Nằm trong chuỗi hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập Trường và hướng tới 45 năm truyền thống, Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tăng cường trao đổi học thuật cũng như kinh nghiệm thực tiễn, cung cấp một diễn đàn cho các học giả, chuyên gia, doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư thiên thần trong nước và quốc tế thảo luận về kinh nghiệm thu hút đầu tư thiên thần cho các dự án khởi nghiệp và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam.
Khởi nghiệp hay Startup là một trong những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng trong 2 năm vừa qua.
Tham dự Hội thảo, về phía nhà tài trợ Quỹ FNF có TS. Phạm Hùng Tiến - Đại diện Quỹ. Về phía khách mời có GS. William Scheela, Trường Đại học Bemidji State (Hoa Kỳ), TS. Nguyễn Trung Dũng - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings), ông Nguyễn Quân - Người sáng lập và CEO, Công ty Cổ phần Kem Ý Goofoo. Về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Hà Văn Hội - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế. Hội thảo cũng thu hút được sự quan tâm đông đảo của các doanh nghiệp, nhà đầu tư thiên thần, nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên của trường.
Trong bài trình bày đầu tiên “Đầu tư vốn mạo hiểm chính thức và phi chính thức ở một số nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á”, GS. William Scheela đã cung cấp cho Hội thảo những thông tin hết sức hữu ích về các nghiên cứu liên quan đến đầu tư thiên thần đã được thực hiện ở một số quốc gia Đông Nam Á mới nổi như Philippines, Malaysia, Việt Nam và Indonedia. Hiện nay các nghiên cứu học thuật về lĩnh vực này tại khu vực Đông Nam Á còn hết sức hạn chế. Nghiên cứu của GS. Scheela tập trung vào trả lời câu hỏi làm thế nào để các nhà đầu tư thiên thần có thể đầu tư hiệu quả và giúp đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong bối cảnh thể chế chưa hoàn thiện. Thông qua phỏng vấn 80 nhà đầu tư thiên thần, nghiên cứu đã chỉ ra đặc điểm của hoạt động đầu tư thiên thần ở 4 quốc gia Philippines, Malaysia, Việt Nam và Indonedia, chiến lược đầu tư và những tiêu chí mà các nhà đầu tư xem xét đến khi tiến hành đầu tư, chẳng hạn như năng lực tài chính, năng lực của đội ngũ quản trị, cơ hội thị trường, công nghệ sử dụng, kiến thức về ngành kinh doanh cũng như địa bàn hoạt động. Bài nghiên cứu cũng chỉ ra nhiều thông tin hữu ích về những ngành thường được đầu tư, thách thức đầu tư, kết quả thực hiện...
Đi vào thực tiễn doanh nghiệp, Hội thảo đã được nghe chia sẻ của TS. Nguyễn Trung Dũng về kinh nghiệm của BK-Holdings trong việc xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là hệ thống doanh nghiệp nhằm huy động các nguồn lực nhà nước, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào quá trình nghiên cứu, ươm tạo các sản phẩm Khoa học-công nghệ của nhà trường. Hệ thống gồm các khối về giáo dục, công nghệ và vườn ươm doanh nghiệp. TS. Nguyễn Trung Dũng đã chia sẻ những kinh nghiệm của BK-Holdings trong hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua việc trở thành cầu nối giữa các học giả, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp bên ngoài, hỗ trợ để ý tưởng của giảng viên và sinh viên có thể trở thành những sản phẩm có giá trị trên thị trường. Một số vấn đề khác mà TS. chia sẻ gồm có lý do các nhà đầu tư thiên thần đầu tư chưa nhiều vào các Startup ở Việt Nam; hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc điểm của nhà đầu tư thiên thần hoạt động ở Việt Nam; đặc điểm thị trường, vấn đề truyền thống văn hoá và hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Quân đến từ Công ty Cổ phần kem Ý GooFoo cũng chia sẻ những kinh nghiệm bản thân về quá trình khởi nghiệp và gọi vốn để kinh doanh sản phẩm kem Ý. Khởi nghiệp là một quá trình rất gian nan, đòi hỏi ý tưởng phải có chất lượng tốt, có đội ngũ cộng sự có năng lực, đáng tin cậy với cam kết lớn, doanh nhân phải có đam mê… Quá trình gọi vốn đầu tư của GooFoo khởi nghiệp gặp nhất nhiều khó khăn và thách thức. Theo ông Quân, các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình gọi vốn gồm có nền tảng hồ sơ, sự ưu việt của sản phẩm so với người đứng đầu ngành, khả năng xác định được lượng vốn cần thiết…