Đổi mới giảng dạy dựa trên thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng tôn trọng và phát huy tính đặc thù
Với mục tiêu tăng cường tính tự chủ của giảng viên và trang bị phẩm chất, kỹ năng và năng lực cho sinh viên thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời, khai thác thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng xu thế tự chủ đại học, ĐHQGHN đã đề ra kế hoạch đổi mới hoạt động giảng dạy giai đoạn 2019 - 2025. Trong kế hoạch này, ĐHQGHN sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá hoạt động giảng dạy tại đơn vị, trên các mặt ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, cơ sở vật chất, sự kết nối của các đơn vị với các cơ sở thực hành hay mức độ thích ứng của giảng viên với phương pháp giảng dạy mới. Căn cứ vào kết quả khảo sát, các đơn vị đào tạo sẽ xây dựng đề án và lộ trình chi tiết đổi mới hoạt động giảng dạy tại đơn vị mình, tập trung vào các nội dung chính là đề xuất các phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc thù đơn vị, mở rộng và số hóa hệ thống học liệu và đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất thông minh. Các phương pháp giảng dạy được đề xuất cần theo các định hướng, thứ nhất, vận dụng tối đa các phương tiện hỗ trợ dạy và học, đặc biệt là các phương tiện gắn với công nghệ thông tin, đa phương tiện; thứ hai, tận dụng lợi thế của phương thức đào tạo theo tín chỉ và phát huy thế mạnh của ĐHQGHN ở tính liên thông, liên kết và liên lĩnh vực; thứ ba, phát huy tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp của người học; thứ tư, thí điểm áp dụng mô hình đào tạo theo hướng cá thể hóa (đào tạo tài năng, chất lượng cao). Bên cạnh giải pháp nội tại, ĐHQGHN cũng sẽ nghiên cứu, học hỏi phương pháp giảng dạy ở một số đại học tiên tiến trong nước và thế giới thông qua việc mời chuyên gia tư vấn và cử giảng viên đi học hỏi.
Thể hiện quyết tâm của ĐHQGHN trong việc tạo chuyển biến lớn cho hoạt đông giảng dạy, đề án yêu cầu sự phối hợp, đồng thời, giao việc cụ thể và trúng đích tới từng đơn vị dựa trên thế mạnh của chính họ. Trước mắt, Trường ĐH Giáo dục, Trường ĐH Công nghệ, Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trung tâm Khảo thí và Ban Quản lý các dự án sẽ triển khai trong năm 2019. Đến giai đoạn từ 2020 đến 2025, ngoài các đơn vị nêu trên sẽ là sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị đào tạo cấp cơ sở. Quá trình triển khai đổi mới giảng dạy của các đơn vị sẽ được hỗ trợ, kiểm tra, giám sát bởi Ban Đào tạo, ĐHQGHN.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị đã trình bày một số phương án phác thảo để hiện thực hóa những nhiệm vụ đã phân công. Về mặt phương pháp giảng dạy, phần lớn các đơn vị đều tìm thấy tiếng nói chung trong việc áp dụng các mô hình học và thi trực tuyến, dần tiếp cận các mô hình tiên tiến trên thế giới như Blended learning (dạy học kết hợp) hay Flipped Classroom (lớp học đảo ngược) để tăng tính tương tác giữa người học và người dạy, các công cụ phần mềm hỗ trợ còn được một số đơn vị chứng minh sự hữu ích trong việc hỗ trợ các hoạt động quản lý lớp học như điểm danh, chấm bài, đánh giá tự động,… Một số phương pháp mới chưa từng có tại Việt Nam cũng được các đơn vị quan tâm trong các tham luận của mình như MOOCS (Lớp học mở trực tuyến quy mô lớn).
Hiệu trường Trường ĐH Công nghệ Nguyễn Việt Hà chia sẻ “Có thế mạnh về công nghệ thông tin nên chúng tôi cố gắng cung cấp những công cụ tốt nhất cho người dạy và người học trong việc truyền tải và tiếp nhận kiến thức tốt hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhấn mạnh đến các hoạt động thực hành, trải nghiệm. Đặc biệt, chúng tôi cũng chú trọng đổi mới tiến trình học tập để tạo hứng thú cho sinh viên ngay từ ban đầu như đưa thêm các học phần trải nghiệm, qua đó kích thích các em say mê và ánh xạ vào trong các môn lý thuyết”
Dù được cho là còn nhiều khó khăn trong lộ trình đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ bởi đặc thù của khối ngành xã hội, song, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Phạm Quang Minh vẫn tỏ ra hào hứng với Đề án này, ông cho biết: “Từ cách đây 18 năm trường ĐH KHXH&NV đã bắt đầu áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy thông qua việc xây dựng các website môn học. Đơn vị chúng tôi rất đồng tình với chủ trương của ĐHQGHN và cho rằng đổi mới hoạt động giảng dạy là việc cần phải làm vì có tác động lớn tới việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phải tận dụng công nghệ thông tin thì chúng ta mới có sự phát triển nhanh và có sức lan tỏa lớn”.
Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, để đổi mới bền vững thì cần phải kiểm định hàng năm và cần phải lượng hóa được các tiêu chí để đo lường, đánh giá. Bên cạnh đó, quá trình giảng dạy cần có sự minh bạch và chuyên nghiệp cao.
Phó Giám đốc cho rằng sự hứng khởi của các đơn vị trong ĐHQGHN hôm nay là nền tảng cho tương lai đổi mới của toàn hệ thống đào tạo. ĐHQGHN cần tiếp tục áp dụng phương án đào tạo theo định hướng cá thể hóa, hướng tới các chương trình đào tạo tài năng, bằng kép…. hoặc người học có thể lựa chọn một số tín chỉ bắt buộc về ngành, một số tín chỉ tùy biến theo mong muốn khi tham gia học đại học.
Công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ, con người mới là yếu tố then chốt
Ngoài việc đề xuất và góp ý các phương pháp giảng dạy đổi mới sáng tạo, các đại biểu tham gia Hội nghị đều đồng tình cho rằng ứng dụng công nghệ thông tin chỉ là biện pháp hỗ trợ, trọng tâm của công cuộc đổi mới phải là thay đổi tư duy và thái độ của những người trong cuộc.
Thay đổi nhận thức của giảng viên cũng là quan điểm nhận được sự đồng tình của Ban Giám đốc, bởi chỉ có khi tìm được nhận thức chung về tầm quan trọng của tiến trình này thì mới có thể có những hành động tương xứng, từ nhận thức đến hành động phải là một chuỗi thống nhất, để từ việc đổi mới giảng dạy, có thể đổi mới cả tư duy, triết lý đào tạo và nội dung giảng dạy.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết xã hội đang biến đổi rất nhanh, vì vậy mỗi người thầy cần phải tiếp cận, đổi mới tư duy trong công tác giảng dạy để bắt kịp với xã hội. Đổi mới giảng dạy phải được coi là vấn đề sống còn của người thầy nói riêng và ĐHQGHN nói chung. Thực hiện được nhiệm vụ đó thì mới thực hiện được sứ mệnh của ĐHQGHN và cần thực hiện đổi mới một cách bài bản, đồng bộ, hệ thống, bền vững, chuyên nghiệp.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận và chỉ đạo tại Hội nghị