Đào tạo theo hệ thống tín chỉ nâng cao hiệu quả dạy nghề
20/05/2010 09:09

Thực hiện học chế tín chỉ chắc chắn giúp học sinh tốt nghiệp TCCN có kiến thức vững chắc qua hình thức dạy học phù hợp (lý thuyết, thực hành, tự học)


Nhận rõ ưu thế của phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ so với niên chế, từ tháng Tám năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 2 Quy chế:

Một là, Quy chế đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hệ chính quy (Ban hành kèm theo Quyết định số 40/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01/8/2007).

Hai là, Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (Ban hành kèm Quyết định số 43/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 15/8/2007)

Điều 1 khoản 2; 3 ở Quy chế đào tạo TCCN ghi rõ: “Quy chế này áp dụng cho các trường TCCN, các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở giáo dục có đào tạo TCCN thực hiện chương trình giáo dục trung cấp chuyên nghiệp theo niên chế kết hợp với học phần. Đào tạo TCCN theo hình thức tích luỹ tín chỉ thực hiện theo quy định của Quy chế đào tạo theo tín chỉ do Bộ GD&ĐT ban hành”. 

Điều 33 – Luật Giáo dục (2005) về mục tiêu giáo dục TCCN: “đào tạo người lao động có kiến thức, kỹ năng thực hành cơ bản của một nghề, có khả năng làm việc độc lập và có tính sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào công việc”. TCCN có liên thông với Cao đẳng (CĐ), Đại học (ĐH) và được thể chế hóa bằng Quy định đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ - quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT ngày 13/2/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; tuy nhiên Quy định này chưa đáp ứng các yêu cầu liên thông bởi:

Sự chênh lệch về thời lượng 1 tiết giữa TCCN với CĐ, ĐH tạo ra sự không thống nhất khi xây dựng chương trình đào tạo (1 tiết ở ĐH, CĐ là 50 phút, TCCN là 45 phút),

Sự khác nhau về phương pháp đánh giá kết quả học tập giữa bậc TCCN và CĐ, ĐH.

Hiện nay, đa số các trường đào tạo TCCN chưa thực sự đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy - học theo học chế tín chỉ, phương pháp đáng giá nặng tính thi cử, chưa quan tâm thái độ thảo luận, hiệu quả làm việc theo nhóm, kỹ năng trình bày, vv… Những tồn tại này một phần do thói quen dạy học truyền thống vừa do các quy định của quy chế đào tạo hiện hành (chỉ phù hợp với hình thức niên chế).

Thực trạng phân luồng sau trung học phổ thông ở Việt Nam cho thấy phần lớn học sinh vẫn chọn thi ĐH, CĐ – không chọn TCCN vì chương trình này chưa đáp ứng nhu cầu mặt kiến thức, tính liên thông, vv… Đặc biệt, hầu hết các cơ sở đào tạo TCCN chưa chú trọng xây dựng nhiều học phần tự chọn để học sinh lựa chọn. Theo Quy chế đào tạo TCCN hiện hành, học sinh không được học vượt để rút ngắn thời gian học tập, không được học cùng lúc hai chương trình và điều này làm hạn chế động cơ học tập của học sinh.

Chính những tồn tại trong công tác đào tạo bậc TCCN theo nặng tính niên chế làm cho chất lượng đào tạo TCCN chậm đáp ứng nhu cầu xã hội, chưa thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh và đào tạo theo hệ thống tín chỉ là giải pháp hữu hiệu có tính đột phá trong đào tạo TCCN hợp xu thế phát triển giáo dục chuyên nghiệp ở các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Học chế tín chỉ không chỉ thuận lợi cho TCCN mà còn cho các trường ĐH, CĐ có đào tạo TCCN khi xây dựng chương trình đào tạo, chương trình liên thông, tổ chức hoạt động đào tạo. Việc nghiêm túc thực hiện tiết học thống nhất 50 phút sẽ không chỉ sớm khắc phục sự lộn xộn vì lệch phút giải lao, tan trường ở các trường ĐH, CĐ có đào tạo TCCN mà còn tạo sự thống nhất khi xây dựng chương trình, đề cương và giáo án đảm bảo tính liên thông từ TCCN với trình độ cao hơn. Học chế tín chỉ quy định thời gian giảng dạy (từ 8 - 20 g/ ngày) tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh TCCN vừa học vừa có thời gian làm thêm để nâng cao tay nghề. Tuy vậy, để phát huy hiệu lực và nâng cao hiệu quả đào tạo THCN theo học chế tính chỉ cần chú ý:

  • Đổi mới chương trình, nội dung, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học.
  • Mỗi giáo viên phải đổi mới cách dạy, hình thức tổ chức dạy học, cập nhật kiến thức.
  • Học sinh TCCN cũng phải đổi cách học cho hợp với đánh giá.
  • Nghiêm túc đánh giá theo học chế tín chỉ đối với từng loại học phần: học phần lý thuyết, học phần lý thuyết và thực hành, học phần thực hành,....
  • Đánh giá không chỉ qua kiểm tra thường xuyên, định kỳ, thi kết thúc học phần như hiện này mà còn đánh giá nhận thức, thái độ thảo luận, tính chuyên cần, tiểu luận, thực hành.
  • Tính điểm dựa vào trọng số của từng hình thức đánh giá bộ phận đã được Hiệu trưởng phê duyệt, trong đó điểm thi kết thúc học phần là bắt buộc cho mọi trường hợp và có trọng số không dưới 50%.
  • Với mỗi chương trình đào tạo cần tăng số lượng học phần tự chọn gấp khoảng 3 lần so với học phần tự chọn phải tích lũy, nhằm tạo điều kiện cho học sinh được học các học phần theo sở thích, có tính thực tiễn - một trong những đòi hỏi cấp thiết của đào tạo theo học chế tín chỉ.
  • Cho học sinh đăng ký môn học, học vượt khối lượng quy định để rút thời gian học tập
  • Cho học sinh đăng ký học các học phần của chương trình khác để có thêm văn bằng của chương trình thứ hai.
  • Tạo cho học sinh tính chủ động, sáng tạo trong quá trình học tập đồng thời rèn luyện cho học sinh biết lập kế hoạch và thực hiện tiến độ học tập.
  • Trên cơ sở đó, tổ chức thêm một học kỳ phụ ngay sau khi kết thúc năm học để học sinh được học các học phần đã đăng ký.

Thực hiện học chế tín chỉ chắc chắn giúp học sinh tốt nghiệp TCCN có kiến thức vững chắc qua hình thức dạy học phù hợp (lý thuyết, thực hành, tự học) mà còn có điều kiện phát triển kỹ năng như làm việc theo nhóm, thuyết trình,…

Để phát huy hiệu lực và nâng hiệu quả đào tạo TCCN theo hệ thống tín chỉ cần có sự chỉ đạo và đầu tư mạnh mẽ của Bộ GD&ĐT, các bộ ngành liên quan, đồng thời cần phải phát huy vai trò chủ động, tích cực của các trường.


ThS. Trần Văn Hùng - Đại học Duy Tân