Chất lượng năm học mới
21/09/2009 09:09

Xã hội luôn đau đáu với câu hỏi “Học phí tăng, chất lượng có tăng?”. Điều này, chỉ các cơ sở giáo dục là nơi có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất


Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2008 - 2009 và triển khai nhiệm vụ năm học mới cho khối các trường Đại học, Cao đẳng. Rất nhiều vấn đề đã được đặt ra xoay quanh câu hỏi: Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục?Tập trung đổi mới quản lý

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sau 22 năm đổi mới, hệ thống giáo dục ĐH đã có những thay đổi to lớn với quy mô các trường ĐH, CĐ tăng lên 3,7 lần, quy mô sinh viên (SV) tăng 13 lần nhưng số giảng viên chỉ tăng lên gấp 3 lần. Vì thế, tỷ lệ SV/giảng viên tăng từ 6,6 SV/giảng viên lên 28 SV/giảng viên (gấp 4,2 lần). Như vậy, điều kiện để đảm bảo chất lượng giáo dục không bằng 20 năm trước. Trong khi đó, phương pháp quản lý của Bộ GD - ĐT đối với các trường về cơ bản không thay đổi. Vì vậy, chủ đề của năm học này sẽ là “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Đây sẽ là năm học khởi đầu cho quá trình đổi mới về quản lý giáo dục ĐH được thực hiện trong 3 năm tới.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay còn thấp, chưa đáp ứng kịp yêu cầu của xã hội. Có nhiều nguyên nhân, do cơ chế, chính sách, quản lý Nhà nước, cơ sở vật chất... nhưng cần tập trung vào nguyên nhân do yếu kém về quản lý Nhà nước. Cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa huy động, tranh thủ mạnh mẽ nguồn lực từ bên ngoài để phát triển giáo dục - đào tạo. Trong đánh giá 10 năm qua, giáo dục có nhiều tiến bộ nhưng chưa trở thành quốc sách hàng đầu. Do đó, cần tiếp tục tập trung vào đổi mới quản lý và đây cũng là chủ đề của năm học 2009 - 2010 với khối ĐH, CĐ: “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Bộ GD-ĐT cần rà soát hoàn thiện khung pháp lý với tinh thần để các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ quy định của pháp luật và phát triển được, không còn tình trạng xin - cho.

Học phí tăng, chất lượng có tăng?

Ngày 21/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1310/QĐ-TTg về việc điều chỉnh khung học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2009 - 2010. Quyết định này bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9 tới đây. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì, mức học phí một tháng trên một học viên đối với dạy nghề trình độ trung cấp nghề trở xuống là từ 20.000 - 160.000 đồng; trung cấp chuyên nghiệp từ 15.000 - 135.000 đồng; CĐ, CĐ nghề từ 40.000 - 200.000 đồng; ĐH từ 50.000 - 240.000 đồng; đào tạo thạc sĩ, từ 75.000 - 270.000 đồng; đào tạo tiến sĩ từ 100.000 - 300.000 đồng. Với mức quy định này, ở khối ĐH, mức tăng kịch trần sẽ là 240.000 đồng/tháng.

Ông Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế, một trường thành viên thuộc ĐHQG Hà Nội, cho rằng: Mức học phí được áp dụng từ năm học mới sắp tới đã được cải thiện so với mức thu hiện tại nhưng xét cụ thể ở một số đơn vị, một số ngành đầu tư để có chất lượng tốt thì mức thu này chưa thấm vào đâu. Thời gian qua, trường ĐH Kinh tế đã thí điểm mô hình này và được học viên rất ủng hộ. Thực tế, nhu cầu của mọi người khác nhau, không ít người có nhu cầu được học tập trong những điều kiện tốt. “Đối với giáo dục ĐH, quan trọng nhất là phải có chất lượng. Muốn có chất lượng phải đầu tư và để đầu tư thì phải có mức thu phù hợp. Nhưng tôi quan niệm, không phải ngành nào cũng có thể tăng kịch trần vì có những ngành học phí như hiện tại còn hiếm người học. Do đó, tăng ở mức nào nên tùy thuộc vào cung - cầu của từng ngành. Học phí nên tính theo hai nhóm: một nhóm nằm trong khung và một nhóm có thể thu cao hơn như các chương trình liên kết đào tạo với quốc tế...” - ông Nhạ phân tích.

Ông Mai Trọng Nhuận, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết, chắc chắn trong năm học tới, học phí ở ĐHQG Hà Nội sẽ tăng vì mức thu hiện tại quá thấp, nhưng tăng ở mức nào thì chưa biết. Bởi vì, hiệu trưởng các trường trực thuộc ĐHQG sẽ được quyết định mức thu trên cơ sở định hướng chung để một mặt thu hút người tài vào học - đối tượng này không những không phải đóng học phí mà còn được cấp học bổng khi vào học; mặt khác chỉ tăng học phí với những ngành học hấp dẫn để hỗ trợ lại cho những ngành ít người theo học. Như vậy, chắc chắn những ngành này học phí sẽ không tăng hoặc có tăng thì không bao giờ chạm trần. “Các trường ĐH phải tìm bằng được mọi nguồn lực khác nhau để thu hút người học”- ông Nhuận bày tỏ.

Cũng liên quan đến vấn đề chất lượng ĐH, ông Nguyễn Ái Phương, Hiệu trưởng trường Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội khẳng định, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng. Bên cạnh vấn đề con người thì học phí cũng đóng vai trò quyết định. Xã hội luôn đau đáu với câu hỏi “Học phí tăng, chất lượng có tăng?”. Điều này, chỉ các cơ sở giáo dục là nơi có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất./.


Nguyễn Hằng (Báo TNVN)