Tọa đàm Phân tích nhu cầu, khả năng cạnh tranh và quản trị chuỗi toàn cầu cho ngành cá tra Việt Nam
04/05/2016 10:52

Là tọa đàm khoa học do Khoa Kinh tế phát triển (KTPT), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức ngày 29/4/2016 vừa qua, với sự tham gia thuyết trình của GS. Nguyễn Tiến Thông đến từ Đại học Nam Đan Mạch.


Buổi toạ đàm nhận được sự tham dự của các chuyên gia tới từ các trường đại học, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), các giảng viên của Khoa KTPT cùng đông đảo sinh viên quan tâm.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Viết Thành - Phó Chủ nhiệm Khoa KTPT đã giới thiệu sơ lược về GS. Nguyễn Tiến Thông và các hướng nghiên cứu chính của ông. Tiếp đó, TS. Nguyễn Viết Thành cũng cho biết, buổi toạ đàm nhằm tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng cá tra của thế giới; thực trạng và khả năng cạnh tranh của ngành cá tra Việt Nam; phân tích liên kết chuỗi giá trị cá tra; đồng thời trao đổi về các gợi ý phát triển ngành cá tra Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hình ảnh và khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu.

TS. Nguyễn Viết Thành cũng hy vọng, tạo đàm cũng sẽ nhận được nhiều đóng góp ý kiến cũng như chia sẽ kinh nghiệm thực tiễn từ phía các khách mời tham dự góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu cho các giảng viên và sinh viên trong và ngoài Khoa KTPT.

Tại đây, GS. Nguyễn Tiến Thông đã có bài trình bày về những kết quả nghiên cứu mới nhất của mình với chu đề "Cá tra Việt Nam: Một số kết quả nghiên cứu về nhu cầu, khả năng cạnh tranh và quản trị chuỗi toàn cầu". Trong đó, GS. Nguyễn Tiến Thông đã chỉ ra các vấn đề trong xuất khẩu cá tra Việt Nam thông qua việc trả lời các câu hỏi liên quan tới tăng giảm lượng cung xuất khẩu, dư địa cho xuất khẩu ở các thị trường tiềm năng, sự thay thế nhau giữa các thị trường và mức độ tổn thương của nhà sản xuất cá tra khi có khủng hoảng kinh tế thông qua các kết quả định lượng với số liệu cập nhật nhất.

Tiếp đó, sử dụng phương pháp "thí nghiệm sự lựa chọn", ông cũng đã xác định quy mô và định vị thị trường cho sản phẩm cá tra Việt Nam và đưa ra khá nhiều gợi ý giá trị nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và hạn chế mức độ tổn thương của sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh trên thị trường bán lẻ. Cuối cùng, những kết quả mới nhất về phân tích chuỗi giá trị cá tra cũng được trình bày tới những người tham dự toạ đàm.

Bài trình bày của GS. Nguyễn Tiến Thông nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực từ phía người tham dự. Các khách mời đều cho rằng kết quả và những gợi ý từ nghiên cứu là vô cùng có ý nghĩa đối với phát triển ngành cá tra nói riêng và xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam nói chung. Rất nhiều câu hỏi và vấn đề xoay quanh chủ đề toạ đàm đã được đưa ra thảo luận sôi nổi và hiệu quả.

Tổng kết tọa đàm, TS. Nguyễn Viết Thành đã cảm ơn các chuyên gia, khách mời, giảng viên và sinh viên đã tới tham dự buổi toạ đàm khoa học của Khoa KTPT. Ông cũng hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự cộng tác, đóng góp từ phía các nhà khoa học, các giảng viên và chuyên gia để có thể tổ chức được nhiều tọa đàm mang tính học thuật và chất lượng cao như lần này.

Ngô Minh Nam (Khoa KTPT)