Ngày 28/10/2021, trong cuỗi sự kiện hướng tới kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Ban nghiên cứu đánh giá giáo dục đã tổ chức hội thảo “Đo lường và đánh giá giáo dục vì sự phát triển bền vững”. Hội thảo có sự tham gia của hơn 600 các đại biểu là đại diện các Cục, Vụ của Bộ Giáo dục & Đào tạo, đại diện các Trung tâm khảo thí của các Viện, các trường đại học, các Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu giáo dục, giáo viên, giảng viên trên cả nước.
Hội thảo có sự tham gia của Giáo sư Paul Glewwe đến từ đại học Minnesota, Hoa Kỳ; Giáo sư Stephen Sireci đến từ đại học Massachusetts Amherst Hoa kỳ; Tiến sĩ Phạm Ngọc Duy Trung tâm Dịch vụ Khảo thí (ETS) Hoa Kỳ; Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc Trung tâm Nghiên cứu Đánh giá đại học Melbourne, Autralia; Tiến sĩ Trần Hoài Phương, Trường Đại học Monash Autralia.
Về phía Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội có sự tham gia của Thạc sĩ Nguyễn Văn Lâm và Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoa Hạnh - Chuyên viên Trung tâm Đảm bảo Chất lượng giáo dục.
Đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam có PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Viện trưởng; PGS. TS. Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho biết những năm gần đây, vai trò của đo lường và đánh giá trong giáo dục ngày càng được các trường đại học, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục trong nước và trên toàn thế giới quan tâm. Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu chia sẻ những quan điểm, những nhận định của mình trong lĩnh vực đo lường và đánh giá giáo dục.
Hội thảo tập trung vào các chủ đề sau: (1) Tổng kết thành tựu về lý luận và thực tiễn của những đánh giá giáo dục gắn với chương trình giáo dục phổ thông; (2) Các xu hướng đánh giá giáo dục và đo lường giáo dục trên thế giới; (3) Đánh giá tác động của chính sách đối với giáo dục; (4) Kiểm định chất lượng giáo dục đại học; (5) Đo lường các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực, thành tích của học sinh.
Mở đầu chủ đề thứ nhất của Hội thảo là Báo cáo “Đổi mới căn bản, toàn diện phương thức đánh giá năng lực học sinh” do PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Phương trình bày. Báo cáo đã đề cập tới thực trạng hệ thống đánh giá người học giai đoạn 2011-2020 và các thành tựu nghiên cứu đánh giá người học cũng như Chương trình hành động giai đoạn 2021-2030.
Tiếp theo là Báo cáo của Giáo sư Stephen Sireci - Giám đốc Trung tâm Đánh giá giáo dục, Đại học Massachusetts, Hoa Kỳ mang tới Hội thảo báo cáo “Định nghĩa lại đo lường giáo dục” trong đó đề cập đến các khái niệm mới về “đo lường giáo dục”.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Duy - Chuyên gia tâm trắc học, Trung tâm dịch vụ Khảo thí (ETS) Hoa Kỳ đã có Báo cáo “Đo lường giáo dục và chính sách: Viễn cảnh hệ sinh thái và vận dụng đối với ngữ cảnh Việt Nam” trong đó đề cập đến các xu hướng mới nhất trong lĩnh vực đo lường và đánh giá giáo dục trên thế giới, từ đó đưa ra một số khái niệm cho Việt Nam.
Giáo sư Paul Glewwe đến từ Đại học Minnesota, Hoa Kỳ với Báo cáo “Điều gì làm tăng khả năng học tập của học sinh ở các nước đang phát triển - Đánh giá bằng chứng và ước tính mới từ Việt Nam”. Tiến sĩ Đặng Hoàng Hải Anh, Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội với báo cáo “Vài gợi ý chính sách về kỹ năng cần được đào tạo trong thời đại kinh tế số”.
Chủ đề “Kiểm định chất lượng giáo dục đại học” mang đến một bức tranh toàn cảnh về xu thế kiểm định chất lượng đại học hiện nay trên thế giới và giới thiệu hình thức đánh giá ngoài trực tuyến theo tiếp cận AUN-QA trong bối cảnh những năm gần đây, giáo dục đại học đã chứng kiến một sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục. Các diễn giả uy tín như Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cương - Phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo, Đại học Văn Lang; PGS.TS. Phạm Văn Tuấn - Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng đã làm nóng bầu không khí hội thảo với báo cáo “Các xu hướng phát triển trong kiểm định chất lượng giáo dục đại học quốc tế” và báo cáo “Đánh giá ngoài trực tuyến theo cách tiếp cận của AUN-QA”.
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu giáo dục độc lập Tiến sĩ Đỗ Thị Ngọc Quyên cũng đặt ra các vấn đề về đảm bảo chất lượng, đảm bảo chất lượng trong đào tạo trực tuyến, khung đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến trong Báo cáo về “Đảm bảo chất lượng trong đào tạo trực tuyến”.
Ở phiên làm việc tiếp theo, các diễn giả bàn về một số xu hướng đánh giá kết quả giáo dục trong thế kỷ 21 sử dụng thang về sự tiến bộ học tập, rubric trong đánh giá các năng lực cốt lõi và các vấn đề liên quan đến đánh giá độ giá trị của đề thi chuẩn hóa.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, Nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm Nghiên cứu Đánh giá, Đại học Melbourne, Úc với báo cáo “Xu hướng đánh giá hiện nay ở các nước phát triển” và Tiến sĩ Trần Hoài Phương, Chuyên gia trưởng về Kiểm tra đánh giá, Trường Monash, Trường đại học Monash, Úc với báo cáo “Đánh giá độ giá trị của bài thi Tiếng Anh đầu vào Đại học cấp quốc gia: Một nghiên cứu từ Việt Nam” đều khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của đánh giá kết quả giáo dục trong quá trình giáo dục.
Chủ đề thứ năm của hội thảo là “Đo lường các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực, thành tích của học sinh”. Thạc sĩ Dương Thị Thu Hương, Ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày về “Khung và công cụ đánh giá năng lực cốt lõi của học sinh trung học cơ sở gắn với bối cảnh lớp học”. Trong báo cáo này, Thạc sĩ Dương Thị Thu Hương đã đề cập tới bối cảnh Việt Nam, các khung và công cụ đánh giá năng lực cốt lõi của học sinh trung học cơ sở, độ hiệu lực của khung và công cụ đánh giá. Từ đó đề xuất các hướng nghiên cứu tiếp theo, đó là xây dựng chuẩn đánh giá cho toàn bộ các năng lực cốt lõi, phẩm chất, năng lực đặc thù, phát triển các công cụ Edtech hỗ trợ giáo viên đánh giá năng lực cốt lõi; nghiên cứu về sự phụ thuộc lẫn nhau của các năng lực.
Trong phần thảo luận, đa số các câu hỏi đều tập trung vào đánh giá diện rộng, đánh giá bài thi và đánh giá trên lớp, cùng với các khuyến nghị của các chuyên gia hàng đầu như Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc và Tiến sĩ Trần Hoài Phương. Bế mạc hội thảo, PGS.TS. Chu Cẩm Thơ cảm ơn các vị đại biểu, các chuyên gia, diễn giả đã góp phần tạo nên thành công của Hội thảo. Với triết lý “nghiên cứu khoa học cơ bản để tạo nên sự phát triển bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới”, với các báo cáo được lựa chọn, Ban Tổ chức hi vọng đã mang lại cho Hội thảo góc nhìn toàn diện, đa chiều về đo lường và đánh giá giáo dục trên thế giới và Việt Nam. Hội thảo kỳ vọng Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức, chuyên gia trên thế giới trong việc xây dựng các chính sách về đo lường và đánh giá trong giáo dục.