Việt Nam đang đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các quy định quản lý tín chỉ carbon, định giá carbon và trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, quyết tâm thực hiện cam kết chung của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải bằng 0 đến năm 2050.
Thị trường carbon - chìa khóa cho chuyển đổi xanh
Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào tháng 12/1997. Đến nay, thị trường carbon đã phát triển mạnh tại các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á. Tại Việt Nam, Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon, cũng như đối tượng tham gia vào thị trường carbon. Dự thảo Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” được xây dựng trên cơ sở Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Để có cơ sở phát triển và vận hành hiệu quả thị trường tín chỉ carbon, việc nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công trong phát triển và vận hành thị trường là rất cấp thiết.
Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường tín chỉ carbon
Châu Âu - khu vực dẫn đầu thế giới về sử dụng thị trường tín chỉ phát thải carbon
Tại khu vực này, các giải pháp nhằm phát triển thị trường carbon đã và đang được triển khai với mục đích nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cơ chế thị trường
EU đã thiết lập ra hệ thống EU ETS để trao đổi giấy phép phát thải. Hiện tại, EU ETS đang nhắm tới nhóm ngành sản xuất điện và nhiệt, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Ngoài ra, hệ thống cũng bao gồm đường hàng không trong Khu vực Kinh tế Châu Âu và khởi hành các chuyến bay đến Thụy Sĩ và Vương quốc Anh cũng như ngành vận tải hàng hải của khu vực. Tổng cộng, EU ETS quy định lượng khí thải từ 8,757 nhà máy điện và nhiệt và các cơ sở sản xuất, cũng như 371 nhà khai thác máy bay bay giữa các sân bay của Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA) và từ EEA đến Thụy Sĩ và Vương quốc Anh. Con số này chiếm khoảng 36% tổng lượng khí thải của EU.
Các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường carbon
Giới hạn lượng khí thải phát hành: Được áp dụng thông qua hệ thống ETS, chính sách này nhằm mục tiêu giảm thiểu lượng khí thải của các nhà máy và nhà sản xuất năng lượng. Theo EU, giới hạn lượng khí thải được phát hành trong giai đoạn 2021-2030 đã được xác định là 1,57 tỷ tấn CO2, thấp hơn so với giai đoạn trước đó (2013-2020) là 1,95 tỷ tấn CO2.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM): Công cụ này hỗ trợ xây dựng một sân chơi bình đẳng cho các ngành công nghiệp của EU, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ quá trình giảm lượng khí thải trên toàn cầu.
Nâng cao năng suất: Châu Âu áp dụng các chính sách và biện pháp để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, bao gồm chương trình đổi mới và nâng cấp hạ tầng năng lượng, tăng cường tiêu chuẩn hiệu suất cho các sản phẩm và thiết bị tiêu dùng, khuyến khích sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp và đầu tư xây dựng. Châu Âu còn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ để cải thiện hiệu suất sản xuất, giảm lượng khí thải từ các quá trình sản xuất.
Chương trình hỗ trợ phát triển công nghệ sạch: Châu Âu đã đầu tư vào các công nghệ sạch, đặc biệt là các loại năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, năng lượng từ chất thải và năng lượng hạt nhân.
Hỗ trợ đào tạo và chuyển giao công nghệ: Châu Âu cung cấp nguồn tài chính để hỗ trợ cho các hoạt động đào tạo và chuyển giao công nghệ sạch cho các doanh nghiệp và tổ chức, giúp họ hiểu và áp dụng các công nghệ sạch vào sản xuất và kinh doanh của mình. Chính phủ cũng thiết lập các cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào các dự án giảm thiểu khí thải, tạo ra một thị trường carbon có tính minh bạch và công bằng.
Thuế carbon: Châu Âu áp dụng các chính sách về thuế carbon, thành lập các cơ quan và chương trình hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển thị trường carbon. Mức thuế carbon cũng được áp dụng thông qua các chính sách khác như thuế năng lượng và thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm liên quan đến carbon.
Định giá carbon: Châu Âu có thể áp dụng các chính sách carbon pricing (giá đặt quyền khí thải) bên ngoài hệ thống ETS để đóng góp vào việc giảm thiểu khí thải.
Canada áp dụng định giá carbon trên tất cả các tỉnh và vùng lãnh thổ
Dựa trên “Phương pháp tiếp cận toàn Canada để định giá ô nhiễm carbon” được thông qua năm 2016, các khu vực pháp lý của Canada đã linh hoạt thiết kế và triển khai hệ thống định giá carbon riêng phù hợp với nhu cầu địa phương, miễn là nó đáp ứng các tiêu chuẩn liên bang. Tại Québec, thành phố này đã thiết lập một hệ thống giới hạn và trao đổi đối với các khoản trợ cấp phát thải khí nhà kính (hệ thống C&T) để chống biến đổi khí hậu vào năm 2013. Tiếp đó, năm 2014, Québec đã liên kết hệ thống với California, tạo ra thị trường carbon lớn nhất ở Bắc Mỹ và là thị trường đầu tiên được thiết kế và quản lý bởi chính quyền địa phương ở các quốc gia khác nhau.
Cơ chế thị trường
Hệ thống C&T vận hành tương tự hệ thống ETS của EU. Tại Québec, Chính phủ đặt ra mức trần tổng thể về phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực được đề cập trong một khoảng thời gian nhất định. Giới hạn này được giảm dần theo thời gian với mục đích khuyến khích giảm phát thải. Mức trần tổng thể về phát thải khí nhà kính cho năm 2021 là 55.26 triệu đơn vị phát thải và đặt ra mục tiêu hướng đến năm 2030 với 44.14 triệu đơn vị phát thải. Hệ thống C&T yêu cầu định lượng nghiêm ngặt lượng phát thải khí nhà kính hàng năm. Các cơ chế xác minh cũng được xác định, bao gồm nghĩa vụ đối với tất cả các cơ quan phát thải tuân theo hệ thống C&T phải được một tổ chức độc lập được công nhận xác minh bản kê khai hàng năm của họ.
Các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường carbon
Chính sách phát hành miễn phí tín chỉ phát thải: Việc phân bổ các đơn vị phát thải miễn phí là một cơ chế hệ thống C&T được thiết kế để giúp duy trì khả năng cạnh tranh của các công ty và tránh “rò rỉ carbon”.
Hệ thống định giá carbon: Từ năm 2019, Canada đã áp dụng hệ thống định giá carbon trên toàn quốc, gọi là Chương trình Giảm thiểu Khí thải (OBPS). Hệ thống này bao gồm việc đưa ra mức giá carbon tối thiểu và giới hạn lượng khí thải có thể phát hành của các doanh nghiệp lớn trong các ngành công nghiệp lớn.
Hỗ trợ công nghệ sạch: Canada đã đầu tư vào các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ sạch, bao gồm các dự án về điện mặt trời, gió và điện từ năng lượng mặt biển; cung cấp hỗ trợ tài chính để thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ sạch và giảm thiểu lượng khí thải.
Thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo: Canada đã đưa ra một số chính sách để thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, bao gồm các khoản tín dụng thuế và giảm thuế cho các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo.
Hỗ trợ tài chính cho các dự án giảm khí thải: Canada cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án giảm khí thải, bao gồm các dự án về năng lượng sạch, vận chuyển công cộng và giảm thiểu lượng rác thải.
Xây dựng mối quan hệ đối tác: Chương trình Khí thải và Chất lượng Khí quyển của Canada đã tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia thị trường carbon và đóng góp vào việc giảm thiểu khí thải. Chính phủ cũng đưa ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng năng lượng sạch, tăng cường năng suất và giảm thiểu khí thải. Mối quan hệ đối tác của Canada cũng bao gồm việc hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực Bắc Mỹ và trên toàn thế giới để phát triển thị trường carbon toàn cầu.
Nhật Bản – quốc gia sớm xây dựng thị trường carbon ở châu Á
Đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản chưa thiết lập thị trường carbon bao phủ toàn quốc; tuy nhiên, thủ đô Tokyo và tỉnh Saitama đã xây dựng và vận hành thị trường carbon suốt nhiều năm qua. Chính phủ đã đầu tư vào các chương trình hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo và tăng cường hiệu quả năng lượng.
Cơ chế thị trường
Chương trình Cap-and-Trade của chính quyền thành phố Tokyo (TMG): Hệ thống TMG vận hành vào tháng 4/2010 và là ETS bắt buộc đầu tiên của Nhật Bản. Tokyo ETS đề cập đến lượng khí thải CO2 từ các tòa nhà lớn, nhà máy, nhà cung cấp nhiệt và các cơ sở khác tiêu thụ một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch. Giới hạn được tổng hợp từ dưới lên từ cấp cơ sở. Các thực thể được quản lý phải giảm lượng khí thải xuống dưới mức cơ sở cụ thể, với các khoản tín dụng được cấp cho những người có lượng khí thải thấp hơn mức cơ sở của họ.
Thị trường carbon của tỉnh Saitama: ETS của tỉnh Saitama được ra mắt vào tháng 4/2011. Thị trường bao phủ khoảng 20% lượng khí thải năm 2019 của tỉnh. Hệ thống bao gồm khoảng 600 đơn vị trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp và thương mại. ETS của Saitama được liên kết với Chương trình Cap-and-Trade của Tokyo, với các khoản tín dụng có thể trao đổi lẫn nhau giữa hai khu vực pháp lý.
Các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường carbon
Chính sách hỗ trợ công nghệ sạch: Nhật Bản áp dụng nhiều chính sách để hỗ trợ việc phát triển và áp dụng công nghệ sạch, bao gồm Chương trình Khí thải và Năng lượng tiết kiệm (TRP) và Chương trình Giảm khí thải (JCM).
Thuế carbon: Nhật Bản áp đặt thuế carbon từ năm 2012, bắt đầu từ 289 yên (khoảng 2,6 USD) mỗi tấn CO2 và tăng dần lên 459 yên (khoảng 4,2 USD) vào năm 2020.
Chương trình khí thải và năng lượng tiết kiệm: Cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật giúp giảm lượng khí thải đến 5 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Chương trình khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo: Chính phủ áp dụng các chương trình như chương trình hỗ trợ giá điện tái tạo, chương trình hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp đặt thiết bị năng lượng tái tạo.
Chương trình giảm khí thải trong ngành đô thị: Chương trình giúp giảm lượng khí thải đến 23 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Gợi mở hàm ý chính sách cho Việt Nam
Thiết lập hệ thống giao dịch khí thải (Emission Trading System - ETS) để trao đổi giấy phép phát thải. Các doanh nghiệp có thể mua, bán hoặc trao đổi các giấy phép phát thải với nhau, dẫn đến việc hình thành thị trường carbon.
Ban hành chính sách giới hạn lượng khí thải được phát hành nhằm giảm thiểu lượng khí thải của các nhà máy và nhà sản xuất năng lượng. Ví dụ, EU giới hạn lượng khí thải được phát hành trong giai đoạn 2021-2030 là 1,57 tỷ tấn CO2.
Hình thành cơ chế điều chỉnh biên giới carbon nhằm đảm bảo tính công bằng và tính cạnh tranh đối với hàng hóa của các nhà sản xuất. Công cụ này có thể hỗ trợ xây dựng một sân chơi bình đẳng cho các ngành công nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình giảm lượng khí thải trên toàn cầu.
Hỗ trợ phát triển công nghệ sạch nhằm giảm lượng khí thải, tạo ra việc làm mới và giúp giảm chi phí sản xuất.
Hỗ trợ đào tạo và chuyển giao công nghệ: Cung cấp nguồn tài chính để hỗ trợ cho các hoạt động đào tạo và chuyển giao công nghệ sạch cho các doanh nghiệp và tổ chức, giúp họ hiểu và áp dụng các công nghệ sạch vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thiết lập cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các dự án giảm thiểu khí thải; tạo thị trường carbon minh bạch, đảm bảo tính an toàn cho các giao dịch trên thị trường.
Thuế carbon: Chính phủ nhiều quốc gia cũng đã áp dụng các chính sách về thuế carbon như thuế năng lượng và thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm liên quan đến carbon, thuế carbon đối với các phương tiện giao thông.
Định giá carbon: Có thể áp dụng các chính sách giá đặt quyền khí thải bên ngoài hệ thống ETS để đóng góp vào việc giảm thiểu khí thải, ví dụ như thuế carbon hoặc hệ thống quy đổi khí thải.
Cần có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; hoàn thiện khung pháp lý về phát triển thị trường tín chỉ carbon.
Ưu tiên phát triển thị trường carbon rừng; hợp pháp hóa quyền và chuyển quyền carbon dựa vào sở hữu đất đi kèm với các biện pháp đảm bảo an toàn trong cơ chế chia sẻ lợi ích; hướng tới cả thị trường carbon tự nguyện và bắt buộc, có ưu tiên phát triển thị trường tự nguyện; kết nối thị trường carbon nội địa với thị trường carbon quốc tế.
Nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính; lập kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính phù hợp; trang bị kiến thức về thị trường carbon.
>>> NHÀ TƯ VẤN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐHQGHN
>>> TOÀN VĂN