Nâng tầm hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở ĐHQGHN trong giai đoạn mới

Ngày 08/2/2022, Giám đốc ĐHQGHN đã kí Quyết định số 286 /QĐ-ĐHQGHN ban hành Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN giai đoạn 2021 - 2030. Chiến lược là cơ sở quan trọng để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN & ĐMST) ở ĐHQGHN lên một tầm cao mới. Đây cũng được xem là đột phá chiến lược để phát triển ĐHQGHN trong giai đoạn tới, trở thành đại học thông minh, ĐMST.



Chiến lược phát triển KH, CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 của ĐHQGHN được xây dựng dựa trên nguyên tắc quán triệt các quan điểm, chủ trương, đường lối phát triển KH, CN&ĐMST của Đảng và Nhà nước đã được ban hành. Chiến lược phát triển KH, CN & ĐMST của ĐHQGHN gắn chặt và “cộng hưởng” với chiến lược phát triển KH,CN & ĐMST quốc gia. 

Quan điểm của Chiến lược KH, CN & ĐMST của ĐHQGHN xác định KH, CN & ĐMST là nền tảng, động lực cho sự phát triển của ĐHQGHN. Hoạt động KH, CN & ĐMST phải phù hợp với bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; kết hợp nội lực và ngoại lực để nâng cao vị thế của ĐHQGHN; thể hiện trách nhiệm quốc gia góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hoạt động KH, CN & ĐMST bao gồm khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật công nghệ phải hoà vào dòng chảy của văn minh nhân loại, gắn liền với tạo dựng môi trường văn hoá mang tính ĐMST; tôn trọng sự khác biệt và đa dạng; xây dựng hệ sinh thái đồng bộ từ nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, sản xuất thử nghiệm đến thương mại hoá; lấy kết quả đóng góp cho sự phát triển của đất nước và sự phát triển KH, CN & ĐMST của thế giới làm thước đo.

Thưa Phó Giám đốc, Chiến lược có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của ĐHQGHN trong thời gian tới?

ĐHQGHN xác định KH, CN & ĐMST là động lực phát triển đại học nghiên cứu và hướng tới tự chủ và xếp hạng đại học từ các kết quả khoa học mới, sản phẩm khoa học mới, chương trình đào tạo mới có chất lượng và gắn với nhu cầu thực tiễn. Chiến lược KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 là một nội dung đột phá chiến lược để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong việc sáng tạo và chuyển giao tri thức của ĐHQGHN. Những nội dung của Chiến lược sẽ là cơ sở quan trọng để ĐHQGHN tập trung đổi mới hoạt động KH & CN, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tạo động lực để đưa các hoạt động KH&CN của ĐHQGHN gắn kết chặt chẽ với thực tiễn nhằm giải quyết các vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra, không chỉ phục vụ sự phát triển của ĐHQGHN mà còn gia tăng các giá trị đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vậy ĐHQGHN xác định mục tiêu phát triển KH, CN & ĐMST đến năm 2030 là gì, thưa Phó Giám đốc?

Đến năm 2030, hoạt động KH, CN & ĐMST của ĐHQGHN đóng vai trò nòng cột, góp phần quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển ĐHQGHN thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 300 đại học hàng đầu thế giới, tham gia giải quyết một số thách thức và cấp bách của quốc gia, cụ thể là:

Trước hết, phát triển tiềm lực KH, CN & ĐMST của ĐHQGHN theo định hướng đổi mới sáng tạo gắn kết với nhu cầu thị trườngtheo đó, đến năm 2030 phát triển 50 hệ sinh thái ĐMST với hạt nhân là các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm - trung tâm nghiên cứu trọng điểm, doanh nghiệp spin-off, doanh nghiệp khởinghiệp.

Đến năm 2030, hoạt động nghiên cứu và triển khai ở ĐHQGHN tạo ra 05 sản phẩm công nghệ cao hoặc sản phẩm quốc gia ứng dụng trong thực tiễn, chuyển giao và thương mại hoá. Cùng với đó là gia tăng kết quả KH, CN & ĐMST như: Về số lượng và chất lượng công bố quốc tế: Trung bình số bài báo ISI/Scopus trên tổng số cán bộ khoa học/năm đạt tỷ lệ 1,5 vào năm 2025 và tỷ lệ 1,8 vào năm 2030. Trong đó, số lượng các công bố có chất lượng thuộc nhóm Q1, Q2 trên tổng số công bố quốc tế đạt 50% vào năm 2025 và đạt 60% vào năm 2030; Về số đơn đăng ký giải pháp hữu ích, sáng chế được chấp nhận hợp lệ/năm đạt 100 công bố vào năm 2025 và 150 công bố vào năm 2030.

Bên cạnh đó, tăng nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ, chuyển giao và thương mại hoá sản phẩm KH, CN & ĐMST: đạt 15% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030/tổng nguồn thuKH, CN & ĐMST.

Đến năm 2030, ĐHQGHN có mô hình tổ chức hoạt động KH, CN & ĐMST hoàn chỉnh gắn với tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố Hà Nội và quốc gia.

Đâu là những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai, thưa Phó Giám đốc?

Chiến lược KH, CN & ĐMST của ĐHQGHN đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất là chú trọng phát triển các tổ chức KH, CN & ĐMST trong đó tập trung phát triển công viên KH, CN & ĐMST trên cơ sở liên kết các phòng thí nghiệm liên ngành, liên lĩnh vực phối hợp với các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao Hoà Lạc, hình thành hệ sinh thái ĐMST quy mô Tp. Hà Nội và khu vực. ĐHQGHN cũng thúc đẩy việc hình thành doanh nghiệp spin-off và doanh nghiệp khởi nghiệp để hỗ trợ phát triển sản phẩm ứng dụng và thương mại hoá. Bên cạnh đó, ĐHQGHN phát triển trung tâm cơ sở dữ liệu số phục vụ nghiên cứu, đào tạo, quản lý tài sản trí tuệ và thương mại hoá sản phẩm KH, CN & ĐMST.

Thứ hai, ĐHQGHN tổ chức các nhiệm vụ/chương trình KH, CN & ĐMST, theo đó tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ/chương trình KH, CN & ĐMST trọng điểm cấp quốc gia. Đồng thời, ĐHQGHN chủ động xây dựng mới các chương trình nghiên cứu KH, CN & ĐMST cấp Bộ và cấp quốc gia. Việc hợp tác với địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc xây dựng và triển khai chương trình/nhiệm vụ KH, CN & ĐMST được tăng cường.

Thứ ba là đối với phát triển dịch vụ KH, CN & ĐMST sẽ gia tăng nguồn thu từ dịch vụ (tư vấn, phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định,…) trên nền tảng của hệ thống các phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm đạt chuẩn quốc gia và quốc tế: Vilas, Vimcerts,GMP,… Mặt khác, ĐHQGHN tăng cường các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ đăng ký và chuyển giao tài sản trí tuệ. Ngoài ra, ĐHQGHN cũng tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên gia đạt các chứng chỉ theo chuẩn trong nước và quốc tế gắn với chuyển giao, thương mại hoá các sản phẩm KH&CN. 

Thứ tư, ĐHQGHN đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động KH, CN & ĐMST trong đó bao gồm: chuyển đổi mô hình quản lý trên nền tảng công nghệ số; phát triển cơ sở dữ liệu chuyên ngành và tích hợp phục vụ cho tổ chức hoạt động KH, CN & ĐMST; tăng cường tổ chức các hoạt động nghiên cứu tích hợp giữa lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với   lĩnh vực công nghệ số; pháttriển không gian số kết nối và thương mại hoá sản phẩm KH, CN & ĐMST.

Cuối cùng là đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động KH, CN & ĐMST, theo đó, ĐHQGHN đổi mới cơ chế và mô hình hoạt động KH&CN gắn với đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. ĐHQGHN cũng sẽ tập trung đổi mới phương thức hợp tác về KH, CN & ĐMST giữa ĐHQGHN với doanh nghiệp và địa phương theo hình thức công - tư; đổi mới phương thức thu hút nhà khoa học, chuyên gia, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia các hoạt động KH, CN & ĐMST tại ĐHQGHN.

Để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trên thì cần có những giải pháp gì, thưa Phó Giám đốc?

ĐHQGHN sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp về chính  sách, nhân lực, tài chính, hợp tác, hạ tầng KH, CN & ĐMST, truyền thông và chuyển đổi số.

Đối với giải pháp chính sách, sẽ cho phép nhà khoa học được làm việc 01 tháng/năm tại doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ KH, CN & ĐMST nhưng vẫn tính là giờ làm việc tại ĐHQGHN theo quy định. Bên cạnh đó, ĐHQGHN khuyến khích nhà khoa học/đơn vị thu hút các nguồn đầu tư thực hiện nhiệm vụ KH, CN & ĐMST cấp ĐHQGHN. Các nhà khoa học/đơn vị được phép phối hợp với doanh nghiệp và nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp KH, CN & ĐMST dạng spin-off theo mô hình thí điểm.

ĐHQGHN sẽ ưu tiên nghiên cứu sinh có công bố tối thiểu 02 bài báo quốc tế đúng hướng nghiên cứu của luận án và là tác giả chính đăng trên tạp chí ISI/SCOPUS sẽ được miễn phản biện kín và đặc cách tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ trước hội đồng.

ĐHQGHN cũng sẽ hỗ trợ kinh phí ban đầu cho các nhóm nghiên cứu thực hiện đấu thầu thành công các nhiệm KH, CN & ĐMST trong nước và quốc tế có quy mô từ 5 tỷ đồng trở lên.

Đối với nhóm giải pháp nhân lực, ĐHQGHN sẽ thúc đẩy gia tăng số lượng các nhóm nghiên cứumạnh; phát triển các nhóm nghiên cứu liên ngành để giải quyết các bài toán lớn và liên lĩnh vực; phát triển các tổ chức tư vấn chính sách để tham gia thực hiện tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước; nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý KH, CN & ĐMST.

Còn đối với nhóm giải pháp về chuyển đổi số, thưa Phó Giám đốc?

ĐHQGHN đang đẩy mạnh chuyển đổi số một cách toàn diện trong các hoạt động, và đó cũng là điểm nhấn quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược KH, CN & ĐMST của ĐHQGHN. Trong hoạt động chuyển đổi số, ĐHQGHN tập trung xây dựng bộ số liệu dùng chung trong quản lý và phục vụ nghiên cứu KH, CN & ĐMST và đào tạo. Bên cạnh đó, ĐHQGHN phát triển nền tảng và sử dụng dịch vụ công nghệ điện toán đám mây để tổ chức quản lý hoạt động KH, CN & ĐMST theo cá thể hoá người dùng.

Minh bạch hoá dữ liệu KH, CN & ĐMST để vinh danh và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị và nhà khoa học cũng sẽ được ĐHQGHN đẩy mạnh. Ngoài ra, tăng cường quốc tế hoá hoạt động KH, CN & ĐMST tại ĐHQGHN thông qua việc thiết lập hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối, chia sẻ tài nguyên số với các đối tác.

Ngay sau khi ban hành, các đơn vị trong ĐHQGHN sẽ xây dựng chiến lược và kế hoạch hằng năm phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với đặc thù của đơn vị trên cơ sở định hướng nhiệm vụ của Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST của ĐHQGHN giai đoạn 2021-2030.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Giám đốc!


VNU Media