PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn chủ trì Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 6 tham luận đến từ các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế đầu ngành.
Bà Nguyễn Thu Oanh - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Tổng hợp, Tổng cục Thống kê với bài “Tổng quan về các nguồn lực cho phát triển kinh tế ở Việt Nam”, trong đó đánh giá khái quát về nguồn nhân lực, vật lực và tài lực ở Việt Nam.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh trong bài trình bày “Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và Việt Nam: Một góc nhìn về nguồn lực và tạo nguồn lực phát triển” cho rằng CMCN 4.0 và Chuyển đổi số có tác động vô cùng sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội loài người. Nguồn lực, nguyên lý vận hành, phương thức sản xuất đang có những thay đổi về chất. Chuyển đổi số có tính tất yếu, là yêu cầu tự nhân của cả nền kinh tế và doanh nghiệp. Chuyển đổi số là một tiến trình đầy thách thức, không có đáp án sẵn đối với mọi nền kinh tế và doanh nghiệp.
Tham luận của TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương về “Vai trò của nhà nước trong phân bố nguồn lực: Những định hướng đổi mới theo nghị quyết của Đảng” đã trình bày một số đặc điểm cơ bản của kinh tế thị trường, đánh giá và định hướng đổi mới thể chế huy động và phân bổ nguồn lực xã hội trong các Nghị quyết của Đảng, từ đó đưa ra một số định hướng giải pháp trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Đình Cung phân tích về vai trò của nhà nước
Với quan điểm, nguồn lực trong nền kinh tế xã hội dù được phân bổ theo cơ chế nhà nước hay thị trường đều phải theo pháp luật, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng có rất nhiều vấn đề cần quan tâm khi chuyển sang phân bổ nguồn lực theo pháp luật như vấn đề sở hữu, hợp đồng, giải quyết tranh chấp, vấn đề minh bạch…
Một nguồn lực cụ thể được thảo luận trong Hội thảo là nguồn lao động với bài trình bày “Phân bổ nguồn lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” của PGS.TS. Lưu Bích Ngọc, Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, bà nhận định cơ chế phân bổ nguồn lực lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong giai đoạn 30 năm đổi mới vừa qua đã có những bước tiến triển rõ rệt. Vai trò của Nhà nước trong trực tiếp phân bổ nguồn lực lao động đã giảm dần và chuyển giao sang cho thị trường. Phân tích về thực trạng và cơ chế phân bổ nguồn lực lao động trong những năm qua khẳng định quan điểm “Thị trường phân bổ nguồn nhân lực, nhà nước định hướng và giám sát” cần tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh trong những thời kỳ tiếp theo.
Phần trình bày của PGS. TS. Lưu Bích Ngọc
“Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”, “văn hoá là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc” - đó là những nhận định được đưa ra trong tham luận “Vai trò của văn hoá đối với phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay” của GS.TS. Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển - ĐHQGHN. Bản tham luận đề cập tới các vấn đề và giải pháp để văn hoá trở thành nguồn lực trực tiếp của phát triển bền vững.
GS.TS. Phạm Hồng Tung tại hội thảo
Hội thảo đã nhận được rất nhiều quan tâm của các đại biểu tham dự. Rất nhiều ý kiến đóng góp được nêu ra, tập trung vào thực trạng và cơ chế phân bổ nguồn lực của Việt Nam hiện nay, các loại nguồn lực mới, các bối cảnh mới thay đổi bức tranh nguồn lực và cách thức nguồn lực được phân bổ, làm thế nào để phân bổ hiệu quả nguồn lực… Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề tài và đưa ra kết quả nghiên cứu phù hợp, đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.