Tham dự hội thảo gồm đại diện lãnh đạo hai Trường, lãnh đạo các Phòng/Ban, lãnh đạo các Khoa/Viện cùng các thầy/cô của Trường Đại học Kinh tế và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cùng các nhà khoa học; các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế báo chí truyền thông.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia cho rằng đào tạo liên ngành đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tri thức, hội nhập và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Báo chí truyền thông là ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn hiện nay nhưng tại Việt Nam vẫn chưa có cơ sở đào tạo đại học nào đào tạo chuyên ngành này. Do vậy, chương trình sau khi được phê duyệt sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của xã hội về đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.
Các ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng đề án được chuẩn bị công phu đáp ứng được điều kiện mở mới mã ngành đào tạo theo Quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo và ĐHQGHN. Tuy nhiên để phù hợp với thực tiễn và đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu xã hội, chương trình đào tạo nên bổ sung thêm một số học phần mang tính tác nghiệp, cụ thể như: luật kinh tế, công nghệ thông tin, kỹ năng đàm phán và ký kết hợp đồng, marketing, quản trị thương hiệu thay vì chú trọng hơi nhiều vào các học phần mang tính vĩ mô như: quản lý nhà nước về kinh tế; nhà nước, thị trường và quản trị quốc tế; chính sách xã hội: các vấn đề và những sự lựa chọn; nghèo đói, bất bình đẳng và chính phủ ở các nước kém phát triển...
PGS. TS Hoàng Anh Tuấn đã thay mặt hai thầy chủ trì cảm ơn sự đóng góp của các thầy/cô tại Hội thảo và lưu ý nhóm soạn thảo cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, tư vấn của các giảng viên, các chuyên gia để rà soát, hoàn thiện đề án theo hướng làm nổi bật tính liên ngành, tính khoa học và tính ứng dụng của chương trình.