Xung đột Nga - Ukraine và các tác động đến nền kinh tế Việt Nam: Những phân tích mới mẻ từ góc nhìn kinh tế chính trị
18/03/2022 18:06

Nhằm mục đích nhận diện sâu sắc hơn về cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng như giúp các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học Ngành Kinh tế Chính trị và Quản lý kinh tế có cơ hội được lắng nghe, được trao đổi về vấn đề chính trị, kinh tế thời sự nóng hổi, ngày 17/03/2022, tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, Khoa Kinh tế Chính trị đã tổ chức thành công seminar khoa học “Xung đột Nga - Ukraine và các tác động đến nền kinh tế Việt Nam”.



Các đại biểu tham dự seminar khoa học

Tham dự buổi seminar có sự hiện diện của các diễn giả Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng Phòng Thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng và TS. Tô Thế Nguyên, Phó Trưởng Khoa Kinh tế Chính trị. Cùng tham dự buổi trao đổi có các thầy cô giáo là lãnh đạo, giảng viên của Khoa, các nghiên cứu sinh và học viên cao học chương trình sau đại học của hai Ngành Kinh tế chính trị và Quản lý kinh tế.

Mở đầu buổi tọa đàm, Đại tá Lê Thế Mẫu đã dành phần lớn thời gian để cung cấp cho đại biểu bức tranh toàn cảnh mang tính lịch sử, được coi là nguồn gốc sâu xa dẫn đến chiến dịch quân sự đặc của Nga tại Ukraine. Đó là những vấn đề liên quan đến địa chính trị của Ukraine, là vị trí vô cùng đặc biệt của Nga theo học thuyết địa chính trị cổ điển của Halford John Mackinder được công bố vào năm 1904, hay còn là sự khác biệt về hệ tư tưởng, hệ giá trị giữa các quốc gia được minh họa thông qua những ví dụ sinh động về tình cảm gia đình, tình yêu thương con người, quan niệm về chủ quyền quốc gia, dân tộc. 

Khoa Kinh tế Chính trị đã lựa chọn chủ đề seminar khoa học hết sức thời sự

Các diễn giả cũng mang đến những cách tiếp cận và góc nhìn mới mẻ về cuộc xung đột này, khi nhìn nhận nó là một cuộc giao tranh phức hợp, sử dụng đồng thời các công cụ kinh tế - ngoại giao - quân sự - không gian mạng. Đặc biệt, các đại biểu cũng chia sẻ quan điểm đằng sau một cuộc xung đột hiện hữu giữa hai quốc gia là một cuộc chiến tranh thông tin chưa từng có, với một lượng thông tin khổng lồ, đa dạng đến từ nhiều nguồn khác nhau mà có lẽ mỗi chúng ta cần có những tìm tòi, phân tích, nghiên cứu sâu sắc mới có thể đánh giá toàn diện. Bên cạnh đó, câu chuyện của Nga và Ukraine đã gợi mở một khái niệm chủ quyền mới, đó là “chủ quyền thông tin”, bên cạnh khái niệm chủ quyền truyền thống như bảo vệ lợi ích hợp pháp trong biên giới, dân tộc, lãnh thổ.  

Đại tá Lê Thế Mẫu, TS. Tô Thế Nguyên và TS. Vũ Duy cùng trao đổi về những tác động của cuộc xung đột đối với nền kinh tế Việt Nam

Một câu hỏi cốt lõi mà các nhà nghiên cứu dành phần lớn thời lượng để trao đổi là các tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đến các quan hệ kinh tế, phi kinh tế toàn cầu. Đối với bản thân nước Nga, Đại tá Lê Thế Mẫu cho rằng trong quá khứ, “nhờ” những cấm vận kinh tế từ Phương Tây mà nước Nga đã có những động lực phát triển đột phá, sử dụng hiệu quả nguồn lực nội tại, đặc biệt là công nghệ và nông nghiệp để tự vươn lên trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Vì vậy, ông dự đoán nước Nga có khả năng sẽ tự kiểm soát được các tác động của cuộc xung đột hiện tại đến nền kinh tế quốc gia. 

Bàn sâu về tác động đến nền kinh tế Việt Nam, TS. Tô Thế Nguyên cho rằng rõ ràng Việt Nam đã và đang chịu những tác động đến từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Theo số liệu của Bộ Công thương thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga khoảng 8 tỷ USD, chỉ chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tác động trực tiếp tới nước ta tuy không lớn nhưng tác động gián tiếp lại vô cùng khó lường trước. Đó là nguy cơ đình trệ sản xuất do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu, đó có thể là nguy cơ về sự phục hồi thiếu ổn định của thị trường du lịch sau đại dịch Covid, hay sự biến động của các thị trường vàng và chứng khoán. Tiến sĩ cũng bật mí ông đang cùng một nhóm nghiên cứu mạnh của Khoa Kinh tế chính trị thu thập các số liệu và nghiên cứu lượng hoá các tác động cụ thể của cuộc khủng hoảng này lên nền kinh tế Việt Nam. 

Nhín nhận cơ hội từ những thách thức chính trị toàn cầu, TS. Tô Thế Nguyên và Đại tá Lê Thế Mẫu đều nhận định rằng “trong cái rủi có cái may” khi thiệt hại luôn đan xen và đi cùng với cơ hội. Theo nhận định của các chuyên gia, hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài đang rút khỏi thị trường Nga, và đây chính là cơ hội vàng để Việt Nam thâm nhập vào thị trường hàng hoá, dịch vụ mà Nga đang rất cần, còn Việt Nam lại có lợi thế như quần áo, giầy dép, thực phẩm… Các khó khăn liên quan đến thanh toán quốc tế do các lệnh cấm vận cũng được dự báo sẽ hạ nhiệt, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt chuyển hướng đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, TS. Tô Thế Nguyên nhấn mạnh, cơ hội là rõ ràng, nhưng bản thân doanh nghiệp Việt cần chủ động điều chỉnh chiến lược sản xuất, hướng tới giảm sản xuất mang tính manh mún cũng như xuất khẩu thô giá trị thấp để có thể sẵn sàng đón đầu những cơ hội mới. 

Buổi seminar thu hút sự chú ý của các học viên cao học Ngành Kinh tế Chính trị và Quản lý kinh tế 

Chủ đề Nga - Ukraine trở nên nóng hơn bao giờ hết khi nhận được nhiều sự quan tâm, đặt câu hỏi từ phía các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Những câu hỏi về bài học từ cuộc xung đột, giữa người thắng và kẻ thua, giữa các mối quan hệ ngoại giao hậu xung đột… cũng đã được các thầy cô cùng khách mời trao đổi, thảo luận một cách cởi mở, thẳng thắn, chuyên sâu và trên cơ sở khoa học.

PGS. TS. Phạm Văn Dũng thể hiện đồng tình với cách tiếp cận nghiên cứu và phân tích của các diễn giả

PGS. TS. Phạm Văn Dũng, nguyên Trưởng Khoa Kinh tế Chính trị đã chia sẻ sự đồng tình với các ý kiến được đưa ra thảo luận, đồng thời cảm ơn các diễn giả đã cung cấp nhiều thông tin hết sức mới mẻ, sâu sắc và mang tính khoa học về cuộc xung đột cũng như các tác động của nó. 

Tọa đàm kết thúc sau gần 3 giờ trao đổi sổi nổi giữa các diễn giả và các thầy cô giáo, nghiên cứu sinh và học viên. Trong thời gian tới, Khoa Kinh tế chính trị - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN sẽ tiếp tục kết nối với các chuyên gia uy tín trong nước và trên thế giới để tổ chức những diễn đàn trao đổi học thuật về các chủ đề liên quan đến kinh tế chính trị. 


TS. Nguyễn Hương Lan