Cần có tư duy lướt ván
28/05/2009 18:17

“Chúng ta có thuận lợi hơn các nước công nghiệp hóa, đó là lợi thế của người đi sau nên không phải phát triển tuần tự mà thừa hưởng những thành quả của thế giới. Hơn nữa, chúng ta có một lớp trẻ đông và rất thông minh, tiếp thu nhanh. Nếu chúng ta biết trọng dụng và thế hệ này, tin tưởng và tạo cơ hội cho họ sáng tạo, cống hiến, chúng ta sẽ có một lớp người mang tư duy toàn cầu và tham gia mạnh vào toàn cầu hóa một cách nhanh chóng” - PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ (Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội).


PV: Mặc dù thời gian đổi mới của đất nước ta mới hơn 20 năm nhưng chúng ta đã tham gia rất mạnh vào quá trình hội nhập với thế giới. Toàn cầu hóa đã thể hiện rất rõ trong các lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Ông thấy quá trình này có tác động như thế nào đối với giáo dục đào tạo trong lĩnh vực kinh tế?
PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ: Trong 20 năm đổi mới, đặc biệt là những năm gần đây, toàn cầu hóa tác động rất mạnh đến các vấn đề kinh tế ở Việt Nam, trong đó có giáo dục về kinh tế. Đầu tiên phải nói đến sự thay đổi nhận thức, tư duy từ cấp quản lý đến doanh nghiệp và nghiên cứu. Tư duy giáo điều, nhận thức hạn hẹp đã bị phê phán mạnh mẽ. Nhiều nghiên cứu đã hướng vào các vấn đề của toàn cầu hóa và sự thay đổi của các nước, khu vực và quốc tế. Ở Việt Nam những tác động của toàn cầu hoá đến các lĩnh vực đầu tư, thương mại và dịch vụ... đã và đang được đặc biệt thu hút dư luận xã hội và các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách.
Trong lĩnh vực kinh doanh, chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam lại sôi động với hội nhập như hiện nay. Bởi thế, nó tác động đến đào tạo nói chung và đào tạo kinh tế nói riêng, thể hiện rõ nhất ở chất lượng. Trước sức ép của hội nhập, nguồn lao động bộc lộ rất nhiều hạn chế. Người tuyển dụng nhận thấy chất lượng đào tạo của mình có vấn đề rất lớn. Chính phủ và cả xã hội đều quan tâm đến giáo dục - đào tạo. Nó như một điểm nóng gây ra rất nhiều tranh luận cả trong và ngoài nước về chất lượng giáo dục Việt Nam. Khi chưa hội nhập, nhiều khi chúng ta tự thỏa mãn với chính mình. Nhưng khi hội nhập, chất lượng bộc lộ ra ngay. Chúng ta phải nhìn lại rất nhiều vấn đề về giáo dục.
PV: Giáo dục - đào tạo nói chung và đào tạo kinh tế nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển đất nước. Nó sẽ góp phần thúc đẩy hoặc cản trở Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Theo ông, hiện nay đào tạo kinh tế ở Việt Nam đang gặp phải khó khăn gì khi tham gia vào hội nhập?
PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ: Các trường đào tạo kinh tế phải rất cố gắng rất nhiều. đặc biệt là các trường quốc lập. đang lúng túng trong chuyển đổi chương trình đào tạo phục vụ thiết thực nhu cầu phát triển kinh tế. Trước kia, chúng ta đào tạo theo khả năng của nhà trường và sở thích của các thày, cô nay phải chuyển sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội, của doanh nghiệp nên gặp khá nhiều lúng túng.
Toàn cầu hóa thúc đẩy ngày càng nhiều các chương trình đào tạo của nước ngoài vào Việt Nam. Một số người đi học nước ngoài rồi quay trở về Việt Nam giảng dạy. Phương pháp đào tạo cũng thay đổi. Phương pháp giáo dục đọc chép đã bị lên án và giảm bớt. Tuy nhiên, trên bình diện chung thì phương pháp truyền thống vẫn còn rất phổ biến.
Toàn cầu hóa trong lĩnh vực đào tạo kinh tế thể hiện ở chỗ hiện nay có rất nhiều ngành nghề mới mà trước đây chưa có như: Bán lẻ, phân tích kinh tế, đào tạo CEO, kinh tế phát triển, kinh tế môi trường, kinh tế bất động sản, kinh tế biển... Chính vì thế, chương trình đào tạo phải thay đổi, sinh viên cũng phải thay đổi cho phù hợp. Trước kia sinh viên rất bị động, nay họ cũng đã năng động hơn. Việc gắn giữa đào tạo với các doanh nghiệp theo mô hình liên kết trước kia rất yếu nay đó lại là nhiệm vụ lớn cho các cơ sở đào tạo.
Những tác động của toàn cầu hóa đến giáo dục kinh tế mặc dù mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng đã xuất hiện ở các quốc gia phát triển khác từ khá lâu rồi. Chúng ta đang cố gắng bắt kịp và hài hòa giữa kiến thức mới về kinh tế thị trường, phương pháp giảng dạy hiện đại với những tồn dư của nền kinh tế tập trung, phương pháp giảng dạy truyền htống... Mặt tích cực của toàn cầu hóa với giáo dục kinh tế có rất nhiều nhưng không phải cái gì cũng hay và phù hợp. Nhiều chương trình đào tạo kinh tế rất hay của Mỹ nhưng nếu bê nguyên vào Việt Nam lại không phù hợp với văn hóa và điều kiện ở Việt Nam cho nên phải điều chỉnh. Sự tiếp thu có điều chỉnh là hết sức cần thiết để tạo ra bản sắc riêng của chúng ta. Tóm lại, toàn cầu hóa đã và đang tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam nói chung và giáo dục kinh tế nói riêng.
PV: Như vậy có thể nói, vai trò của giáo dục và đào tạo là vô cùng quan trọng trong việc tao cho thế hệ trẻ có được tư duy về kinh tế và thương mại chân chính. Vậy theo ông, như thế nào được gọi là tư duy kinh tế toàn cầu chân chính?

PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ: Một là phải có tầm nhìn xa. Có tầm nhìn xa mới có thể dự báo được sự biến động và nắm được những xu hướng tác động, và diễn biến của kinh tế thế giới. Không chỉ có riêng nền kinh tế, và rất nhiều yếu tố khác tương tác với nền kinh tế. Nó tạo ra sự thay đổi rất linh hoạt. Tư duy thế kỉ trước là tư duy đánh golf: Chỉ cần nhìn thấy mục tiêu để đánh quả bóng trúng vào cái lỗ. Còn hiện nay, tư duy phải là lướt ván. Nhiệm vụ của anh là lượn lách giữa những con sóng để đến được mục tiêu. Như vậy, tư duy mang tính toàn cầu là phải mềm mỏng, khéo léo và quyết đoán để đến được với mục tiêu. Mong muốn đến các mục tiêu của các thời là như nhau nhưng tư duy, phương cách đạt được mục tiêu đã khác nhau, phải thay đổi cho phù hợp với thời đại.
Thứ hai, tư duy toàn cầu phải gắn với hành động cụ thể. Có nghĩa là khi tư duy, anh phải nhìn rộng, xa, tính hết những tác động đến mục tiêu của anh. Nhưng khi hành động, thì phải rất cụ thể và thực tiễn.
Thứ ba là độ nhạy phản ứng trong tất cả mọi tình huống. Nó đặt ra cho các nhà lãnh đạo, các doanh nhân phải có hiểu biết rất tốt về lĩnh vực mình đang hoạt động và các lĩnh vực khác có tác động tới lĩnh vực của mình. Chính vì thế thời kì làm việc theo kinh nghiệm, cảm tính không còn thích hợp nữa. Nền kinh tế toàn cầu hóa yêu cầu anh phải tư duy logic và tư duy phân tích thì mới có thể đưa ra những quyết định sát với thực tế.
Cuối cùng, tư duy kinh tế, thương mại toàn cầu chân chính phải mang lại những đóng góp đối với nền kinh tế quốc dân nhưng không đi ngược lại với lợi ích chung của toàn nhân loại.
Tư duy kinh tế toàn cầu đầy đủ và chân chính không phải là thứ đễ có . Nó phải được đào luyện từ nền kinh tế thị trường có độ mở cao chứ không phải đọc sách hay sau một hai năm là có ngay được tư duy đó. Nó luôn gắn với sự phát triển của nền kinh tế. Khi nền kinh tế cọ sát mở cửa, cạnh tranh sẽ buộc các nhà quản lý, doanh nhân phải có tầm nhìn xa, hiểu biết rộng. Từ đó nó tạo ra một thế hệ phát triển tốt. Nếu nhìn vào kết quả kinh doanh hiện nay khó mà đánh giá xem ai có tư duy kinh tế toàn cầu hay chưa.
Tư duy toàn cầu không thể hoàn toàn trông vào sự may mắn (tất nhiên không thể xem thường yếu tố may mắn nhưng nó không thể là chính trong quá trình đạt đến thành công). Ở Việt Nam có nhiều người thành đạt do quan hệ hoặc nhiều yếu tố ngẫu nhiên khác nhưng khi bước vào nền kinh tế toàn cầu chúng ta phải có tầm nhìn, năng lực và sự quyết đoán. Phán đoán được tình thế, giải quyết được những vấn đề cụ thể trong một tổng thể dài hạn thì thành công rất cao.
PV: Như vậy có thể nói, hiện nay chúng ta chưa có được một lớp công dân mang tư duy thương mại toàn cầu chân chính. Ông thấy thế hệ doanh nhân Việt Nam hiện tại còn thiếu những gì và đâu là nguyên nhân của sự thiếu hụt đó?
PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ: Tôi thấy còn thiếu nhiều lắm. Cụ thể, họ thiếu kiến thức chuyên môn về chính lĩnh vực mà họ tham gia vì vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm chứ không được đào tạo bài bản. Thiếu về tư duy chiến lược toàn cầu, năng lực cạnh tranh. Thiếu hiểu biết về kinh doanh, luật pháp và thông lệ quốc tế. Thiếu ngoại ngữ. Tất cả những yếu tố này là rào cản vô cùng lớn khi tham gia hội nhập.
Hiện nay, các trường kinh tế trong nước có nhiều ngành đào tạo, nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm do ngành nghề đào tạo không phù hợp với nhu cầu thị trường. Mặt khác, một phần do sinh viên không chịu chủ động tích cực và phần nữa do chất lượng đào tạo quá kém. Nghề kinh tế cũng giống như nghề bác sĩ. Nếu như nghề bác sĩ học tập không đến nơi đến chốn có thể dẫn đến chết người. Nghề kinh tế chính là nghề chữa bệnh cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Nếu như không có kiến thức, anh ra chọc ngoáy vào doanh nghiệp, vào nền kinh tế khiến cho nó ngả nghiêng, chao đảo thì vô cùng nguy hiểm. Sinh viên kinh tế ra trường hiện nay làm trái ngành, trái nghề rất nhiều.
Trong công tác đào tạo, nhiều trường công còn lúng túng khi tham gia vào quá trình chuyển đổi cho phù hợp với thực tiễn của thời toàn cầu hóa; còn trường tư thì chất lượng có giỏi lắm thì cũng chỉ ngang bằng trường dạy nghề. Trước khi đào tạo, phải dự đoán được nhu cầu thị trường không chỉ ngắn hạn mà phải biết dự báo dài hạn (thường là sau 4 năm đối với cử nhân). Tư duy toàn cầu phải là tư duy nhìn xa trông rộng, lường được những thay đổi lớn chứ không phải nhìn thấy cái lợi trước mắt và giáo dục đào tạo cũng phải nắm bắt được những điều đó.
PV: Vậy theo ông, đào tạo như thế nào để có được một thế hệ trẻ mang tư duy kinh tế, thương mại toàn cầu một cách chân chính?
PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ: Trước khi bắt đầu một việc gì anh phải có sự chuẩn bị cả về nhận thức lẫn tư duy và những điều kiện nhất định. Đã có nhiều tranh luận về vấn đề này: Nhiều người theo chủ nghĩa kinh nghiệm vẫn nói là cứ làm rồi sẽ rút ra kinh nghiệm; Những người khác cho rằng có đào tạo vẫn hơn, phải thông qua giáo dục để có một thế hệ tài năng. Nhưng theo tôi, phải phối hợp cả hai phương pháp trên. Về nguyên tắc, kiến thức rất rộng, kĩ năng rất nhiều. Do vậy một người muốn có tầm nhìn xa phải học: Học trong nhà trường, học ngay trong công việc từ đồng nghiệp, học từ thực tiễn và học thông qua rèn luyện.
Thời trẻ tuổi, quan trọng nhất vẫn là học trong nhà trường để có một nền kiến thức chuẩn . Nó cung cấp cho học sinh những điều bổ ích từ kho kiến thức của nhân loại từ đó giảm bớt thời gian tích lũy. Tuy nhiên, học như thế nào, học cái gì thì giáo dục của chúng ta vẫn đang còn vướng mắc. Học cái gì thì chương trình đào tạo phải chuẩn, phải xác định được đúng thứ cần học nếu không sẽ mất thời gian. Học như thế nào nói đến phương pháp học và phương pháp tư duy. Nhà trường phải dạy cho người học không chỉ kiến thức, kĩ năng mà quan trọng nhất còn phải dạy cho họ phương pháp tự học suốt đời. Không phải anh có bằng tiến sĩ xong rồi là xong. Khi anh đã biết cách tự học, anh sẽ có cách biến đổi linh hoạt cho phù hợp với sự thay đổi chóng mặt của thực tế thời toàn cầu hóa.
Thứ hai là phải dạy cho thế hệ trẻ đam mê và hoài bão bởi vì trong tư duy kinh tế, thương mại toàn cầu, nếu không có đam mê, hoài bão, thì suốt đời chỉ làm thuê, làm thợ.
Thứ ba là dạy cho học sinh một nền tảng đạo đức. Sự thành đạt vững chắc nhất phải dựa trên những nền tảng đạo đức. Suy cho cùng, tất cả mọi hoạt động đều để phục vụ cho con người. Tất cả những thứ khác chỉ là công cụ để con người tự giải phóng và đạt đến sự tự do. Triết lý ấy không phải bất kì người làm kinh tế nào cũng có được. Khi nó ngấm vào trong thế hệ trẻ, họ sẽ có trách nhiệm với cộng đồng. Khi không có trách nhiệm với chính bản thân và cộng đồng mà họ đang sống thì sự thành công không thể đi xa được. Đặc biệt khi bước chân ra môi trường toàn cầu, anh sẽ bị đào thải.
Cuộc chơi toàn cầu tính đến giá trị nhân văn, không chấp nhận sự láu cá, chụp giật. Chúng ta có thuận lợi hơn các nước đi trước là mình có lợi thế của người đi sau nên không phải phát triển tuần tự mà thừa hưởng những thành quả của thế giới. Hơn nữa, chúng ta có một lớp trẻ rất thông minh tiếp thu nhanh. Nếu chúng ta biết trọng dụng và thế hệ này, tin tưởng và tạo cơ hội cho họ sáng tạo, chúng ta sẽ có một lớp người mang tư duy toàn cầu và tham gia mạnh vào toàn cầu hóa một cách nhanh chóng.

(Vietimes)