Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3260km cùng hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa, và gần 2800 đảo ven bờ. Việt Nam xác định đến năm 2020 phải trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu từ biển theo hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam vẫn còn chưa được nhận thức đúng đắn.
PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, phát biểu "Tiềm năng biển Việt Nam có, nhưng nếu để nó ngủ say, không có một cơ chế để đánh thức thì nó cứ ngủ say. Đó chính là cái thiếu sót. Đầu tiên, vẫn là nhận thức. Hiện nay nhận thức Kinh tế biển là một ngành kinh tế tổng hợp và liên ngành thì vẫn chưa đầy đủ. Một hệ thống tài nguyên bao gồm các giá trị tài nguyên vật chất, và cả những giá trị phi vật thể, phi vật chất. Đây là nền tảng, là đầu vào để phát triển bền vững kinh tế biển."
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, việc khai thác nguồn lợi kinh tế biển và xử lí ô nhiễm môi trường biển còn nhiều lúng túng. Hội thảo cũng đã đi đến thống nhất, tổ chức chương trình Đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế biển tại trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. Đây cũng là chuyên ngành Kinh tế biển lần đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam.
"Mục tiêu trọng tâm của chương trình Đào tạo Kinh tế biển là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng, tri thức khai thác một cách hiệu quả kinh tế biển, đồng thời, hướng tới phát triển bền vững, và về lâu dài hướng tới một nền kinh tế phát triển xanh" TS. Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Kinh tế biển, Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.
Theo dự kiến, từ năm 2017, trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN sẽ tổ chức tuyển sinh thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế biển với 35 học viên một khóa. Khóa đầu tiên sẽ khai giảng vào tháng 10/2017.
Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
Phòng 305, nhà E4, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 043 7547 506 (máy lẻ 309) - Hotline: 0989.526.632
Website: http://ktpt.ueb.edu.vn
Fanpage: www.facebook.com/thacsikinhtebien