Hội đồng nghiệm thu gồm có 5 thành viên do PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng làm Chủ tịch.
Tại buổi nghiệm thu, TS. Nguyễn Thế Hùng - chủ nhiệm đề tài “Định giá tài sản vô hình: Nghiên cứu tình huống tại một doanh nghiệp Việt Nam” trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu, trong đó nhấn mạnh tính cấp thiết của đề tài trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển kinh tế tri thức như hiện nay. Với mục tiêu hệ thống các vấn lý luận căn bản trong định giá tài sản vô hình của doanh nghiệp ; Nghiên cứu các phương pháp liên quan đến khía cạnh tài chính trong định giá tài sản vô hình; Nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế trong định giá tài sản vô hình, ứng dụng định giá tài sản vô hình của một doanh nghiệp Việt Nam, đề tài nghiên cứu đã có một số đóng góp nhất định như: tác giả đã đưa ra một số phương pháp định giá và hướng tiếp cận trong định giá tài sản vô hình. Ngoài ra, đề tài đã đưa ra những tình huống cụ thể vận dụng các phương pháp định giá để xác định giá trị của một số tài sản vô hình của một số doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa rất lớn mang tính tham khảo đối với việc xác định giá trị của các tài sản vô hình. Đặc biệt, đề tài đã phân tích mặt thuận lợi khi xác định giá trị của tài sản vô hình với một phương pháp nhất định, đồng thời đã phân tích được những mặt hạn chế khi vận dụng phương pháp đó. Đây chính là cảnh báo tốt cho cá nhân, tổ chức định giá cũng như học viên sử dụng những tình huống ứng dụng xác định giá trị doanh nghiệp một cách linh hoạt.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài, đây là đề tài được đầu tư nghiên cứu sâu. Tuy nhiên, để có sự so sánh các phương pháp định giá được ứng dụng, tác giả nên sử dụng nhiều phương pháp định giá đối với một tài sản. Việc sử dụng mỗi phương pháp định giá cho giá trị khác nhau sẽ giúp cho người đọc lựa chọn được phương pháp phù hợp đối với việc ứng dụng các phương pháp này để xác định giá trị của tài sản vô hình tương tự.
Bên cạnh nghiên cứu của TS. Nguyễn Thế Hùng, đề tài nghiên cứu của ThS. Tô Lan Phương về “Ước tính chi phí vốn của các công ty bất động sản niêm yết ở Việt Nam” cũng được hội đồng nghiệm thu đánh giá là có tính ứng dụng cao, là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị đối với sinh viên. Tác giả đã tổng hợp chi phí vốn của doanh nghiệp và khái quát được một số phương pháp tính chi phí vốn của doanh nghiệp. Đóng góp về mặt ứng dụng của đề tài rất rõ nét khi tác giả đã ứng dụng mô hình CAPM để xác định chi phí vốn của một số doanh nghiệp (cụ thể là: UDIC, VIC) từ đó giúp doanh nghiệp này so sánh được chi phí vốn khi đâu tư và thu nhập thu được. Đây chính là cơ sở cho việc ra quyết định đầu tư đối với doanh nghiệp nói chung và donah nghiệp bất động sản nói riêng. Tác giả cũng đã đưa ra một số phương pháp tính hệ số beta theo lợi thế so sánh và theo kết quả giao dịch thị trường của các mã cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Những phương pháp này là gợi ý cho các doanh nghiệp khi ra quyết định đầu tư cần quan tâm tới hệ số beta nhưng thước đo rủi ro trước khi ra quyết định.Tuy nhiên, một số thuật ngữ được sử dụng nên nhất quán về tên gọi, tác giả nên đề cập đầy đủ hơn các phương pháp xác định chi phí vốn của doanh nghiệp, cần có sự nhất quán giữa các phần để thấy được cơ sở lý luận và ứng dụng cở sở lý luận đã đề cập. Ngoài ra, việc trích dẫn và trình bày tài liệu tham khảo cần theo quy chuẩn.
Kết quả, tất cả các thành viên hội đồng nghiệm thu đều đánh giá 2 đề tài có tính ứng dụng cao, có thể dùng như các case study phục vụ các môn học chuyên ngành của Khoa. Ngoài ra, 2 đề tài có thể hoàn thiện và phát triển nghiên cứu ở cấp cao hơn.