năng động và hiệu quả hơn. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh sự nỗ lực của mình, Việt Nam rất cần sự chung tay góp sức, sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh đại diện các quốc gia, đối tác phát triển, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước tới dự Diễn đàn với chủ đề hết sức thiết thực, phù hợp với mong muốn của cả doanh nghiệp và Chính phủ là “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế”.
Trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các khuyến nghị, kiến nghị của các đại biểu tại diễn đàn và yêu cầu các Bộ trưởng theo lĩnh vực quản lý của mình để có những xử lý, giải quyết cụ thể.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chia sẻ nhiều thông tin về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam; khẳng định trong 5 tháng đầu năm 2015, tình hình tiếp tục có những chuyển biến tích cực, phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn so với những tháng đầu năm 2014. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, những kết quả đạt được vẫn chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và Việt Nam có thể làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, vững chắc hơn nữa.
Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực phát huy những kết quả đạt được; ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém; tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế thành công, phát triển nhanh, bền vững, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu như: Tiếp tục quản lý, điều hành để bảo đảm tăng cường tính ổn định của kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát tốt hơn, đảm bảo lạm phát không quá 5%, không chỉ cho năm 2015 mà còn cho những năm sau; điều hành lãi suất, tỷ giá theo tín hiệu thị trường, phù hợp với tín hiệu thị trường; tăng dự trữ ngoại tệ, bảo đảm ít nhất 12 tuần nhập khẩu; bảo đảm bội chi năm 2015 là 5% và 5 năm tới (2016-2020) sẽ thấp hơn mức 5%. Cùng với đó là bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn, gắn với tái cơ cấu đầu tư công, bảo đảm hiệu quả của đầu tư công. Đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bình quân mỗi năm khoảng 10-15%; nhập siêu không quá 5%.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước có thêm thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đạt được tăng trưởng kinh tế ở cả 3 khu vực là nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.
Phấn đấu năm 2015 tăng trưởng đạt 6,2%, gắn liền với tăng trưởng là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tái cơ cấu kinh tế phải đạt được mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu đầu tư công để đầu tư hiệu quả hơn; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; tái cơ cấu ngân hàng để ngân hàng hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch, lành mạnh, để đến 2016 không còn ngân hàng yếu kém và đưa nợ xấu xuống mức còn 3% - mức thông thường trong hoạt động kinh tế thị trường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh Chính phủ đang chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo không gian phát triển rộng lớn hơn cho doanh nghiệp, người dân Việt Nam cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Việt Nam vừa ký các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU), đang thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết WTO và các Hiệp định đã ký kết, trong đó có 6 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn. Việt Nam cùng các nước thành viên phấn đấu hoàn thành việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015; đã thống nhất định hướng kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ ký kết FTA Việt Nam - EU vào cuối năm 2015; sắp hoàn thành việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với triển vọng hoàn tất 14 FTA trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20. Đây là nền tảng cơ bản để Việt Nam hội nhập quốc tế ở tầm cao mới, mở ra không gian hợp tác phát triển rộng lớn trong tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam đang tiếp tục tập trung mạnh vào thực hiện 3 đột phá chiến lược là cải cách thể chế, huy động các nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng cho các nhu cầu phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, cùng với nỗ lực của mình, Chính phủ Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay, hợp tác hiệu quả của các quốc gia, các đối tác phát triển, của cả cộng đồng doanh nghiệp vì lợi ích và sự phát triển chung.