Thương mại tự do và cạnh tranh là một chủ đề đã được nghiên cứu rộng rãi ở trong và ngoài nước. Trong những năm gần đây, đã có nhiều nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm được thực hiện về tác động của tự do hóa thương mại và cạnh tranh từ hàng nhập khẩu tới hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Các nghiên cứu này đã chỉ ra cách thức mà thương mại tự do và cạnh tranh nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Cạnh tranh nhập khẩu thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao năng suất, thúc đẩy đầu tư và đổi mới, cũng như tái phân bổ nguồn lực giữa các ngành sản xuất, qua đó đóng góp vào sự phát triển công nghiệp và sự phát triển kinh tế nói chung.
Để ước lượng tác động của hội nhập kinh tế khu vực tới chất lượng sản phẩm, trước hết cần ước tính hàm sản xuất dựa trên khối lượng và ước tính chất lượng sản phẩm. Phương pháp ước tính hàm sản xuất cho phép xác định tiền lãi cộng thêm (product markup) theo sản phẩm, và tính đến sự thay đổi tiền lãi cộng thêm theo thời gian và giữa các công ty. Các giá trị tiền lãi cộng thêm sau đó được sử dụng để xây dựng một thước đo về chất lượng sản phẩm. Tiếp theo cần sử dụng biên độ thuế quan ưu đãi và nhập khẩu từ các nước ASEAN và các nước đối tác của ASEAN trong các hiệp định thương mại tự do ASEAN+1 để thể hiện mức độ cạnh tranh nhập khẩu. Các kết quả ước tính cho thấy tác động tích cực của hội nhập kinh tế khu vực tới việc nâng cao chất lượng sản phẩm trong các doanh nghiệp chế tạo Việt Nam. Các doanh nghiệp tăng chất lượng sản phẩm cũng như tăng tốc độ đổi mới sản phẩm để đối phó với áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu. Ngoài ra, cũng có sự bổ sung giữa cạnh tranh nhập khẩu và cạnh tranh trên thị trường nội địa. Thuế quan ưu đãi và nhập khẩu từ các nước ASEAN và các nước đối tác ASEAN+1 có tác động mạnh hơn tới chất lượng sản phẩm trong những ngành chế tạo có mức độ tập trung công nghiệp thấp hơn và do đó có cạnh tranh nội địa cao hơn. Ngược lại, cắt giảm thuế quan hay cạnh tranh từ hàng nhập khẩu không có tác động tích cực tới chất lượng sản phẩm trong những ngành sản xuất với mức độ cạnh tranh thấp.
Các nghiên cứu về tác động của thương mại tới hoạt động của doanh nghiệp thường xem các doanh nghiệp sản xuất một sản phẩm duy nhất, như thế bỏ qua tác động của thương mại tới việc phân bổ nguồn lực giữa các hoạt động sản xuất trong nội bộ doanh nghiệp. Do đó, cần tính đến thực tế là các doanh nghiệp có thể sản xuất nhiều sản phẩm và phân tích về cơ cấu sản phẩm trong các doanh nghiệp và cách thức các doanh nghiệp điều chỉnh hỗn hợp sản phẩm để đối phó với áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu. Các kết quả định lượng cho thấy rằng chất lượng sản phẩm đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu sản phẩm của doanh nghiệp và đối với khả năng cạnh tranh doanh nghiệp trên cả thị trường xuất khẩu và trên thị trường nội địa. Sản phẩm hạt nhân của các doanh nghiệp, tức là các sản phẩm có tỷ trọng cao trong cơ cấu sản phẩm của doanh nghiệp, là những sản phẩm có chất lượng và giá cả cao. Trong khi đó, các sản phẩm ngoại vi (có tỷ trọng thấp) lại thường có giá thấp và chất lượng thấp. Các kết quả thực nghiệm chỉ ra rằng các doanh nghiệp cũng tập trung vào sản xuất các sản phẩm hạt nhân để đối phó với áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu. Các doanh nghiệp giảm số lượng sản phẩm và tập trung doanh thu vào các sản phẩm hạt nhân. Cạnh tranh nhập khẩu có tác động mạnh hơn tới số lượng sản phẩm và cơ cấu sản phẩm trong các doanh nghiệp chỉ bán hàng trên thị trường nội dịa, giúp xác nhân tác động của cạnh tranh nhập khẩu tới hỗn hợp sản phẩm. Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra rằng cạnh tranh không chỉ thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp dịch chuyển cơ cấu sản phẩm tới các sản phẩm có chất lượng cao hơn.
Để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, một số hàm ý chính sách được đề xuất như sau:
- Thứ nhất, hội nhập quốc tế và hội nhập kinh tế khu vực nói riêng là quan trọng đối với quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế. Các kết quả nghiên cứu cho thấy hội nhập kinh tế khu vực có thể đóng góp vào việc nâng cao tính cạnh tranh và sự phát triển công nghiệp Việt Nam thông qua việc thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và điều chỉnh hỗn hợp sản phẩm hướng tới các sản phẩm có chất lượng cao.
- Thứ hai, do chất lượng đóng vai trò quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, chính sách công nghiệp cần đặt ưu tiên cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm trong các doanh ghiệp, thông qua đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận với nguyên liệu sản xuất chất lượng và các công nghệ tiến tiến, cũng như thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu - triển khai và đổi mới trong các doanh nghiệp.
- Thứ ba, việc xây dựng môi trường cạnh tranh trong nước cũng đóng vai trò quan trọng. Cạnh tranh trong nước có thể thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới và năng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, như các kết quả định lượng của đề tài đã chỉ ra, một môi trường cạnh tranh trong nước là cần thiết để hiện thực hóa các lợi ích tiềm tàng của hội nhập kinh tế khu vực.
- Thứ tư, để thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại số ở Việt Nam, cần tăng cường cơ sở luật pháp, nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính và thanh toán điện tử.
- Thứ năm, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tuy nhiên cần có sự cải cách trong quy trình thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn với các chương trình xúc tiến thương mại nước ngoài. Một trong những chính sách thay đổi là tài trợ thương mại và phương pháp tài trợ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài như thiết kế sản phẩm phù hợp với thị trường nước ngoài.
>>> THÔNG TIN VỀ TƯ VẤN CHÍNH SÁCH
Bài tư vấn chính sách dựa trên Hội thảo “Hội nhập kinh tế khu vực và tác động đến doanh nghiệp” được tổ chức ngày 25/01/2024, do Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế chủ trì. Hội thảo được thực hiện trong khuôn khổ đề tài “Đánh giá tác động của hội nhập kinh tế khu vực tới việc đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất trong các doanh nghiệp chế tạo Việt Nam” (MS 502.01-2020.351), do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tài trợ. Đề tài do TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội làm chủ nhiệm. Trên cơ sở các phân tích và trao đổi chuyên sâu về chủ đề Hội nhập khu vực và tác động đến doanh nghiệp, Hội thảo đề xuất các tư vấn chính sách nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đầy biến động của nền kinh tế thế giới hiện nay.