Ngày 5/10/2024, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức thành công buổi Tọa đàm “Tiếp nhận ý kiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo - Kiểm định quốc tế ACBSP” và gặp mặt Ban liên lạc Cựu sinh viên quý III năm 2024.
Đây là sự kiện quan trọng, tạo cơ hội để Nhà trường lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến đóng góp quý báu từ các Nhà sử dụng lao động, Ban phụ huynh, Hội cựu sinh viên và sinh viên trong hoạt động cải tiến chất lượng đào tạo theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế.
Tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS. Lê Trung Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế; TS. Hoàng Khắc Lịch và TS. Phạm Minh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, các Thầy Cô là lãnh đạo các Khoa/Viện và các đơn vị trong trường. Đặc biệt Tọa đàm có sự tham gia của Hội cựu sinh viên, các Nhà sử dụng lao động, Ban liên lạc phụ huynh và các sinh viên xuất sắc thuộc chương trình “Tinh hoa trong tài năng” của trường.
Tọa đàm gồm hai phần chính:
Phần 1. Tiếp nhận ý kiến các bên liên quan nhằm nâng cao chất lượng đào tạo - kiểm định quốc tế ACBSP;
Phần 2. Gặp mặt Ban liên lạc Cựu sinh viên Quý III năm 2024.
Việc triển khai lấy ý kiến từ các bên liên quan sẽ giúp cho Nhà trường nhận diện được những điểm mạnh, điểm hạn chế, các nhu cầu, kỳ vọng của Nhà sử dụng lao động mong muốn người học đạt được sau khi kết thúc quá trình trình học tập ở trường cũng như những kỹ năng mà người học phải có để làm việc và phát triển bản thân trong tương lai. Trên cơ sở ý kiến các bên liên quan, Nhà trường sẽ tiếp thu, điều chỉnh các chương trình đào tạo cho phù hợp với những yêu cầu và thay đổi của thực tiễn đời sống xã hội.
Buổi tọa đàm đã ghi nhận nhiều bài tham luận ý nghĩa từ các diễn giả là chuyên gia và doanh nghiệp, mang đến những góc nhìn sâu sắc và thực tiễn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Bài tham luận thứ nhất: “Quá trình tự đánh giá các chương trình đào tạo của Trường Đại học Kinh tế theo tiêu chuẩn kiểm định ACBSP” của TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy, Trưởng khoa Kế toán - Kiểm toán, Tổ trưởng Tổ triển khai ACBSP của trường đã cho thấy cái nhìn toàn diện về quá trình tự đánh giá các chương trình đào tạo, khẳng định việc tự đánh giá là yếu tố cần thiết để đảm bảo chất lượng của Nhà trường.
Tham luận đã cung cấp các thông tin về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc kiểm định chất lượng theo chuẩn ACBSP cũng như quá trình Nhà trường thực hiện quy trình tự nhận diện, rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo, viết báo cáo tự đánh giá và tiến tới nộp hồ sơ chuẩn bị quy trình đánh giá ngoài… Đây được coi là quá trình thay đổi từ trong nhận thức đến hành động của lãnh đạo Nhà trường phù hợp với xu hướng quốc tế hóa và tiệm cận với chất lượng giáo dục của thế giới.
Bài tham luận thứ hai: “Nâng cao chất lượng đào tạo từ câu chuyện tuyển dụng của Ngân hàng MSB” của Bà Vũ Thị Phương - Giám đốc phân khúc Khách hàng thương mại thuộc Ngân hàng MSB chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao và vai trò của giáo dục trong việc chuẩn bị nhân lực để phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.
Tham luận đã cung cấp cho tọa đàm những thông tin chung về hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam, các kết quả điều tra khảo sát từ các doanh nghiệp, những kỳ vọng từ phía doanh nghiệp đối với hệ thống giáo dục quốc dân và với những sinh viên mới ra trường.
Đặc biệt bài tham luận cho thấy tình hình tuyển dụng từ chính ngân hàng MSB, những điểm mạnh, điểm hạn chế của sinh viên mới ra trường, những nguyên nhân chỉ ra vì sao sinh viên ra trường không có được công việc như mình mong muốn và gợi ý cho Nhà trường những điểm cần phải cải thiện để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng những mong muốn của doanh nghiệp.
Tham luận thứ ba: “Từ giảng đường đến thực tiến” của Bà Nguyễn Thị Lệ Uyên, Phó Tổng Giám đốc Đất xanh Miền Bắc.
Tham luận đã đề cập đến những kỳ vọng của doanh nghiệp mong muốn từ sinh viên tốt nghiệp, những gì sinh viên đang có, chưa có và còn yếu, những bất cập, hạn chế từ chương trình đào tạo, việc áp dụng kiến thức từ lý thuyết đến thực hành cũng như những gợi ý cho Nhà trường các yếu tố cần phải điều chỉnh bổ sung để sinh viên ra trường có cơ hội tốt hơn trong công việc.
Tọa đàm dành nhiều thời gian để Hội cựu sinh viên, Nhà sử dụng lao động, ban phụ huynh và các sinh viên thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, ý nghĩa cho Nhà trường.
Một số hình ảnh liên quan:
Phần hai của Tọa đàm là buổi gặp mặt của Ban liên lạc Cựu sinh viên Quý III năm 2024.
Đây là hoạt động thường xuyên của Hội và mang lại nhiều ý nghĩa to lớn không chỉ cho sinh viên, cho Nhà trường mà còn là nơi để những cựu sinh viên gặp gỡ, trao đổi, giao lưu hỗ trợ giúp đỡ nhau trong công việc và trong đời sống xã hội.
Tại cuộc gặp mặt này, Ông Cao Xuân Nhật - Tổng thư ký Hội cựu sinh viên đã báo cáo với Hội những hoạt động trong Quý III và phương hướng hành động trong Quý IV.
Thay mặt Nhà trường TS. Phạm Minh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Nhà trường đánh giá cao vai trò của Hội cựu sinh viên, đặc biệt các hoạt động hỗ trợ cho sinh viên của trường trong quá trình học tập.
Buổi gặp mặt còn có nhiều ý kiến đóng góp từ các thành viên trong Ban lãnh đạo, các thành viên khác của Hội, tất cả các ý kiến đó đều mong muốn Hội ngày càng lớn mạnh và phát triển, là nơi để hỗ trợ cho các bạn sinh viên trong quá trình học tập và hướng nghiệp.
Các bài tham luận của Tọa đàm:
- Bài tham luận thứ nhất (Xem tại đây):
- Bài tham luận thứ hai (Xem tại đây):
- Bài tham luận thứ ba (Xem tại đây):