Chương trình KX.01 đã đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận
07/04/2011 11:21

Đó là khẳng định của PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, thư ký Hội nghị tổng kết hoạt động của Chương trình "Những vấn đề cơ bản của phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2020" diễn ra vào sáng 6/4/2011.


Theo ông, chương trình đã cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; cơ chế và chính sách phát triển kinh tế nhằm đảm bảo phát triển nhanh và bền vững của kinh tế Việt Nam.
Tại Hội nghị, PGS.TS. Võ Đại Lược, Chủ nhiệm Chương trình KX.01/06-10 cho biết, trong giai đoạn 2006-2010, chương trình đã triển khai nghiên cứu 23 đề tài. Các đề tài này đảm bảo thực hiện được 5 nội dung như: Nhận biết bối cảnh trong nước, quốc tế và dự báo phát triển kinh tế của Việt Nam đến năm 2020; Tầm nhìn và định hướng phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2020 và xa hơn là các vấn đề về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Những vấn đề về chất lượng tăng trưởng, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế Việt Nam và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện nay, các đề tài hầu hết đều đang được thực hiện đúng tiến độ mà các tác giả đăng ký. PGS.TS. Võ Đại Lược chia sẻ: "Việc khởi động chương trình chậm đã ảnh hưởng đến các tác giả tham gia chương trình. Nhưng với nhận thức tầm quan trọng của đề tài, các tác giả đã nỗ lực và hoàn thành đúng tiến độ đăng ký". Ông cho biết thêm, đến nay, đã có 21 đề tài nghiệm thu thành công ở cấp Nhà nước trong đó có 11 đề tài đạt loại xuất sắc, 9 đề tài đạt loại khá và chỉ có 1 đề tài đạt loại trung bình.
Cũng theo báo cáo của PGS.TS. Võ Đại Lược thì các đề tài hiện nay đã hoàn thành 2.487 sản phẩm, trong đó có 2.112 báo cáo chuyên đề, 21 báo cáo tổng hợp, 65 báo cáo khảo sát trong nước và nước ngoài, 210 bài báo được đăng trong các tạp chí chuyên ngành trong nước, 18 cuốn sách được xuất bản và 61 kỷ yếu hội thảo khoa học. Các hội thảo và các kết quả nghiên cứu của các đề tài thuộc Chương trình đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế Việt Nam và quốc tế tham gia và đánh giá cao. Đặc biệt, các đề tài thuộc Chương trình đã có 4 bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí quốc tế, tham gia 3 hội nghị quốc tế với 3 báo cáo tham luận gây được sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, số lượng đề tài đã và đang đào tạo tiến sĩ là 16 chiếm 70% tổng số các đề tài của Chương trình. Theo các số liệu thống kê từ hoạt động của các đề tài cho thấy, các đề tài đã cử 112 cán bộ nghiên cứu đi khảo sát nước ngoài, số cán bộ tham gia thực hiện đề tài là 213 tiến sĩ, 98 thạc sĩ và 43 cử nhân.
Nói chung 23 đề tài thuộc 5 nhóm đã tổng hợp, khái quát được các thông tin, dữ liệu từ các nguồn tài liệu trong và ngoài nước về các vấn đề mà các đề tài nghiên cứu; phân tích đánh giá một cách khoa học và đưa ra những dự báo cũng như đề xuất các kiến nghị cần thiết cho các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Theo con số thống kê của  Ban chủ nhiệm từ các đề tài gửi lên thì đã có 23 kiến nghị gửi lên các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong đó có 15 kiến nghị được ứng dụng vào thực tế.
Một số những kiến nghị đã được ứng dụng vào thực tế, điển hình là Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (cơ quan chủ trì đề tài mã số KX.01.09/06-10) đã đề xuất các kiến nghị về ứng dụng các mô hình dự báo về thay đổi công nghệ nông thôn, cơ cấu sản xuất, cơ cấu sử dụng đất đai, cơ cấu lao động việc làm ở nông thôn Việt Nam; xây dựng tầm nhìn chiến lược cho các văn bản chính sách của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; chính sách phát triển mô hình nông thôn mới ở Việt Nam. Đề tài đã gửi 3 báo cáo kiến nghị như: “Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hoá của các nước, liên hệ đến Việt Nam”; “Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam trong thời kỳ 2011 - 2020” và “Góp ý 4 quan điểm trong Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008” cho hội đồng lý luận Trung ương, Bộ Chính trị và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn trình bày về đề tài KX.01.18/06-10 tại hội nghị

Ngoài ra, đề tài mang mã số KX.01.18/06-10 của Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học quốc gia Hà Nội cũng rất đáng chú ý khi cung cấp các luận cứ khoa học chứng minh rằng hoàn toàn có thể phát triển tốt ngành dịch vụ trong nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam, cần chú trọng hơn đối phát triển ngành dịch vụ trong mối quan hệ với phát triển công nghiệp. Kết quả nghiên cứu đề tài đã có giá trị tham khảo cao, góp phần xây dựng chiến lược phát triển ngành dịch vụ Việt Nam đến năm 2020; đã đề xuất 9 nhóm giải pháp thực hiện. Đóng góp của đề tài đã nâng cao sự hiểu biết của xã hội về dịch vụ và phát triển ngành dịch vụ, đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ vai trò, chức năng định hướng và điều tiết của Nhà nước đối với thúc đẩy cạnh tranh trong ngành dịch vụ theo đó đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ, hiện đại hoá hệ thống thể chế cho ngành này.
Đề tài thứ 3 cũng gặt hái nhiều kết quả tốt là KX01.14/06-10 do Viện Chiến lược Quân sự - Bộ Quốc phòng chủ trì đã phân tích thực trạng tổ hợp công nghiệp quốc phòng ở một số nước quan trọng về các mặt: tình hình, cơ cấu và chính sách, từ đó rút ra một số kiến nghị như thành lập Ủy ban Công nghiệp Quốc phòng do Thủ tướng làm Chủ tịch với đại diện là giới doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu phát triển, các lực lượng vũ trang.
Theo đánh giá của các thành viên Chương trình KX01, các đề tài nhìn chung đã hoàn thành tốt những mục tiêu mà Chương trình đề ra. Nội dung của các công trình mà các đề tài thực hiện đã đáp ứng yêu cầu đặt ra, có những đề xuất mới mẻ về ý tưởng, quan điểm phát triển, giải pháp thực hiện về dữ liệu thông tin, phân tích dự báo. Trong thời gian thực hiện Chương trình đã có sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả giữa Văn phòng các chương trình, các vụ quản lý của Bộ KH&CN với Ban chủ nhiệm Chương trình. Chương trình kinh tế trọng điểm của nhà nước dù đã chú trọng đến những vấn đề kinh tế cấp thiết của nhà nước, đã đề xuất những ý tưởng quan trọng mới mẻ hữu ích, nhưng những ý tưởng và quan điểm tới hiện thực hoá là cả một quá trình phức tạp, không tuỳ thuộc vào các học giả. Tuy nhiên, việc đánh giá, phê phán thực tại và đề xuất các giải pháp, định hướng phát triển cho đất nước lại là nhiệm vụ của giới khoa học.

M.T