Tọa đàm khoa học về “Phát triển thị trường tín chỉ carbon: Kinh nghiệm quốc tế”
22/08/2023 08:48

Trong khuôn khổ đề tài tư vấn chính sách do PGS.TS. Lưu Quốc Đạt làm chủ nhiệm, vào ngày 9/8/2023, nhóm thành viên đề tài đã kết hợp với Giáo sư Shuo-Yan Chou - giảng viên Khoa Quản lý Công nghiệp, giám đốc trung tâm đổi mới sáng tạo Internet vạn vật, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Đài Loan (National Taiwan University of Science and Technology - NTUST) tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Phát triển thị trường tín chỉ carbon: Kinh nghiệm quốc tế”. 



Tọa đàm được tổ chức dưới hình thức hybrid, trực tiếp tại Khoa Quản lý công nghiệp - NTUST, tại Phòng 711 Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và trực tuyến qua nền tảng Zoom. Tọa đàm có sự tham dự đông đảo của các giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên Khoa Quản lý Công nghiệp - NTUST cùng các giảng viên và sinh viên Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN.

Hình ảnh tại Tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Giáo sư Shuo-Yan Chou bày tỏ sự vui mừng khi nhận được lời mời hợp tác nghiên cứu từ các giảng viên của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Giáo sư cho biết “hiện nay, biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính toàn cầu liên quan đến sự phát triển bền vững của xã hội và con người trên thế giới. Các rủi ro về khí hậu, như các sự kiện thời tiết cực đoan và các hoạt động tạo ra lượng khí thải carbon cao đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế. Các chính phủ và các tổ chức của quốc gia đã ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu theo nhiều cách khác nhau, trong đó việc ra mắt thị trường giao dịch tín chỉ carbon”. Vì thế, chủ đề “phát triển thị trường tín chỉ carbon” cũng đang được các thành viên của Trung tâm, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên tham gia nghiên cứu.  

PGS.TS. Lưu Quốc Đạt - chủ nhiệm đề tài đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày khái quát chung về mục tiêu và nội dung của đề tài, đồng thời trình bày bài tham luận về “Các yếu tố ảnh hưởng và tiêu chí đánh giá phát triển thị trường tín chỉ carbon”. Thành viên nhóm nghiên cứu (TS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà - giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển, trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN; Phạm Thu Uyên - học viên tại Khoa Quản lý Công nghiệp, NTUST) đã có phần trình bày và trao đổi liên quan tới chủ đề “Kinh nghiệm phát triển thị trường tín chỉ carbon trên thế giới”. Bài tham luận đã cung cấp góc nhìn tổng quát nhất về thị trường tín chỉ carbon. Hiện nay một số nước trên thế giới như Liên minh Châu Âu, New Zealand, Trung Quốc đã và đang phát triển thị trường carbon, mang lại những tín hiệu tích cực và tiến tới mục tiêu gây dựng môi trường xanh, ngăn giảm biến đổi khí hậu”. Đặc biệt tại Trung Quốc, vào tháng 7/2021, thị trường giao dịch trao đổi carbon đã chính thức vận hành nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon năm 2060. Theo báo cáo của Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc (MEE) năm 2021, Trung Quốc là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, đã thành công trong việc giảm 18,8% “cường độ carbon” trong 5 năm gần nhất. Trong khoản thời gian 5 năm, GDP của Trung Quốc đã tăng lên 101,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 15,71 nghìn tỷ USD). Trong khi đó, tại Việt Nam, các hoạt động liên quan đến tín chỉ carbon còn khá hạn chế. Chính phủ hiện đang đặt mục tiêu thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025. Đồng thời đặt mục tiêu từ nay đến năm 2027, sẽ tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tiếp ngay sau là phần trình bày của các thành viên, nghiên cứu sinh và sinh viên đang thực tập của Trung tâm đổi mới sáng tạo Internet vạn vật, NTUST về các chủ đề: Thiết kế khung chính sách thuế carbon bền vững sử dụng phương pháp SD - DEA (Zakka Ugih Rizqi); Tổng quan về tài chính xanh (Lê Vũ Hà An); Phát thải carbon - phạm vi 1,2 và 3 (Lê Ngọc Bảo Anh). 

Tạo đàm đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ và thảo luận liên quan tới các yếu tố ảnh hưởng cũng như các giải pháp quốc tế có thể vận dụng nhằm phát triển thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Phát biểu bế mạc buổi tọa đàm, PGS.TS. Lưu Quốc Đạt cho biết hiện nay Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đang tập trung đầu tư nguồn lực cho các đề tài/dự án chuyển giao, trong đó có đề tài “Phát triển thị trường tín chỉ carbon: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. Nhằm triển khai thực hiện tốt đề tài, nhóm mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ từ các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt là từ nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Đài Loan.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN